Còn nhớ… lần đầu tiên bước vào kí túc, đứa nào đứa nấy ngơ ngác với vô số điều xa lạ: bạn mới, môi trường mới, nơi ở mới, những ánh nhìn như dò xét nhau, những cuộc nói chuyện ngồ ngộ cứ tớ cậu thật khách sáo… (Chẳng bù cho sau này: tao với mày, anh với chú, vợ với chồng, ông với cháu, cụ với kỵ… loạn xì ngầu cả lên).
Làm sao quên… sáng sớm là dàn nhạc tiếp nối nhau réo rắt của tiếng chuông báo thức mỗi giờ lên lớp. Quần quần áo áo, đầu đầu tóc tóc, sách sách vở vở rối rít gọi nhau, những nụ cười giòn tan ầm ĩ cả ký túc.
Còn nhớ… mỗi lần đứa nào ở quê lên là đổ xô vào tranh giành quà cáp, 14 cái đầu túm tụm vào đống xoài, ổi, ngô luộc, cơm nắm, bánh cu đơ… ăn vèo vèo như bị bỏ đói mấy năm rồi.
Làm sao quên… những ngày thi cử mệt nhọc, căn phòng im ắng đến kỳ lạ. Mỗi người một góc “tự kỷ” bên ánh đèn với đống sách vở miệt mài. Nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt từng đứa… mệt nhoài… bơ phờ…
Còn nhớ… mỗi lần cô quản lý kí túc xuất hiện là mỗi lần được báo động từ xa. Mắt đứa nào đứa nấy đảo lên đảo xuống, tay quơ tới tấp từng nồi cơm điện rồi rầm rầm chạy vòng quanh giấu giếm. Có khi hoảng hốt còn lấy chăn trùm kín nồi cơm đang bốc hơi nghi ngút. (Xem như hy sinh cái chăn vì chỉ sợ bị đuổi khỏi kí túc, lại thêm cả cái bụng đang réo rắt cồn cào).
Làm sao quên… khi trưởng phòng có ý định “thoái vị” là cả bọn lo nơm nớp. Không phải vì đại nạn “rắn mất đầu” mà là đang âm mưu toan tính để giành giật chức về tay mình, không ai chịu nhường ai hết.
Tóm đi tóm lại, đành dùng những lá phiếu để thử vận may rủi: 1 phiếu trưởng phòng, 1 phiếu phó phòng và 12 phiếu trắng. Thật trùng hợp khi Hội trưởng hội độc thân “túm” được chức trưởng phòng, Hội phó “sờ” được chức phó phòng. Cả bọn ngớ ra, tự đặt câu hỏi to đùng “gian lận chăng?”
Còn nhớ…
Những ngày dài chờ điểm thi là những ngày mà Hội cờ bạc nổi như cồn, túm tụm mấy nhóm sát phạt nhau (không khác gì dân chơi chuyên nghiệp). Lại còn xuất hiện một vài game thủ bi a, pikachu, đua xe nữa chứ).
Những đêm ăn khuya trên phố Phạm Ngọc Thạch rồi kéo nhau đi karaoke hò hét, chơi bời tít mít đến nỗi về khuya quá bị nhốt ngoài cổng, phải cử đại diện năn nỉ, xin xỏ mấy chú bảo vệ nhân nhượng, hứa lên hứa xuống lần sau không tái phạm nữa.
Những tour du lịch đến Bát Tràng nặn gốm, dạo Hồ Gươm ăn kem, lượn chợ sinh viên mua sắm. Buồn cười nhất là vụ mặc áo đồng phục “I love Hà Nội”. Cả bọn hí hửng hòa nhịp cùng đón chào không khí 1.000 năm Thăng Long. Để rồi tắc đường, để rồi chen chúc nhau, để rồi “bước chân trần trên phố” gần 10 cây số đủ để hiểu hết câu nói “khi đi trai tráng, khi về bủng beo” nó như thế nào.
Những khi hiểu nhầm nhau, giận hờn vô cớ, chạnh chọe nhau vài câu nhưng đâu lại vào đấy, chưa ai to tiếng với ai bao giờ. Rồi chợt thấy yêu nhau nhiều hơn.
Những câu “đá đểu” nhau cười khoái trá, những lúc mất điện thi nhau kể chuyện rồi lại hét toáng lên vì sợ hãi, những tình cảm khi ốm đau, những quan tâm động viên cùng học hành, những giọt nước mắt cùng chia sẻ buồn vui…
Sắp xa rồi… còn nhớ… làm sao quên…