Cô chủ nhỏ gieo duyên ăn chay đến người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
GN - Nguyễn Thị Hằng Thị (sinh năm 1994, pháp danh Bảo Nguyệt), quê Gia Lai, là một người trẻ chọn khởi nghiệp với “Lẩu chay Hằng Thiện” tại Làng Đại học Thủ Đức (TP.Thủ Đức).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1132 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1132 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Để hiểu hơn về công việc mà cô chủ nhỏ này đã và đang thực hiện, phóng viên báo Giác Ngộ có cuộc trò chuyện cùng Hằng Thị quanh câu chuyện gieo duyên ăn chay từ việc kinh doanh của mình.

* Chào Hằng Thị, bạn có thể chia sẻ lý do chọn khởi nghiệp với “Lẩu chay Hằng Thiện” cũng như giá trị kinh doanh và ý niệm hướng người trẻ đến với ăn chay của bạn trong dự án này?

- Ngày còn học ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tôi ăn chay và thường xuyên phải đi tìm những quán chay ở cách xa trường của mình nhưng không cảm thấy ngon, vì hạt cơm khô và không nhiều rau củ đa dạng. Ngay từ lúc đó, tôi đã ấp ủ mở một quán chay, nơi sinh viên có thể ăn món chay ngon, giá vừa túi mà chất lượng đầy đủ rau củ nấm do các nhà vườn rau sạch cung cấp.

Thông qua dự án nhỏ này, tôi muốn gửi gắm các giá trị tích cực đến với các bạn như tinh thần dám dấn thân khởi nghiệp trên con đường lành, thực tập sống yêu thương, biết cho đi, thực tập sự tập trung (chánh niệm) khi làm bếp, trao gửi năng lượng yêu thương qua từng công việc dù nhỏ nhất...

Tôi luôn ấp ủ “ở đâu có người trẻ, ở đó có chay Hằng Thiện”. Tôi tin tưởng sức mạnh lan tỏa của người trẻ, và gieo hạt mầm chay lành tốt cho sức khỏe cùng những hoạt động tích cực tại các quán chay sẽ kết nối được hạt giống Bồ-đề của các bạn mạnh mẽ hơn. Người trẻ chính là những người tiếp nối, lan tỏa năng lượng lành đến với mọi người, gia đình và xã hội.

Thông qua dự án nhỏ này, tôi muốn gửi gắm các giá trị tích cực đến với các bạn như tinh thần dám dấn thân khởi nghiệp trên con đường lành, thực tập sống yêu thương, biết cho đi, thực tập sự tập trung (chánh niệm) khi làm bếp, trao gửi năng lượng yêu thương qua từng công việc dù nhỏ nhất...

* Vậy trong buổi đầu, Hằng Thị có gặp khó khăn nào không? Bạn đã vượt qua như thế nào?

- Với tôi, trong buổi đầu, khó khăn nằm ở sự khác biệt về khẩu vị. Câu hỏi làm thế nào để tạo ra một vị lẩu chay mà mọi người đến từ các vùng miền khác nhau đều có thể ăn được, trở nên thích thú với việc ăn chay cứ luôn ở trong mình, và tôi tự lấy quyết tâm phải thực hành luyện tập nấu hàng giờ trong bếp, đón nhận lắng nghe góp ý từ mọi người. Trong khi nghe các ý kiến mà tâm mình không khởi lên sự phán xét, lo sợ, so sánh, chọn lọc điều phù hợp nên áp dụng... và giữ tâm ý bình ổn, hoan hỷ, biết ơn cũng là điều cần phải thực tập.

Tôi là người miền Trung nên khẩu vị thường mặn. Ở trong này, mọi người thích vị ngọt vì dễ ăn nên cũng góp ý rất nhiều. Tôi sửa dần, giờ quán đã ra một vị chung mà tất mọi người ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều ăn được. Phần nước chấm, tôi cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công thức riêng. Trong vòng một năm, quán đầu tiên đông khách, tôi đã mở thêm một quán chay nhỏ nữa, đưa bố mẹ từ Gia Lai vào Sài Gòn cùng làm. Cả nhà bán chay, với mình đã là hạnh phúc lớn.

* Đến nay, “sự nghiệp” của bạn như thế nào rồi? Nhìn lại quãng đường đã qua, bạn thấy mình đã trưởng thành ra sao?

- 4 năm một hành trình, tôi luôn giữ thiện ước lan tỏa ấy, niềm tin vào con đường mình chọn. Đến nay, lẩu chay Hằng Thiện đã có 5 chi nhánh tại Bình Dương, Quận 9, Gia Lai và sắp tới là cơ sở mới trong dự án hợp tác với một doanh nhân Phật tử đặt tại quận 7 - TP.HCM.

Các bài viết chia sẻ của tôi trên các diễn đàn ăn chay được mọi người đón nhận và gửi đến mình những phản hồi tích cực. Từ đó, tôi có dịp lắng nghe câu chuyện của họ, trao lại niềm tin, nghị lực, làm người bạn động viên tinh thần dù chưa bao giờ gặp mặt.

Bên cạnh đó, với mong muốn giúp đỡ những người trẻ khởi nghiệp quán chay, tôi đã sáng lập nên group Học mở quán chay, tính tới thời điểm hiện tại có gần 5 ngàn người, kênh Tiktok chia sẻ kinh nghiệm và hành trình mở quán trao động lực cảm hứng với 18 ngàn follow, đa số đều là Phật tử, những người mang trái tim chia sẻ và ấp ủ muốn mở quán chay gieo duyên ở các tỉnh trên khắp Việt Nam.

Đặc biệt một điều, trước khi tham gia group để cùng học tập chia sẻ kinh nghiệm, tôi có để yêu cầu tham gia là mỗi người hãy viết một câu niệm Phật mới được vào nhóm. Như vậy mỗi ngày đi qua, tôi tin sẽ có nhiều hạt giống niệm lành được gieo trong giây phút nào đó từ tâm thức của mọi người.

Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi biết ơn vì bản thân đã dám lựa chọn, dám dấn thân làm. Có nhiều người khuyên tôi còn trẻ thì làm văn phòng cho sạch sẽ, đỡ vất vả bếp núc quán xá. Nhưng với tôi, được sống với con đường mình đam mê có ý nghĩa đã là niềm vui lớn. Làm quán chay dạy cho mình nhiều bài học, niềm tin vào chính mình, kiên nhẫn, bình tĩnh trước mọi vấn đề, học cách chăm chút từng điều nhỏ, nuôi dưỡng bình an nơi lòng... là môi trường để mình vừa có cơ hội gieo duyên lành, vừa tạo dựng được không gian thực tập quay về bên trong tu tập thân tâm.

* Hằng Thị vừa chia sẻ về nhóm kinh doanh quán chay giá rẻ cho sinh viên, bạn có lời khuyên nào cho người trẻ muốn kinh doanh cùng lĩnh vực?

- Hành trình đó nhìn lại, tôi luôn tâm niệm rằng: “bán quán chay chỉ là phương tiện, trao gửi những giá trị lành tích cực lan tỏa trong điều mình làm mới là cốt lõi”. Tôi cũng thường chia sẻ với các học viên Học mở quán chay như vậy.

Để mở được quán chay, làm một người chủ quán chay vững vàng, trước hết cần thực tập nếp sống tích cực, rèn luyện thói quen tốt, suy niệm an lành và xác định được rõ ràng giá trị cốt lõi, sứ mệnh khi đi trên con đường này, nó mang đến nghị lực cho bạn trẻ bước qua những khó khăn trong quá trình làm quán.

Bên cạnh đó nên dành thời gian học hỏi những người đi trước trong cùng lĩnh vực chay, tập nấu món chay, tích lũy thêm kinh nghiệm bằng cách trải nghiệm làm trong các quán, nhà hàng chay.

Nên làm từ mô hình nhỏ trước để hạn chế rủi ro đầu tư lớn mà chưa có kinh nghiệm về quản lý quy trình, nhân sự, nguyên liệu hay đối tác cung ứng thực phẩm... Các bạn có thể thử sức bán chay online, hoặc các xe đẩy chay “take away” vốn nhỏ ở điểm cố định với đối tượng khách phù hợp và tích lũy kinh nghiệm dần trước khi bắt tay mở quán.

Ảnh tác giả

Tôi bắt đầu ăn chay từ năm 2 đại học. Tôi cảm nhận cơ thể mình nhẹ nhàng, cộng với việc hoạt động nhiều khi làm quán nên cơ thể cảm thấy khá linh hoạt. Tâm trí tôi giải quyết vấn đề cũng trở nên nhạy bén hơn, giúp mình sáng tạo nhiều thứ “làm điểm riêng đặc biệt” cho mỗi quán chay, gặp khó khăn dễ chuyển niệm lạc quan và cảm thấy cuộc sống đẹp hơn trong những điều dù đơn giản nhỏ bé ở xung quanh mình.

Nguyễn Thị Hằng Thị

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày