Chuyện Thiền sư và Nhà vua “hóa hổ”: Từ chính sử đến dã sử và những ngôi chùa ở xã An Khánh

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chuyện hóa hổ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hậu thân của ngài là vua Lý Thần Tông được ghi chép trong nhiều thư tịch, từ chính sử, dã sử đến văn học… là chuyện “linh dị” phải khẳng định là “hoang đường” khó tin.

Thế nhưng hàng chục di tích chùa chiền ở Bắc Bộ là chứng tích để minh chứng cho câu chuyện này, khiến sự thật và hư cấu được đan kết chặt với nhau không thể nhận diện được đâu là chi tiết thực, đâu là hư cấu.

Từ “Đại Việt sử ký toàn thư” đến các tác phẩm văn học cổ

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần “Nhân Tông Hoàng đế” viết: “Nhâm Thìn, năm thứ 3 (1112) (Tống Chính Hòa năm thứ 2)… Bấy giờ vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai, xuống chiếu chọn con người tôn thất để lập con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai, vừa gặp lúc sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà. Sùng Hiền hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải cho tôi biết trước”. Đạo Hạnh cầu hộ với sơn thần. Ba năm sau, phu nhân có thai, sinh con trai là Dương Hoán”.

“Ất Mùi, năm thứ sáu (1115) (Tống Chính Hòa năm thứ 5)… Bấy giờ vua không có con trai nên lập nhiều hoàng hậu và cung nhân làm đàn chay để cầu tự. Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm sở (tục truyền rằng Thái hậu hối lại việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ không tội mà bị chết, mới làm nhiều chùa Phật để sám hối và rửa oan)”.

“Bính Thân, năm thứ 7 (1116) (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, tháng 6, nhà sư Từ Đạo Hạnh hóa thân trút xác ở chùa núi Thạch Thất. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người. Đạo Hạnh lấy chân ướm vào vừa đúng với vết chân ấy, tục truyền là chỗ Đạo Hạnh trút xác. Phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị có mang, trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người phi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào trong hang núi trút xác mà đi. Phu nhân bèn sinh con trai, tức là Dương Hoán.

Người làng cho là việc lạ, để xác của Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm cứ đến ngày mồng 7 tháng Ba con trai con gái hội họp ở chùa là hội vui chơi của miền ấy. Người đời sau ngoa truyền là ngày kỵ của nhà sư. Xác của Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh bị người Minh đốt cháy, người làng ấy đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn…”.

Cũng sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần “Thần Tông Hoàng Đế” viết: “Tân Hợi, năm thứ 4 (1131) (Tống Thiện Hưng năm thứ 1)… Dựng nhà cho Đại sư Minh Không”. Sách cho biết: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Tục truyền, khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau, nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.

Chuyện Từ Đạo Hạnh sau khi qua đời thác sinh làm Dương Hoán để nối ngôi vua trở thành Lý Thần Tông, và chuyên vua Lý Thần Tông Hóa hổ xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học cổ và trong dã sử, điển hình như: Thiền uyển tập anh tương truyền do Thiền sư Thông Biện (? - 1134) biên soạn; Sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446); sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên” được viết vào thế kỷ XIV; Lĩnh Nam chích quái được biên soạn vào cuối thời nhà Trần…

Thiền uyển tập anh được coi là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện còn. Đây là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán ghi lại hành trạng của những bậc thiền sư anh tú của Đại Việt thời Đinh, Lê, Lý (từ cuối thế kỷ VI đến thế kỷ XII). Trong Thiền uyển tập anh, phần viết về Thiền sư Minh Không (1076-1141), sau khi kể chuyện Sư sang Đại Tống xin đồng đem về nước để đúc tạo Đại Nam tứ khí, thì kể đến chuyện chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Theo sách viết, “Năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh biến… thành cọp, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:

Nước có Lý Thần Tông

Triều đình muốn việc thông

Muốn chữa bệnh thiên hạ

Cần được Nguyễn Minh Không”.

Triều đình sai quan quân đi đón sư. Đến am, Sư cười bảo: Đâu không phải là việc cứu cọp đó ư?. Quan chỉ huy hỏi: Sao Thầy sớm biết trước? Sư trả lời: Ta đã biết việc này trước ba mươi năm. Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo bá quan đem cái vạc dầu lại trong đó để một trăm cây kim và nấu cho dầu sôi, đem cũi vua lại gần đó. Sư khoắng tay mò trong vạc lấy một trăm cây kim rồi đem găm những cây kim vào thân vua. Vừa làm sư vừa nói: Quý là trời! Tự nhiên lông, móng, răng trên người vua đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không thu thuế”.

Việc Lý Thần Tông hóa hổ còn được gắn với một câu chuyện khác liên quan đến quá trình đi tìm thầy học phép của Từ Đạo Hạnh và Không Lộ, Giác Hải. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên viết: “Đạo Hạnh học được tất cả, nghĩ giận hai bạn thất ước mới niệm chú. Minh Không, Giác Hải đi được nửa đường, bị chú, đau bụng như cắt. Đạo Hạnh dùng thuật thu đất lại, băng bộ về trước, rồi hóa ra hổ mà núp ở trong bụi rậm làng Ngãi Cầu huyện Từ Liêm, gầm thét vài tiếng, lân cận đều kinh hãi.

Minh Không, Giác Hải đi ngang qua đấy, nhìn nhau ngạc nhiên, bề ngoài tuy hơi sợ nhưng trong bụng nghĩ có linh thuật, lại sẵn có thông minh, biết là Đạo Hạnh hóa tướng, mới bảo rằng: “Ngươi nếu muốn biết hậu thân của thân ngươi, đến đây ta bảo cho”. Rồi nói với Từ Đạo Hạnh rằng: “Bọn ta cùng được Thế Tôn dạy dỗ, đạo quả đã tròn, hậu thân ngươi sẽ phải ra lại thế gian làm vua, nhưng bệnh trái khó tránh được. Ta với ngươi có duyên, phải đến cứu giúp nhau”.

Đạo Hạnh khi ấy bỏ hết giận cũ, cùng nhau truyền đổi phép tiên, đi trên mặt nước, bay ở không trung, rồng phải xuống chầu, hổ phải nép, bay lên trời thu đất lại, muôn quái nghìn kỳ, vào thần ra quỷ, chẳng ai dò được huyền diệu. Khi ấy, hai người kia mới nhường Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ, Giác Hải làm em út.

Những ngôi chùa ở xã An Khánh - chứng tích về Từ Đạo Hạnh hóa hổ

Ở miền Bắc ngày nay có hàng chục ngôi chùa là chứng tích về hành trạng và cuộc đời trác tích tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Láng (tương truyền được xây dựng trên nền nhà của cha mẹ của Từ Đạo Hạnh); chùa Thầy ở núi Sài Sơn – nơi Thiền sư Đạo Hạnh tu hành và đắc đạo. Trong khi, rất nhiều ngôi chùa khác ở Nam Định gắn với cuộc đời tu hành của Thiền sư Không Lộ và Giác Hải. Các ngôi chùa ở Ninh Bình, trong đó có núi chùa Bái Đính gắn với đời tu hành của Thiền sư Minh Không, đặc biệt chùa Lý Triều Quốc Sư ở Hà Nội là nơi được triều đình nhà Lý xây dựng để Quốc sư Minh Không tu hành.

Do nhân duyên, tôi đến sinh sống tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã hơn 20 năm và nhập hộ khẩu thường trú ở đây. Trên địa bàn xã An Khánh và các xã lân cận có rất nhiều ngôi chùa, trong đó nhiều ngôi chùa cùng gắn với truyền thuyết về việc kết nghĩa học đạo của 3 nhà sư trứ danh thời Lý. Tại làng Ngãi Cầu ở xã An Khánh có ngôi chùa Ngãi Cầu rất cổ kính. Tôi được nhiều người dân làng Ngãi Cầu kể cho nghe truyền thuyết “Từ Đạo Hạnh hoá hổ”.

Tương truyền vào thời nhà Lý, ba vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Giác Hải trên đường truyền pháp đã hội ngộ tại ngôi làng trù phú. Họ làm lễ kết giao huynh đệ: Từ Đạo Hạnh làm anh cả, Dương Không Lộ thứ hai, Giác Hải làm em út. Từ đây ngôi làng mang tên Ngãi Cầu Trang (thôn Cầu Nghĩa). Ba vị chân sư truyền đạo pháp tại vùng này suốt nhiều năm, Từ Đạo Hạnh tu luyện được nhiều phép thuật phi phàm, thần thông quảng đại.

Một lần Từ Đạo Hạnh nổi hứng, muốn trêu đùa doạ nạt hai ông em. Từ Đạo Hạnh lên nằm xoải thân trên đỉnh một ngọn đồi, ông hóa thành thần hổ to lớn. Dân các làng xung quanh kinh ngạc khi nhìn về phía ngọn đồi, cả mảng đồi vằn vện sọc đen sọc vàng của da hổ. Từ đấy về sau người ta gọi quả đồi là đồi Vằn. Hóa thành thần hổ, Từ Đạo Hạnh đi về phía làng La Dương, nơi hai ông em đang giảng truyền đạo pháp. Thần hổ múa vuốt, uốn lưng biểu diễn nhiều vũ điệu lạ mắt trước mặt hai ông em. Dương Không Lộ và Giác Hải một phen hoảng hồn. Sau mới biết thần hổ chính là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ bèn trách anh: “Bày trò đùa cợt chi nhau/ Muốn làm kiếp ấy, đời sau được làm”.

Quả nhiên lời Không Lộ hiệu nghiệm. Kiếp sau, Từ Đạo Hạnh đầu thai làm vua Lý Thần Tông, còn Dương Không Lộ đầu thai làm sư Nguyễn Minh Không. Sắp tới tuổi trưởng thành, bỗng dưng Thái tử Thần Tông mắc chứng bệnh lạ: khắp mình mọc đầy lông lá, suốt ngày gầm gừ, kêu như loài thú. Vua cha triệu danh y bốn phương về cung, vẫn không chữa nổi bệnh lạ của thái tử. Bỗng dưng trẻ con khắp kinh thành hát truyền nhau câu đồng dao: “Muốn chữa bệnh cho thái tử Thần Tông, phải đón Nguyễn Minh Không”. Đức vua cho rằng lời con trẻ chính là ý trời muốn mách bảo mình, bèn sai quân lính triệu sư Nguyễn Minh Không về triều. Quả nhiên Minh Không chữa được căn bệnh lạ của thái tử.

Ngày nay, ở sát phía Nam của Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn có một gò nhỏ đất nhỏ mang tên Đồi Vằn. Từ lâu các bậc cao niên ở đây vẫn chỉ vào ngọn đồi hoang vu mà bảo rằng: đấy chính là chùa Vằn. Chùa Vằn được dựng lại vào năm 2005. Cách vị trí chùa Vằn chừng 300m, sát con đường Quốc lộ 72 thuộc về địa phận làng La Dương, xã Dương Nội, quận Hà Đông ngày nay còn ngôi chùa cổ kính mang tên chùa Múa, tên chữ Thiên Vũ tự - tương truyền là nơi thần hổ - Từ Đạo Hạnh múa cách đây gần nghìn năm.

Theo thư tịch của Thiên Vũ tự, thì vào năm 1031, triều đình nhà Lý bỏ tiền ra xây dựng 950 ngôi chùa. Các làng xóm, nhân dân đều đóng góp tiền của xây chùa, hầu như làng nào cũng có chùa riêng. Làng La Dương dựng chùa ngay tại nơi thần hổ múa khi xưa, đặt tên là chùa Múa. Ngày nay hội làng La Dương còn tục lệ múa hổ, kể tích truyện Dương Không Lộ, Từ Đạo Hạnh. Dân các làng Ngãi Cầu, An Thọ cùng chung xây chùa trên đồi Vằn, đặt tên là chùa Vằn. Truyền thuyết kể rằng, vua Lý Thần Tông từng đích thân đến giảng giải đạo pháp ở chùa Vằn. Có hai vị hộ pháp từ trên trời bay xuống nghe giảng đạo. Quá say mê nghe thuyết pháp, hai vị đứng chôn chân trên hai phiến đá trước cửa chùa Vằn. Hiện tại đồi Vằn vẫn còn hai phiến đá thuở xưa hằn in dấu chân hộ pháp.

Ngày nay, người dân 3 làng Ngãi Cầu, An Thọ (xã An Khánh), La Dương (Hà Đông) hàng năm cùng chung một lễ hội chùa vào ngày mồng 7 tháng Ba âm lịch. Tại vị trí giao giữa 3 làng có chùa Tổng, chùa thờ 3 vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Không Lộ, Giác Hải, trong chùa còn thờ Thần hổ. Dưới gốc đa phía trước sân thượng điện của chùa có nhiều tượng hổ bằng sứ, mỗi hổ có một hình dáng và tư thế khác nhau. Điểm nhấn trong lễ hội chùa ở đây là tục lệ rước Phật, Thánh rất đông vui từ 3 ngôi chùa gồm chùa Ngãi Cầu, chùa Vằn và chùa Múa lên chùa Tổng. Kết thúc đêm hội chùa vào mồng 8 tháng Ba âm lịch thường đốt pháo bông tại chùa Tổng, khách thập phương đến xem ngập đường.

Không chỉ những ngôi chùa ở xã An Khánh, mà còn hàng chục di tích chùa chiền ở Bắc Bộ là chứng tích để minh chứng cho truyền thuyết Từ Đạo Hạnh và hậu thân của Ngài từng “hóa hổ”. Tích chuyện này còn được ghi trong cả chính sử và nhiều thư tịch cổ, khiến sự thật và hư cấu được đan kết chặt với nhau không thể nhận diện được đâu là chi tiết thực, đâu là hư cấu.

Từ những truyền thuyết này cho thấy, trong ý nghĩ của người dân thuở xa xưa, các bậc tu hành đắc đạo có thể làm được những điều phi thường, trong đó có phép thuật linh dị. Mặc dù vậy, trong mắt người dân nhìn về 3 vị thiền sư nổi tiếng có nhiều pháp lực, thì Không Lộ và Giác Hải đã sớm đắc đạo, trong khi Từ Đạo Hạnh tuy có phép thuật mạnh nhất nhưng lại chưa đắc đạo do còn luyến ái quyền lực. Câu chuyện “hậu thân” cũng phản ánh niềm tin về kiếp trước kiếp sau. Chuyện “hóa hổ” của vua Lý Thần Tông được coi là kiếp sau của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, với quả báo do sử dụng công năng của phép thuật sai mục đích và sự hoán chuyển vai trò quyền lực thông qua con đường “tái sinh”.

Vua Lý Thần Tông được chữa khỏi bệnh, nhưng dương thọ ngắn ngủi càng cho thấy rõ hơn quan điểm: quyền lực không bằng nghiệp lực. Truyền thuyết này thêm khẳng định: Giá trị của định luật nhân quả chính là nêu bật được yếu tố có vay có trả trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày