Có nên cho trẻ sơ sinh đến chùa nghe kinh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi là Phật tử nữ thuần thành. Lúc mang thai, tôi thường đến chùa tụng kinh, trước là để cầu nguyện an lành, sau là cho con trong bụng nghe kinh. Khi con tôi được gần 1 tuổi, nhà cũng gần chùa nên tôi thường đưa con qua chùa lễ Phật, gặp thời tụng kinh tôi cũng cho con vào cùng nghe kinh. Tôi chọn ngồi chỗ cuối cùng ngoài cửa, con tôi nằm trong xe đẩy bên cạnh, cháu ngoan nên suốt thời kinh không hề khóc quấy gì cả. Tôi thấy vui vì đã gieo duyên lành với Tam bảo từ rất sớm cho con. Một hôm, có người khuyên tôi không nên đưa trẻ sơ sinh vào chánh điện, nếu lỡ cháu phóng uế thì sẽ làm mất phước của bé. Tôi rất phân vân về lời khuyên này. Rất mong quý Báo hướng dẫn để tôi biết cách gieo duyên tu học cho con.

(CÁT TƯỜNG, cattuong…@gmail.com)

Bạn Cát Tường thân mến!

Thai giáo hay giáo dục con khi còn trứng nước, lúc mang thai là điều hiện được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Dù chưa chào đời nhưng con đã cảm nhận được khá nhiều điều, nhất là tâm tư tình cảm buồn vui thiện ác của cha mẹ. Trong dân gian đã có kinh nghiệm sâu sắc về việc này “Con vào dạ, mạ đi tu”. Nghĩa là người mẹ khi mang thai cần giữ tâm thiện lành, ngoài tạo phúc còn giữ cho con được yên lành, không trao truyền cho con những năng lượng bất an.

Khi trẻ chào đời, trong giai đoạn sơ sinh cho đến khi biết nói, tập đi thì sự cảm nhận về thế giới xung quanh và tình cảm của cha mẹ cũng lớn dần thêm. Được sự yêu thương của cha mẹ và sống trong môi trường thiện lành, an vui sẽ có nhiều lợi ích cho bé.

Trong giáo lý đạo Phật có đề cập đến thai giáo và giáo dục đạo đức, gieo duyên lành cho trẻ sơ sinh. Sử truyện ghi rằng, khi hoàng hậu Ma-da mang thai thái tử Tất-đạt-đa, bà đã giữ gìn giới hạnh, thân tâm trong sạch. Kinh Bồ-đề vương tử (Trung bộ, số 85) ghi lại chuyện vương tử Bồ-đề được mẹ lên chùa gặp Đức Phật xin quy y lúc còn mang thai, khi sinh ra được gia nhân đưa lên chùa quy y thêm lần nữa.

“Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng’.

Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng”.

Như vậy, việc đưa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lên chùa lễ Phật, nghe kinh là điều nên làm. Môi trường chùa chiền, tu tập, kinh kệ có năng lượng thiện lành rất lớn. Trẻ nhỏ có thể cảm nhận được năng lượng bình an, góp phần nuôi dưỡng thiện tâm và định hình nhân cách tốt đẹp khi lớn lên. Nên việc bạn đưa con nhỏ lên chùa lễ Phật, nhân đó được nghe kinh là hoàn toàn đúng đắn, phước đức vô lượng.

Tuy nhiên có chút vấn đề bạn cần lưu tâm là không để bé khóc lóc hay quấy quá làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh đại chúng. Mặt khác, cũng cần để ý đến bé trong trường hợp có phóng uế thì xử lý kịp thời. Dĩ nhiên, không ai nỡ phiền trách bé hoặc bị tổn phước trong trường hợp này. Nếu bạn chọn vị trí thích hợp (ngồi cuối phía ngoài cửa), bé im lặng không quấy rầy và cũng không phóng uế thì mẹ con bạn có thể nghe kinh bình thường.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.
Đức Thế Tôn, bậc Thầy của trời, người

Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng

GNO - Người đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều biết, giáo lý đạo Phật không phải là những lý thuyết trừu tượng siêu hình mà là những lời dạy thiết thực hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc nội tại.

Thông tin hàng ngày