GN - Chuyện năm xưa…
Đó là 1983… Một dịp, tôi trở về thăm trường cũ, nơi tôi dạy học đầu tiên, nơi có đám học trò lớp chủ nhiệm mà tôi yêu thương như đàn con của mình. Một số học trò biết tin rủ nhau đến thăm tôi. Thầy trò tíu tít hỏi han nhau đủ chuyện thật ồn ào vui vẻ. Bỗng Mỹ Liên cho tôi hay tin Nguyễn Văn Sơn đã xuất gia.
Tôi hết sức bất ngờ. Trí tôi lập tức cố nhớ lại… nhưng vẫn không sao nhớ được em này có “nét đạo” gì khác biệt trong thời gian em học với tôi. Tối đó, tôi rủ một số em học trò cùng đến chùa thăm Sơn.
Đó là một ngôi chùa nghèo ở một nơi khá vắng, xa xóm chợ. Quanh chùa, khắp nơi là bóng tối âm u, chỉ leo lét một ánh đèn dầu qua khung cửa sổ. Tôi và các em học trò đứng lặng bên ngoài cửa sổ nhìn vào trong.
Nương theo tiếng tụng kinh đều đều vang lên giữa cảnh đêm vắng lặng, chúng tôi nhận ra Sơn đang ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật, ánh sáng tù mù hắt ra từ ngọn đèn dầu nhỏ, không soi rõ cảnh vật chung quanh.
Một em học trò thì thào vào tai tôi:
- Thấy Sơn tội nghiệp quá hả cô?
Không! Tôi không tội nghiệp cho Sơn, mà tôi tội nghiệp cho mình. Lòng tôi đầy ắp những suy nghĩ ngậm ngùi: “Trong cảnh ngộ này sao dám nói chắc ai là đáng thương hơn?”. Chúng tôi đang đông đảo, vui vẻ đứng bên ngoài nhìn vào, thấy em như đang lẻ loi, khổ hạnh đáng thương. Nhưng biết đâu rằng, từ nơi ấy nhìn ra, có thể em đang thương hại chúng tôi còn ngụp lặn trong biển đời si mê phiền trược?! Em đó, đang sống với cuộc sống xả ly, thanh bần nhưng an nhiên tự tại, còn tôi, còn dính mắc điều gì mà loay hoay mãi chẳng định được hướng đi? Tưởng là mình đi trước, vậy mà, tuổi thì một ngày một già, mà tôi vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi học trò mình đó, tuổi thanh xuân phơi phới, nhựa sống tràn trề, nhưng em đã sớm chọn “đi con đường khác”.
Tôi bỗng nhớ lại mồn một câu chuyện “Đi con đường khác”. Đó là một truyện ngắn mà tôi đã đọc và cảm nhận thật sâu sắc. Chuyện kể về một cô gái đột ngột hay tin người mình yêu sắp sửa xuất gia, cô vội vã vượt đường xa tìm đến, với quyết tâm và niềm tin chắc chắn là sẽ thuyết phục được người yêu trở về bằng tình yêu mãnh liệt của mình. Thế rồi, cô đến nơi vừa lúc nghi thức xuất gia cho người yêu của cô diễn ra.
Nhưng rồi…, nhìn người yêu đang quỳ trước chánh điện trang nghiêm với phong thái oai nghi, đĩnh đạc, vẻ mặt an nhiên, thoát tục…, cô bỗng nhận ra tình yêu mãnh liệt nhường ấy nơi cô lúc nãy, giờ đây trở nên vô vàn nhỏ bé, tầm thường và vô nghĩa. Cô rũ người chấp nhận nỗi đắng cay thua cuộc. Cô tự thấy nực cười cho mình ban nãy đã có ý tưởng dại dột ngông cuồng, muốn đem tình yêu tầm thường của mình để lay chuyển lòng tín tâm của chú Sa-di, “y hệt như con phù du ngông cuồng muốn vỗ đôi cánh bé nhỏ của mình lên để làm giật mình con sư tử”.
Hoàn cảnh của tôi hôm nay không giống chút nào với hoàn cảnh của nhân vật trong truyện, nhưng tôi cảm nhận được ý nghĩa cách biệt diệu vợi giữa cuộc sống đời thường nhỏ bé so với cuộc sống thoát tục nhiệm mầu.
Thời kinh tụng xong, em đứng dậy thu xếp kinh mõ, vặn ngọn đèn xuống thật thấp và cầm chiếc đèn để lên bàn Phật. Thầy trò tôi nãy giờ nín lặng đứng yên bên ngoài, giờ mới lên tiếng và bước vào trong. Quay ra nhìn thấy tôi, em kêu lên mừng rỡ:
- Ơ kìa, cô! Cô qua hồi nào? Sao cô biết trò ở đây? Mời cô và mấy bạn vô…
Tôi bỗng đâm ra lúng túng, không biết phải xưng hô với học trò mình như thế nào. Ngày xưa tình thầy trò giữa tôi và các em vô cùng khắng khít. Lớp các em là lớp tôi phụ trách chủ nhiệm đầu tiên trong đời, lại là chủ nhiệm suốt ba năm, nên đầy ắp tình thương và kỷ niệm. Sau này tôi đổi về quê, các em học trò lớn lên có vợ có chồng, mỗi người mỗi ngả, nhưng tình thầy trò giữa chúng tôi vẫn gắn bó sâu đậm, hễ có cơ hội là lại đi thăm nhau hay họp mặt đông đủ vui vẻ.
Thấy tôi hồi lâu vẫn chưa nói câu nào, có lẽ biết tại sao, em mở lời:
- Cô cứ xưng hô như hồi nào đi cô! Em đi tu thì đi chứ đâu có bỏ hết tình nghĩa, người thân.
Xoay qua nhìn các em học trò cùng đi với tôi, em nói:
- Các bạn vô đây! Ngồi đây uống nước! Để tôi điểm danh xem ai nhe! Mỹ Liên nè, Tư nè, Hoanh nè, Hiền… còn ai đây, à, Hà phải không?… Thấy chưa, tôi đâu có quên các bạn đâu!
Thấy em cởi mở, tôi lên tiếng:
- Thật tình cô biết xưng hô với em như ngày xưa là không phải. Xưa là đời, còn bây giờ là đạo, không thể nào xưng hô giống như ngày xưa. Nhưng thôi, em hãy xem như đây là lần sau cuối cô trò chuyện với em với thân tình xưa cũ, sau này cô chắc chắn sẽ phải sửa lại cách xưng hô cho đúng.
Buổi tối hôm ấy, thầy trò tôi đã trò chuyện với nhau thật nhiều, nói về lẽ đạo nhiều hơn về chuyện đời. Chùa miền quê còn nghèo, cuộc sống của em còn thanh bần, nhưng em vẫn luôn tỏ ra đầy vẻ an lạc, tự tại.
Trong câu chuyện đổi trao, tôi nói với em:
- Tâm nguyện của cô là đi con đường giống như em vậy. Nhưng có lẽ nghiệp duyên của cô chưa hội đủ nên cô vẫn còn vướng víu chuyện đời. Chẳng biết bao giờ cô mới được như em.
Hoàn toàn tôi không ngờ, em lên tiếng cản ngăn:
- Thôi cô ơi! Cô đi tu làm chi. Cô sống như bây giờ là tốt lắm rồi. Cô không lập gia đình nè, cô ăn chay trường, cô làm việc xã hội giúp đỡ mọi người, sống không làm nghề ác việc ác, vậy thì cũng giống như tu chứ gì!
- Sao kỳ vậy Sơn? Ai thì cô không biết, chứ với em, cô tưởng khi biết cô có ý đi tu thì em sẽ rất hoan hỷ và ủng hộ cô chứ, sao em lại cản ngăn?
- Em thấy như vậy. Cô sống như hồi nào tới giờ là tốt lắm rồi, không cần đi tu làm chi!
… Đây không phải lần đầu tiên, tâm nguyện đời tôi có dịp nhen lên rồi lụn tắt. Lần này, tưởng gặp người đã đi con đường đạo, người ấy sẽ giúp tôi thổi bùng tâm nguyện, nào ngờ...
*
Chuyện bây giờ…
Rồi cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được sở nguyện của mình, dẫu rất muộn màng. Ngày tôi xuất gia, các em học trò cũ đến dự, có bảo tôi rằng:
- Tụi em có cho thầy Sơn hay (phải là thầy Hạnh chứ! thầy Thích Thông Hạnh), rủ thầy đến dự lễ xuất gia của cô, nhưng thầy nói “để cho cô tự nhiên”.
Tôi hiểu hai chữ “tự nhiên” mà học trò tôi nói. Sẽ là một tình huống khó xử cho cả hai phía, nếu tôi hoặc học trò tôi xử sự không thông. Xưa là đời, tôi là cô giáo dạy cho em tri thức và đạo nghĩa của đời thế tục. Giờ em và tôi đều là người tu, hiểu giáo lý Phật, thì em là người đi trước, tuổi hạ cao, giáo phẩm trọng, tôi trước em phải cung kính đảnh lễ và xưng hô đúng pháp. Nếu có dịp nào gặp lại em, tình huống đó mới là cơ hội để tôi soi rọi lại mình xem đã dẹp trừ được ngã mạn đến đâu. Bây giờ, ở đây, thì tôi tin rằng mình có thể. Nhưng “nghĩ và làm”, liệu khoảng cách có “bằng không” (= 0)?