Có Phật trên từng ngón tay

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở thời đại của mạng xã hội, con người giao tiếp với nhau qua các ứng dụng. Các cuộc trò chuyện và ứng xử gói trọn trong các ngón tay.

Con người dễ dàng dùng thô ngữ với nhau dưới suy nghĩ của các ngón tay chứ không phải suy nghĩ của bộ não và cái cảm của con tim. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy mình may mắn khi có Phật trên từng ngón tay...

Hầu như mỗi buổi sáng tôi đều có thời gian riêng tư cho bản thân khoảng 30 phút, thuần túy không làm gì, chỉ ngồi uống trà và nghĩ về những việc mình làm trong ngày hôm trước, và tiếp diễn trong ngày hôm nay. Trong những suy nghĩ đó, tôi đều nhìn lại bản thân mình với một câu hỏi: Mình có làm gì sai không? Có những ngày cảm thấy bất an, tôi cầm chuỗi hạt lần trên hai bàn tay. Tha lực từ những hạt bé xíu đó thật mạnh mẽ biết bao.

Thật may mắn cho tôi là sau nhiều năm tháng khi trải qua nhiều va vấp, câu trả lời thường là không đến nỗi, hoặc nếu có thì cũng rất nhẹ, không gây hậu quả cho mình cho người. Hồi còn trẻ dại, nếu để mà trả lời câu hỏi đó, thì chắc sẽ là một cái sớ lỗi lầm và một mớ hỗn loạn.

Với mạch sống hiện nay diễn ra mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng trò chuyện, điện thoại thông minh, con người càng dễ dàng huyên náo và mắc sai lầm. Đời sống hiện đại phụ thuộc vào các phê bình (review) và bình luận tương tác (comment) trên mạng xã hội, từng cá nhân, từng doanh nghiệp đều đứng trước những rủi ro bị bêu xấu, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và doanh thu mà không lường trước được.

Tôi còn nhớ khi tôi tham gia một dịch vụ du thuyền trên sông tại New York. Đó là một dịch vụ rất tệ không như quảng cáo, và nhóm hành khách rất phẫn nộ. Tôi cũng cảm thấy rất khó chịu và lên trang Facebook của họ viết một review khá dài và chấm cho họ một sao. Một vài du khách cũng làm như tôi.

Hai ngày sau, tôi nhận được một email xin lỗi rất dài từ quản lý. Mọi việc sau đó tôi quên đi. Thế nhưng, một tháng sau, tôi nhận được một email từ chủ công ty, xin xóa dòng review đó, với lý do là việc làm ăn của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Một cuộc survey (khảo sát) trong công ty của họ cho thấy, khách hàng đa số không chọn dịch vụ du thuyền của công ty nữa là do đọc cái review của tôi.

Tôi thấy họ thành khẩn, tự nhiên trong lòng áy náy. Lúc viết review, tôi chưa bao giờ nghĩ vì một vài dòng của mình mà việc làm ăn của họ bị ảnh hưởng. Đó là một ngày tôi bị đấu tranh tư tưởng giữa việc: Nên tử tế và khoan dung hay dũng cảm nói ra cái xấu? Cả hai quan điểm bi và dũng đều được khuyến khích thực hành theo truyền thống đạo Phật. Lòng thương người, sự tử tế trong lúc này có phải là đang dung thứ cho điều không tốt? Sự dũng cảm đấu tranh trước cái xấu trong trường hợp này có phải là quá cứng nhắc, và gây hại cho việc làm ăn của người ta?

Sau khi suy nghĩ vài hôm, tôi quyết định chọn trong bi có dũng. Tôi viết cho họ một bức thư khá dài nói rằng dịch vụ của họ thực sự rất tệ, và họ cần phải thay đổi để phục vụ khách hàng tốt hơn. Song song tôi cũng đồng ý xóa review để cho họ một cơ hội làm mới. Làm xong hai việc đó, tự nhiên tôi thấy vui trong lòng. Lúc đó tôi nhận ra rằng, khi dũng và bi được song hành, con người sẽ có cơ hội được làm những việc tốt một cách mạnh mẽ hơn.

Ở thời đại của mạng xã hội, con người giao tiếp với nhau qua các ứng dụng. Các cuộc trò chuyện và ứng xử gói trọn trong các ngón tay. Con người dễ dàng dùng thô ngữ với nhau dưới suy nghĩ của các ngón tay chứ không phải suy nghĩ của bộ não và cái cảm của con tim. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy mình may mắn khi có Phật trên từng ngón tay.

Tôi chọn trao đổi và chuyện trò bằng ái ngữ, tôi dùng những ngón tay của tôi gõ nên ngôn từ vui vẻ đẹp đẽ để trao đi. Những lúc như vậy tôi đang thực hành chánh niệm và chánh ngữ. Luôn giữ những niệm lành và trao đi những ngôn từ dễ chịu nhằm đem đến năng lượng tốt lành cho những ngôi nhà ảo. Từ những ngôi nhà ảo đó đi thẳng vào không gian thực, cảm xúc thực. Bởi cuộc đời này trong ảo có thực, trong thực có ảo, thực ảo tương duyên.

Nhìn lại hoạt động của con người trong một ngày, không có việc gì mà mình không thể thực hành đạo Phật. Từ việc đi đứng nói cười, ăn uống nghỉ ngơi, làm việc giao tiếp… Mọi thứ từ đời thực đến cõi mạng, nếu nhìn chậm và sâu một chút, sẽ thấy rằng ta có thể thực hành từ những điều nhỏ nhất.

Không phải đợi đến khi vào chùa ngồi xuống lạy Phật, không phải đến khi ngồi trước mặt các vị chân sư mới gật gù vỡ lẽ, không phải đọc một quyển kinh xong là việc tu tập được thấm vào người. Mà cái chính là quán sát và thực hành trực tiếp trong mọi việc hàng ngày. Lái xe có theo đúng luật chưa? Đó là thực hành chánh mạng. Có tập trung để lái xe, không gọi điện thoại không nhắn tin khi cầm tay lái không? Đó là thực hành chánh niệm. Rồi đụng xe vào nhau gây tai nạn có cãi nhau ầm ĩ lên không? Đó là thực hành chánh ngữ. Ôi, mỗi cái việc lái xe không mà đã thấy biết bao điều cần phải tu tập, đâu cần những gì xa xôi, mông lung.

Trong chuỗi những hoạt động cùng nhau, một trong những cảm xúc mà hầu hết chúng ta hay mắc phải, đó là sẵn sàng khởi lên cơn giận. Hồi trẻ tôi cũng hay nóng giận và mắc sai lầm. Nhưng khi thực hành đạo Phật, tâm bắt đầu khởi lên sự nóng giận trước một sự việc, tôi lập tức thực hành chánh định. Tôi bắt đầu nhắm mắt hít thở thật sâu, và tự nói với mình: “Hãy bình tĩnh và thật nhẹ nhàng, rồi mọi việc sẽ được giải quyết”. Và tôi thấy rõ kết quả, khi tâm mình định lại như vậy, thường mọi việc sau đó diễn ra khá nhẹ nhàng, tôi sẽ tìm những lời nói hợp lý nhất để đối thoại và giải quyết sự việc, tránh những tổn thất và tổn thương gây ra cho người đối diện và cho cả chính mình.

Trong cùng một việc như vậy, tôi lập tức thực hành được chánh định, chánh ngữ, chánh nghiệp. Thật không hề dễ dàng gì, và tôi phải thực hành rất kiên trì. Tôi quán sát bản thân mình mỗi ngày với mong muốn mình sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn. Việc tu tập, với bất kỳ ai, thoạt đầu sẽ hơi lúng túng, hơi khó khăn, nhưng khi thực hành nhiều qua tháng năm sẽ trở thành một thói quen, một điều gì đó gần như là thuộc về bản chất của mình.

Gia đình lớn của tôi có truyền thống đạo Phật. Mặc dù hồi tôi còn bé, ngoại tôi hướng dẫn thực hành và ứng dụng đạo Phật vào đời sống hàng ngày một cách tự nhiên, nhưng tôi chỉ làm theo vì sợ ăn roi thôi. Nhưng cho đến khi tôi bắt đầu có con, tôi mới thấm và thay đổi. Ngày mới hoài thai, tôi nhớ câu nói của bà ngoại ngày xưa hay nói với mấy dì: “Con vào dạ thì mạ đi tu”. Thế là tôi bắt đầu đọc rất nhiều sách về đạo Phật. Tôi đọc mọi thứ trong tầm mắt của tôi khi có thể. Điều đặc biệt là, tôi siêng niệm Phật hơn, vì mong muốn mọi an lành đến với con.

Trong quá trình tu học, thời gian đầu tôi cũng loay hoay khá nhiều. Bể học rộng mênh mông trong khi mình thì cứ bơi hoài bơi mãi. Nhưng đến khi thực hành nhiều, rút ra được nhiều bài học, tôi chợt nhận ra, lời Phật ở khắp nơi trong đời sống hàng ngày mà ngoại tôi hay chỉ bảo ngày xưa.

Một trong những lý do mà tôi yêu thích Làng Mai và Sư ông Thích Nhất Hạnh, trước tiên là tôi tìm thấy hình ảnh bàng bạc của ông ngoại tôi trong Sư ông. Ngoại tôi đã mất rất nhiều năm nhưng những gì ông dạy tôi đều hữu dụng đối với tôi đến bây giờ. Ông hay dạy trước khi ăn phải niệm Phật, trong khi ăn thì phải giữ im lặng, nhai thật kỹ, nhai thật nhẹ nhàng từ tốn. Mỗi lần ăn xong ông ngoại tôi hay cầm đôi đũa bằng hai tay, kín đáo lạy 3 lạy cảm tạ hôm nay đã có bữa ăn quý giá.

Tất cả những điều đó khi tôi đến thăm Làng Mai, tôi đều được trải nghiệm y như vậy, khiến tôi thấy quá xúc động, quá gần gũi. Bởi vì những gì tôi trải qua điều giống như tôi đang ở nhà với ông ngoại của mình. Rồi Sư ông Làng Mai cũng dạy viết thư cho người mình thương để bày tỏ khi mình muốn nói yêu thương hay xin lỗi. Ngày xưa, ông ngoại tôi cũng dạy tôi viết thư như vậy. Ôi những ông Bụt hiền lành và trí huệ của thế hệ đó, sao mà họ giống nhau đến như vậy, họ áp dụng đạo Phật vào đời sống từ những việc nhỏ nhất, đầy lòng biết ơn và nhiều tình thương nhất.

Có lẽ hành trang đó thấm dần trong tôi từng giây phút, từng ngày tháng, nuôi dưỡng tâm trí tôi lớn khôn. Khi tôi nhận ra tôi có Phật trong mỗi việc làm hàng ngày của mình, tôi thấy có ông ngoại trong tôi. Đây là một khái niệm lớn của Sư ông Làng Mai. Ta thấy tổ tiên trong từng tế bào cơ thể của ta.

Khi có Phật trong mọi việc mình làm hàng ngày, ta sẽ nhìn cuộc sống thật như như và khả năng nương tựa vào cuộc sống cũng trở nên cao hơn. Mình sẽ nhìn nỗi khổ như những điều tất yếu phải xảy ra để mình trở nên trưởng thành hơn, nhiều trí tuệ hơn, nhiều khôn ngoan hơn.

Khi có Phật trong lòng, ta cầm lên chuỗi hạt trên bàn tay, ta niệm Phật và nhận ra, rằng, hai bàn tay này, từng ngón tay này thật kỳ diệu. Chúng tiếp nhận mọi năng lượng của cuộc sống và kiến tạo nên cuộc sống. Vì vậy, hãy để năng lượng của từ bi, của trí tuệ, của dũng cảm tràn đầy trên từng ngón tay, để ta thấy luôn có Phật trong mỗi việc ta làm.

Và khi có Phật trong mỗi việc tôi làm, tôi an tâm sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích

Sức cảm hóa của sự chân thật và giản dị

GNO - Dẫu ở ngôi vị nào, vai trò nào, ngài vẫn vậy: khiêm cung, tự tại, chung thủy với nếp đạo phát nguyện thuở ban đầu. Vẫn góc phương trượng đơn sơ, chiếc áo nâu sờn nếp, tận tình chỉ dạy cho hàng hậu học, từ ái với mọi người bất phân thượng hạ…

Thông tin hàng ngày