Con là con của Thế Tôn và là con của mẹ...

GNO - Mẹ tôi khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ cứ nối tiếp nhau lăn rơi từ đôi mắt đã bắt đầu hằn dấu chân chim - khi người khác đến bên và cài lên ngực bà một bông hồng trắng. Lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy mẹ tôi khóc. Đó là dịp Lễ Vu lan tại chùa vào năm 2018.

Tuổi thơ như của mẹ ngọn cỏ đồng ngậm mưa gió nắng nơi miền quê nghèo của huyện Thạch Thất (Hà Nội) mà lớn lên. Những ngả đường quê ngày ấy hẳn còn nhớ gót chân mẹ đã mòn cả vạn lần theo nắng mưa, ruổi rong để gom nhặt nhặt những gì có thể, về đổi được mỗi ngày 5 lạng hoặc một cân gạo nuôi con. Những mương những ngòi, những ao những ruộng ngày ấy có bao giờ quên người mẹ tảo tần chẳng quản nắng mưa mò cua, bắt ốc, bàn chân giẫm bùn nặn hến, nặn trai đến xước xát rỉ máu. Hay những lần vì quá đói, hai mẹ con phải bơi qua sông để hái ít rau muống mọc hoang về luộc ăn cho qua ngày, qua bữa…

Mẹ thiệt thòi. Mẹ mồ côi sớm. Mẹ chỉ được học hết lớp 2 nên mẹ không biết tính toán để mà buôn thúng bán mẹt ở chợ làng. Nhưng mẹ có tình yêu thương. Mẹ có sự hy sinh. Lặng thầm, chẳng hề than van. Mẹ chấp nhận tìm cách rời quê hương, một mình bơ vơ, bôn ba xứ người, chịu những hắt hủi tủi hờn, ăn dè hạt tiện để có tiền gửi về cho con trai lớn của mẹ học hết cấp 3, cho con trai út vẫn được đến trường.

Chân mẹ có một khối u. Mẹ mang khối u ấy theo suốt 12 năm bôn ba làm thuê nơi xứ người, để đến ngày về dù đau nhức mẹ vẫn chỉ cười, xuề xòa bỏ qua, vẫn chạy khắp xóm khắp làng, khắp nơi này nơi kia để vận động, đi làm từ thiện, công quả giúp đỡ các chùa. Mẹ thương người, và dễ tin người. Có những khi bị ai đó lừa, nhưng gặp người khó khăn, nghèo khổ khác, trong túi có bao nhiêu là mẹ cho đi hết. Có lẽ cũng bởi cuộc đời chìm đắm trong cái nghèo cái khổ quá nhiều, hiểu cảm giác ấm áp khi có một bàn tay nào đó dù nhỏ đưa ra cho mình vịn đỡ, nên mẹ chẳng tính toán, nề hà điều chi, coi việc từ thiện là hạnh phúc của mình. Mẹ là thế, tình thương bao la và cả cuộc đời chỉ biết cho đi - không chỉ cho gia đình mà còn cho mọi nhân duyên gặp gỡ trong đời.

Tôi ngồi trên sân khấu, nhìn mẹ khóc. Cũng chỉ nhìn thoáng qua rồi lại cúi xuống, hoặc lảng nhìn qua chỗ khác. Sợ đúng lúc mẹ ngước nhìn lên, sợ bắt gặp ánh mắt của mẹ. Ánh mắt của một người không chỉ sớm mất cha mất mẹ từ nhỏ, mà giờ còn mất cả con sau 12 năm đằng đẵng bôn ba, cô đơn nơi xứ người.

1.JPG
Dù chân mang khối u đau nhức suốt 12 năm, nhưng mẹ vẫn chỉ cười, xuề xòa bỏ qua, vẫn đi khắp nơi để vận động, công quả giúp đỡ các chùa,  coi việc từ thiện là hạnh phúc của mình. Ảnh: Nguyễn Đức Vinh

Ngày mẹ đi - con vẫn là con mẹ. Mẹ vẫn tự hào gọi tên hay ôm con vào lòng. Khi mẹ ốm vẫn ấm lòng vì có con chăm. Rồi đi đâu mẹ cũng có thể kể với mọi người, tự hào về con của mẹ.

Ngày mẹ về - mẹ hụt hẫng, thảng thốt tự hỏi lòng: con mẹ đâu?

“Từng sợi rơi tuổi thơ con để lại

Mái đầu xanh mỉm miệng với mộng đời

Áo nâu sòng đồng nghĩa với ngừng chơi

Con dảo bước tìm mình trong biển mộng”

Bài thơ ấy con viết cho phút “dứt ái ly gia”, xa gia đình để về ngụ dưới mái nhà Thế Tôn. Từng sợi tóc con rơi xuống, theo gió cuốn bay đi. Từng sợi tuổi trẻ, từng sợi đam mê chạm vào đất quê, nguyện thầm gửi lại tất cả: Tuổi thơ con, ước mơ con, gửi lại những tháng ngày nghèo khó trong tình mẹ bao dung, gửi lại tiếng gọi Mẹ gọi Cha thân thương mà 17-18 năm trời con vẫn cất tiếng. Gửi lại cả tình yêu mênh mông biển trời mẹ đã gửi trao, những hi vọng, mong chờ mẹ đã từng thắp lên và gửi gắm nơi con…

Con chẳng kịp về thăm lại quê hương

Bông khế tím có vương buồn mắt mẹ?

Cây cau già hoa rụng thầm góc bể

Có nhắc tên cậu bé ấy... Năm nào...

Bát canh dền mẹ múc có chênh chao?

Quả cà muối xa con còn mặn chát?

Cánh chuồn xưa ngu ngơ còn đi lạc?

Quang thị nào gánh trọn giấc mơ thu?

Mái bếp xưa thôi vọng tiếng chim gù

Khói rơm thơm cay mắt bà mắt mẹ

Những giỏ, nơm một thời cha lặng lẽ

Bến sông quê tê tái với thân cò.

Mái trường làng năm tháng đã mộng mơ

Con cũng chẳng kịp về tìm gặp lại

Khoảng trời êm nồng nàn mây trắng mãi

Tóc ngang vai ai mắt ướt đợi chờ...

Con phải đi rồi, lộ trình kiếp lâu xa

Tiếng còi tàu ngoài kia là sứ mệnh

Mẹ đừng buồn giữa tử - sinh, còn - mất

Hẹn ngày về hôn sóng nước sông quê.

Lộ trình này con đã bước chân đi

Những gì mang theo neo vào tim con cả

Mong quê hương ngàn năm sen nở

Mắt mẹ hiền thôi mong nhớ... Bình yên!
(thơ Lương Đình Khoa)

Ngày con lớn khôn, mối tình đầu con không dành cho mẹ. Mối tình đầu con dành trao trọn về Thế Tôn. Và đó cũng là tình yêu cuối cùng, tình yêu duy nhất mà trái tim con nguyện xin chứa đựng. Nên bây giờ, dù vẫn có cơ hội để ở gần, dù vẫn nhìn, vẫn gặp - nhưng giữa người con trai năm nào với mẹ của mình là một khoảng trời mênh mông.

Con mình đó - mà mẹ không dám gọi. Trăm nghìn người Phật tử khác, cả những người bằng tuổi với mẹ có thể ngồi gần con, chuyện trò cùng con, khiến con cười, con vui - còn mẹ chỉ lặng lẽ đứng từ xa nhìn lại. Nhoi nhói thẳm sâu ai thấu trong lòng.

Những bữa cơm gia đình, dẫu chỉ có 3 người - mẹ vẫn dành đặt thêm một chiếc bát trống cho con, đợi con. Con không có mặt ở đây - nhưng con còn trong tim mẹ. Vô tình dịp nào đó, con trai út hỏi mẹ về ước mơ. Mẹ lặng người hồi lâu, nhìn mông lung về một chân trời nào đó xa tít tắp, rồi lại đưa mắt nhìn quanh căn nhà nhỏ của mình: Mẹ chỉ ước gia đình mình 4 người có dịp nào đó được ngồi ăn với nhau một bữa cơm, hay dịp Tết nào đó được chụp chung với nhau một bức hình.

Đức Phật là một con người sống vì số đông những con người. Nhân duyên trong đời mỗi người một chọn lựa, gieo trồng và hái thu. Lối con chọn, nẻo con về là lối Như Lai, nên con cần học cách chôn vùi đi nhiều thứ riêng tư để cho nhiều người, nhiều gia đình được nương tựa.

Và còn biết bao những niềm vui khác nữa như thế khi từng ngày, từng tháng, từng năm - con nhìn thấy những Phật tử của mình trưởng thành, biết chuyển hóa những khó khăn riêng để tìm thấy bình an giữa dòng đời.

Con tin khi mẹ biết được, mẹ cũng hạnh phúc như con đang hạnh phúc. Con tin vượt qua những khoảng trống và những sự tủi lòng, một lúc nào đó mẹ sẽ hiểu và thêm vững chãi hơn đi giữa cuộc đời. Dù không có con ở bên, nhưng mẹ hoàn toàn có thể tự hào về con.

Mùa Vu lan, mẹ khóc khi cài hoa hồng trắng. Con nhìn mẹ khóc, lặng người… Hình ảnh ấy một ngày rồi cũng sẽ là hình ảnh của con. Bông hồng trắng mẹ cài một ngày cũng sẽ là bông hồng của con… Dầu biết đó là quy luật của tự nhiên, và dẫu biết con là một sự tiếp nối, dòng máu của cha mẹ, ông bà tổ tiên vẫn chảy trong con - nhưng mất mẹ mất cha nào có ai không khỏi nghẹn lòng?

Thực sự thì chỉ những ai có duyên phận thật nhiều mới được làm người thân của nhau. Và kiếp sau, đâu ai biết được người nào sẽ là mẹ mình, cha mình? Được làm người thân trong đời này, kiếp này, nhưng kiếp sau thì nào biết được có còn nhân duyên ấy?

Nhuộm sóng trần ai bạc trắng rồi
Thời gian lặng lẽ sợi thu rơi
Con xin hóa kiếp loài chim trắng
Nhặt tóc tơ sương mẹ giữa đời

(thơ Thái Thanh Nguyên)

Thế nên mẹ ạ. Mẹ hãy mỉm cười. Mẹ hãy hạnh phúc. Đức Như Lai chỉ lối cho mỗi người tỉnh giác mà tự cứu mình, tự độ mình. Khi mẹ bình an - mẹ sẽ thấy hạnh phúc mỉm cười quanh mình thật nhiều. Khi mẹ hạnh phúc - con dù không tỏ bày nhưng chắc chắn lòng cũng luôn tràn ngập niềm an vui.

Thích Minh Quang
(Trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai, tỉnh Hà Nam)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

“Bến bờ nhân gian” do Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan Báo hiếu 2019, diễn ra từ 23-7 tới 23-9, mời gọi bạn đọc chia sẻ câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Từ ngày 16-8 đến 1-9, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được bài viết của các tác giả Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung, Nguyên Hiếu, Công Nguyễn, Minh Út, Nguyễn Nguyên An, Liên Khanh, Thích nữ Huyền Trúc, Mai Ngọc, Lương Đình Khoa, Trúc Pháp Đăng, Nguyễn Thành Công…

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.


Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày