Hành trình phụng sự xã hội của đội “Phản ứng nhanh 75”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1132 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1132 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Với nhiều người dân Huế, hình ảnh các tình nguyện viên của đội “Phản ứng nhanh 75” làm việc từ sáng sớm đến 12h đêm để khử khuẩn, tầm soát và vận chuyển bệnh nhân F0 trong cái rét căm căm cùng cơn mưa tầm tã đã trở nên quá quen thuộc.

“Cho tui xin ít phút để nấu tô mì cho ông ăn tạm”

Bắt đầu từ sáng sớm, anh Trương Vững, khi nghe tin đội "Phản ứng nhanh 75" hoạt động, đã tất bật chuẩn bị đồ bảo hộ, khăn tay, khẩu trang, balo thiết bị máy ảnh, rồi lên đường ngay để kịp giờ đưa đón bệnh nhân F0. “Tranh thủ kẻo bệnh nhân họ hoang mang, lo sợ vì chờ đợi, tội nghiệp lắm. Thấy mình thì họ vui, cảm thấy an toàn hơn”, anh Vững chia sẻ.

Theo lời anh Vững, người vốn là một nhiếp ảnh gia, việc ngày nào cũng đi từ sáng đến 12h đêm là chuyện bình thường như cơm bữa, tuy vậy, anh em trong đội vẫn cố gắng duy trì công việc suốt mấy tháng qua. Phải đi thực tế, anh Vững và các cộng sự mới hiểu hoàn cảnh bà con với sự thiếu thốn đủ điều. Lắm lúc chụp ảnh, bản thân xúc động không cầm được nước mắt.

Cũng theo lời kể của anh Vững, có lần, cả đoàn được phân công đón 2 ông bà lớn tuổi bị F0, đưa đi cách ly. Bà cứ lần lữa mãi, rồi mới ngập ngừng nói: “Các chú chờ tui xíu, cho tui xin ít phút để nấu tô mì cho ông ăn tạm, kẻo sợ ông đói”. Nghe đến đây, cả nhóm nghẹn ngào không nói lên lời.

Hay có trường hợp 2 cháu bé F0, đứa lớn 10 tuổi ôm đứa nhỏ chỉ mới 1,5 tuổi ngồi trên xe đi cách ly, dù chẳng quen biết gì nhau. Rồi một cụ ông đã 98 tuổi, muốn cách ly chung với người cháu cũng là F0 nhưng chẳng biết tìm đâu. Hóa ra người cháu bị câm, điếc bẩm sinh, nên chẳng thể liên lạc về gia đình được.

Trước những cảnh đời đầy xúc động như vậy, bao nhiêu mệt mỏi, đói khát đối với các thành viên đội "Phản ứng nhanh 75" như đều tan biến đi cả, năng lượng lại tràn về để họ tiếp tục chuyến xe của mình, giúp đỡ những hoàn cảnh khó ngặt.

“Còn biết bao nhiêu là hoàn cảnh thương cảm khác nữa. Mình tuy đã vượt quá tuổi quy định tham gia đội nhưng cũng muốn góp 1 chút ít sức lực gì đó cho Huế, cho bà con đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19”, anh Vững bộc bạch.

Lan tỏa yêu thương, phụng sự xã hội

Được biết, đội "Phản ứng nhanh 75" được anh Nguyễn Đình Anh Khoa thành lập cách đây 4 tháng, khi Huế bắt đầu bùng phát dịch. Với tinh thần “Lan tỏa yêu thương - Phụng sự xã hội”, chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, đội nhanh chóng thu hút được 100 thành viên là doanh nhân, nhiếp ảnh gia, tài xế, sinh viên, nhân viên y tế…

“Đội chia ra nhiều nhóm như là nhóm tầm soát, nhóm vận chuyển F0 đi cách ly hay bệnh nhân đã khỏi bệnh về nhà. Rồi nhóm phun khử khuẩn, nhóm ATM oxy chuyên cung cấp bình oxy cho các bệnh nhân cần giúp đỡ. Tất cả đều được thực hiện miễn phí cho bà con”, anh Khoa cho biết.

Ngoài ra, đội "Phản ứng nhanh 75" cũng là mô hình duy nhất ở Huế thực hiện thí điểm làm thẻ “Kiểm soát dịch bệnh” qua mã QR. Giúp chính quyền và người dân theo dõi, kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Mặc dù mới thành lập không lâu nhưng tất cả các thành viên của đội đều được hỗ trợ, tập huấn kỹ càng và bài bản những kỹ năng phòng chống dịch, sơ cấp cứu, sử dụng bình oxy… để vừa giúp đỡ kịp thời người bệnh nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân.

Các thành viên "Phản ứng nhanh 75" với tinh thần đồng cảm, yêu thương cùng lòng nhiệt huyết đã bám trụ hơn 4 tháng qua nhằm góp phần vào công tác chống dịch tại thành phố Huế. Trong số đó, nhiều người đã xa gia đình rất lâu, không thể dành nhiều thời gian cho con cái hay tập trung lo cho kinh tế nhưng hầu như trong đội, ai cũng lạc quan. Tất cả đều có mong muốn đóng góp một chút gì đó cho quê hương, giúp đỡ mọi người cùng nhau vượt qua đại dịch này. Nhờ sự năng nổ đó mà bà con nơi đây ai cũng biết đến PUN75, gặp chuyện gì cũng gọi điện nhờ giúp đỡ.

“Nguồn kinh phí để hoạt động của đội là tự phát nên mối bận tâm lớn nhất hiện tại với đội đó là sự hỗ trợ, tiếp sức để mua bình oxy dự trữ, trang bị y tế phòng chống dịch như đồ bảo hộ, khẩu trang, que test… giúp đỡ người dân an tâm chống dịch”, Anh Khoa thổ lộ.

Thừa Thiên Huế đang trong giai đoạn có số ca nhiễm tăng cao bất ngờ. Thống kê cho thấy toàn tỉnh ghi nhận 10.583 ca mắc Covid-19 (tính đến ngày 24-12-2021).

Mô hình đội "Phản ứng nhanh 75" được thành lập ra vào giữa tháng 8-2021. Đây là một trong những mô hình sáng tạo, cơ động, kịp thời và hoạt động rất hiệu quả trong kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh nhà.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày