Phật tử có cần đến chùa thường xuyên?

Ảnh: Bảo Toàn
Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi đã quy y đã lâu năm, khi mới quy y thì tôi cũng chịu khó đi chùa tham gia tu tập và làm các Phật sự. Tuy nhiên mấy năm gần đây, do tình hình dịch bệnh nên tôi tự tu tập ở nhà. Xin hỏi: Là Phật tử, nếu không đi chùa trong những ngày quan trọng như 30, 14 (hay mùng 1, 15) để sám hối, cầu an thì có mang tội không? Tôi có cần phải đến chùa thường xuyên vào những ngày ấy để tu tập không? Ngôi chùa mà tôi quy y cách xa nhà tôi quá, với công việc bộn bề nên nhiều khi tôi không về chùa được. Tôi chỉ tranh thủ ghé qua chùa gần nhà lễ Phật rồi về. Tôi tự nhận thấy mình bỏ bê công phu tu tập cùng quý thầy, quý bạn đạo vì công việc và dịch bệnh. Tôi biết là trong Phật giáo không nghiêm khắc hay bắt buộc việc đi chùa. Vậy tôi có thể tự tu tập ở nhà được không? Kính mong quý Báo cho tôi lời khuyên.

(VIỆT DŨNG, vietdung...@gmail.com)

Bạn Việt Dũng thân mến!

Người xưa đã đúc kết kinh nghiệm “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” để nói lên tầm quan trọng của Tăng thân, những người bạn đạo có thể trợ duyên tích cực cho ta trên con đường tu học. Với người chưa “biết sống một mình” thì nương tựa vào đại chúng để tiến tu là điều cần thiết, không thể bỏ qua. Kinh nghiệm này dễ dàng tích lũy được khi chúng ta có khoảng thời gian tự tu học, xa rời đại chúng và cảm nhận sâu sắc sự giải đãi, biếng nhác, không còn tinh chuyên, nhiệt huyết, hân hoan phơi phới như cái thuở ban đầu.

Trong hai năm vừa qua, vì chướng duyên dịch bệnh nên mọi người (mọi nhà, mọi chùa) đều ở yên. Đây là một thử thách cho sự kiên tâm trì chí tu hành của những người mới, sơ tâm. Bấy giờ, việc thực hành công phu, duy trì thời khóa tu tập hàng ngày tùy thuộc vào sự tự giác, tự nguyện của mỗi người. Đến nay dịch bệnh đã vơi bớt, mọi sinh hoạt bình thường trở lại thì việc tham gia tu tập, sinh hoạt với các chùa, đạo tràng cần được khởi động, kết nối và duy trì.

Bạn trước đây đã tích cực tham gia tu tập cùng đại chúng, sau hai năm tự tu học, giờ đây có dấu hiệu không muốn trở lại đạo tràng với lý do vì hoàn cảnh cá nhân. Nếu như bạn đã biết tự tu, là người đã “biết sống một mình” thì ý niệm đó có thể chấp nhận. Nói có thể chấp nhận là về phương diện tự lợi của riêng bản thân bạn, còn phương diện lợi tha tức sự có mặt của bạn và những người đã biết tu trong đạo tràng sẽ là động lực, trợ duyên cho nhiều người sơ cơ khác tinh tấn, vững chãi, gắn kết với Tam bảo nhiều hơn.

Còn nếu vì dịch bệnh phải tạm xa chùa, được “nghỉ ngơi” lâu ngày quá nên lười biếng, không còn tinh tấn nữa thì bạn hãy tâm niệm sám hối và nhanh chóng phát nguyện tinh tấn, khắc phục các chướng ngại để được cộng tu với thầy bạn. Những lý do như nhà xa chùa, công việc nhiều quá nếu mình thực sự quyết tâm thì có thể khắc phục dễ dàng. Quan trọng nơi cái tâm, nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua tất cả.

Việc đi chùa trong những ngày quan trọng như 30, 14 (hay mùng 1, 15) để sám hối, cầu an rất cần thiết cho sự tu học của hàng Phật tử tại gia. Đến chùa, ngoài việc tham dự các khóa lễ sám hối, cầu an bạn còn được gặp thầy cùng các bạn đạo để được nghe pháp, kết nối nguồn mạch tâm linh và hâm nóng đạo tình. Chính đạo tình của thầy bạn cùng với những lời sách tấn, động viên sẽ truyền cảm hứng tu tập và hộ pháp, tạo ra một không gian tâm linh ấm áp, và những người trong cuộc sẽ cảm nhận được năng lượng an lành nhờ sống chung trong ngôi nhà đạo. Đây là những cảm xúc và giá trị tâm linh to lớn mà người tự tu ở nhà không tìm thấy được dù tinh tấn, nỗ lực một mình.

Mặt khác, tuy đạo Phật khuyến khích sự tự giác, không bắt buộc phải đến chùa và tham gia thường xuyên các hoạt động tôn giáo nhưng luôn kêu gọi lục hòa, đoàn kết, phát huy sức mạnh của Tăng thân và Phật tử. Sức sống đích thực của đạo Phật phải dựa trên nền tảng minh triết, thanh tịnh, đoàn kết, hòa hợp. “Tăng ly chúng Tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”. Tăng - Ni - Phật tử khi tách rời khỏi đoàn thể để tự tu chỉ có thể lợi ích trong một thời điểm, giai đoạn nào đó mà thôi. Còn nếu cách ly hẳn Tăng thân và đoàn thể thì việc tu tập của tự thân cũng không tiến bộ mà đạo pháp nói chung cũng bị chia rẽ, manh mún, suy yếu.

Do vậy, muốn tu tập tiến bộ, muốn Chánh pháp hưng thịnh ở thế gian, Tăng Ni và Phật tử cần phải cộng tu trong tinh thần thanh tịnh, đoàn kết, hòa hợp.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày