Có những sự sống nảy sinh từ cái chết

GN - “Chị ơi, con em đã hồi phục được 65% não bộ rồi, ở ngưỡng an toàn nên bác sĩ cho phép xuất viện, mỗi tuần đến bệnh viện một lần để chạy điện não chữa 35% còn lại. Hôm nay con bé được về nhà trọ sống cùng với tụi em rồi. Hạnh phúc quá, em báo tin cho chị hay”, anh Lâm Trung Trực, cha của bé Lâm Hoàng Ny mừng rỡ điện thoại báo cho chúng tôi biết.

Đó là vào ngày 27-3, sau gần 3 tháng cả gia đình anh vật lộn, chiến đấu với số phận, không biết bao nhiêu lần con anh đối diện với cửa tử; bằng cả niềm tin và sức lực, cuối cùng điều kỳ diệu, hạnh phúc vỡ òa cũng đã đến với đôi vợ chồng tử tế.

Tận cùng nỗi đau

Hai vợ chồng anh Trực - người quê ở Huế, người ở Tây Nguyên - gặp nhau tại đất Sài Gòn rồi kết duyên chồng vợ. 40 tuổi, bắt đầu đón đứa con đầu lòng, anh Trực vui mừng khôn xiết, nhưng rồi niềm hạnh phúc đã không trọn vẹn. Ngày 20-1, do sanh khó, con anh vừa chào đời từ Bệnh viện quận 9, TP.HCM phải chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng ngạt thở, xuất huyết trong não, viêm xẹp phổi.

Mười ngày sau đó, đúng vào mùng ba Tết, bệnh viện báo tin con anh không thể nào qua khỏi, sức khỏe rất yếu, bé sẽ ra đi khi rút ống thở oxy trong khoảng thời gian từ một tiếng đổ lại. Anh Trực nuốt nước mắt ký vào giấy, xin xuất viện để cho con được ra đi thanh thản.

TRan (2).JPG

Sự đau khổ trong khoảnh khắc anh Trực nhận chiếc quách từ thiện cho con (trái)
và hình ảnh hạnh phúc của gia đình hiện tại

Giây phút chúng tôi gặp anh là lúc anh đang chạy đôn chạy đáo, nhờ hỗ trợ cái quách và xe vận chuyển để đưa con đến cơ sở từ thiện, chờ con dứt hơi thở là mai táng, vì chủ nhà trọ kiêng kỵ những điều không lành đầu năm. Anh may mắn được Sư cô Chúc Phúc phát cơm từ thiện ở bệnh viện làm cầu nối nhờ mạnh thường quân giúp đỡ. Bước chân rời Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhìn anh ôm con, tay run run, bước chân nặng nề, mọi người hỏi “có ổn không”, anh vẫn đủ tỉnh táo trả lời: “Em đang niệm Phật để ‘thắp đuốc’ cho con. Em niệm vầy hoài đến chừng nào con em đi thì mới thôi”. Nước mắt chảy dài, anh không nói gì thêm nữa.

5g chiều cùng ngày, anh điện thoại cho chúng tôi, giọng nghèn nghẹn: “Con em vẫn thở bình thường, sắc mặt tươi hồng. Có lẽ vì tình thương của vợ chồng em với cả nhà niệm Phật hồi hướng cho bé mà bé cảm nhận được đó chị. Xin chị giúp để đưa con em đến bệnh viện cứu chữa. Em thà để con chết ở bệnh viện, chứ đem về cơ sở từ thiện, ngóng chờ con chết như thế này em không chịu nổi. Em cảm nhận được, con em đang kêu em làm gì đó để cứu nó”.

Và khi đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 rồi, anh hết lời năn nỉ bác sĩ. Trước hoàn cảnh khó khăn và hiểu nỗi khổ của người cha đứng nhìn con chịu đau khổ trong tuyệt vọng, bác sĩ đã chấp nhận cho nhập viện. Nhưng hy vọng rất mong manh, nếu không muốn nói là không có, vì từ hồ sơ bệnh án cho thấy bé đã chết não.

Trong khoảng thời gian con nằm ở khoa Cấp cứu, anh cứ chạy đi, chạy về giữa nhà trọ và bệnh viện, vừa lo cho con, vừa chăm sóc vợ bị hậu sản. Trên quãng đường từ nhà đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, đi ngang các chùa, người cha ấy vẫn dành vài phút đứng trước tượng Phật khấn nguyện, van xin Ngài cứu lấy con mình.

Anh bảo: “Em xin Đức Phật nhiều lắm, chỉ cần con em được cứu sống hoặc bé được ra đi thanh thản, bao nhiêu việc phúc đức em cũng làm”. Câu chuyện của anh được truyền đến các mạnh thường quân, cảm thương trước hoàn cảnh, có người chia sẻ cho anh tiền xoay xở nhưng anh chỉ nhận đủ khoản tiền bệnh viện kêu ứng. Kêu anh lấy dư vài trăm dằn túi, anh cũng không lấy.

Nghe anh bảo: “Con em giờ không qua khỏi rồi, em chỉ xin đủ khoản tiền lo cho con những ngày cuối cùng ở bệnh viện. Em không dám lấy tiền của mọi người cho, để dành cứu những bé khác, còn có cơ hội sống”. Mọi người chỉ còn biết cầu nguyện, chúc phúc lành đến cho gia đình anh.

Nỗi lòng lay động trời xanh

Và rồi, như một sự mầu nhiệm, sau một tuần điều trị, bác sĩ cho biết, bé Hoàng Ny đã cử động được tay chân, mắt đã mở, cơ hội cứu sống rất cao. Anh điện cho chúng tôi, mừng quýnh quáng: “Nghe được tin, em mừng quá. Lúc thăm con, thấy con cử động tay chân, uống sữa được, người em như sống lại. Vợ em biết tin con như vậy tinh thần cũng đỡ hơn. Vợ em bắt đầu nói chuyện với em, giờ đã lên bệnh viện chăm con, chứ lúc con xảy ra chuyện, bà xã chỉ lặng thinh”.

Sư cô Chúc Phúc cho biết: “Có lẽ hai vợ chồng sống tử tế nên được Trời Phật thương. Trong thời gian con điều trị tại bệnh viện, có nhiều hạng mục bảo hiểm không thanh toán; để có tiền chạy chữa, hai vợ chồng mượn tiền khắp nơi. Túng thiếu, chị Tý chấp nhận bán chiếc xe gắn máy lấy tiền cho con thay máu, rồi đến anh Trực cầm luôn chiếc xe của mình. Quãng đường từ nhà đến bệnh viện, lên công ty làm việc, tất cả anh Trực đều di chuyển bằng xe buýt. Phải túng thiếu lắm, không còn chỗ để mượn tiền, hết đường xoay thì anh mới nhờ đến sư cô”.

Ẵm con trên tay, người mẹ trẻ rớm nước mắt bộc bạch: “Chị biết không, cứ mỗi lần nghe tin con bất ổn, ra đi bất kỳ lúc nào là em khóc không còn nước mắt, đến xỉu. Cảm giác đau đớn đó với em sống còn khó hơn chết, nhưng khi nghĩ đến con, em nói với lòng phải đi cùng con. Một ngày không biết bao nhiêu lần em niệm Phật, lúc tỉnh là niệm, có khi vừa niệm vừa khóc. Em nghĩ chư vị Bồ-tát đã nghe được lời cầu nguyện của em nên mới có kỳ tích xảy ra như ngày hôm nay”.

Chiều 10-4, khi đến thăm gia đình anh Trực, trong căn nhà trọ ấm áp trên đường Lã Xuân Oai, Q.9, TP.HCM, bé Hoàng Ny đã biết đòi ẵm, vươn vai, rướn người, lật được một bên. Nhìn con hồi phục từng ngày, vợ chồng anh Trực mừng lắm. Bây giờ làm việc gì, anh chị cũng nghĩ đến con đầu tiên.

Để có tiền xoay xở, trả nợ và chữa bệnh cho con, ngoài thời gian làm ở công ty, anh Trực tranh thủ lúc tối thuê xe chạy Grab kiếm thêm chút đỉnh. Bữa cơm hàng ngày của hai vợ chồng tiện tặn chưa đến bốn mươi ngàn nhưng ai đến với gia đình này cũng cảm nhận được sự hạnh phúc đang lan tỏa. Dù mệt mỏi nhưng trong khung giờ nhất định, anh chị vẫn thay nhau tập vật lý trị liệu cho con. Đến lịch lại chở con lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 chạy điện não.

Mặc dù bé Hoàng Ny đã xuất viện nhưng biết rằng cuộc hành trình tìm sự sống cho con sẽ còn kéo dài, cần nhiều tiền và tất cả đều tùy duyên, bởi vậy người cha, người mẹ ấy tận dụng mọi thời gian để niệm Phật, gieo duyên lành. Những ngày nhóm từ thiện anh quen phát cơm ở bệnh viện, anh đều xin công ty cho nghỉ vài tiếng chạy ra phụ một tay.

Biết trường hợp của bé Hoàng Ny, có người bảo làm đơn khiếu nại sự tắc trách của bác sĩ đỡ đẻ, suy đi nghĩ lại, vợ chồng anh quyết định cho qua mọi chuyện. Anh Trực bảo: “Tạo việc phúc đức, tha thứ cho người khác, gói ghém tất cả yêu thương, hai vợ chồng chỉ mong một ngày con cất được tiếng khóc, có cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác là mãn nguyện, mọi chuyện khác giờ đã không còn quan trọng nữa...”. 

Hãy sống tốt, đời sẽ cho ta những quả ngọt: “Trong thời gian con nằm viện suốt gần 3 tháng, trải qua nhiều khoảnh khắc, có thể nói là đau khổ tột cùng, vợ chồng em đã nhận ra rằng, việc gì đến với mình đều có nguyên do. Và trong những lúc như thế, ý chí rất quan trọng. Nếu bản thân mình buông xuôi thì không ai có thể giúp được mình cả. Càng đau khổ, càng bế tắc thì càng cố gắng bước về phía trước và đặc biệt càng phải sống tử tế để tạo phước lành. Vợ chồng em tin rằng, khi mình thành tâm, tha thiết, sống tử tế thì sẽ chạm được lòng từ của Đức Phật; và sự xót thương, cùng những lời cầu chúc tốt lành của mọi người chính là nguồn năng lượng vô giá giúp mình thay đổi được số phận”, anh Lâm Trung Trực chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày