Con rắn hổ đất lạ lùng

GN Xuân - Đầu năm Tỵ ai cũng tâm tư muốn nói về rắn.

Ngay từ lúc mới sinh ra đời, tôi đã “sống chung với rắn” như nhiều người “sống chung với lũ”! Nhiều phen tôi bị rắn cắn nhưng gặp toàn loại hiền như rắn nước, rắn bông súng, rắn ri voi, rắn voi cá… Tôi cũng chứng kiến vài người bị rắn độc cắn trào đờm chở đi cấp cứu không kịp lúc đang cày xới trên đồng.

10_mh193-450.jpg

Thuở đó thời chiến bom đạn ác liệt, không phân biệt người nào, mà nông thôn hứng chịu nhiều nhất. Cuộc đời cần lao lam lũ, ba má tôi không bỏ được ruộng vườn nên kiên quyết bám đất giữ đồng cho đến hơi thở cuối cùng; đám trẻ thơ trần trụi chúng tôi theo chân cha chân mẹ như một cộng nghiệp.

Để giảm nguy cơ thương vong vì bom đạn, ba tôi đào một cái “trảng-xê” sâu vào lòng đất vài mét như một huyệt mộ, trên ông vun thành một gò dầy, miểng bom đạn nhỏ lẻ ghim vào đó không xuyên tới da thịt chúng tôi, trừ những quả nguyên trúng ngay đó thì cả nhà đi chung một chuyến!

Mỗi lần nghe có tiếng máy bay kêu “o o” trên bầu trời rồi đảo lại, thả trái châu hoặc có tiếng súng nổ giòn tan từ các đồn bốt gần là ba lùa cả nhà vào “trảng-xê”.

Đêm đó, một chiếc đồn lính chế độ cũ bị quân cách mạng tấn công, họ gọi pháo binh nã “ô-buýt” xuống quanh vùng lân cận, ba kéo má, tôi  và hai em gái nhỏ chạy vào “trảng-xê”. Một con rắn hổ đất nằm sẵn bên trong kêu “khù khù”! Đêm, bóng đen ghê rợn không ai nhận ra nó ở vị trí nào, bao lớn, đủ nọc độc để sát hại cả nhà không?

Đạn xì xẹt trên đầu không dứt, ba bảo chúng tôi ép sát ngoài cửa “trảng-xê” vì ông “đánh hơi” con rắn nằm góc trong cùng cũng còn được vài mét an toàn. Chúng tôi khóc thét lên, ba bụm miệng từng đứa, má thì chắp tay niệm hết Phật tới Trời!

Đạn bên ngoài tiếp tục “hú” “xè” rồi nổ đinh tai. Bò ra thì có thể chết, ở lại cũng nguy, trong đầu ba có ý định hy sinh mạng sống riêng mình với con rắn, chấp nhận cho nó cắn rồi dùng hai tay bóp cổ lôi ra ngoài hy vọng giữ lại vợ và đàn con thơ!

Ông chưa dứt khoát, may thay tiếng súng ngưng. Một lát, ba thúc chúng tôi bò ra nhanh mỗi người núp vào một gốc cây, ông chạy vào nhà đốt chiếc đèn dầu ống khói và mang theo một cây chĩa sắt nhọn định tiêu diệt con rắn.

Trong không gian chật hẹp tờ mờ, ba nhận ra một con rắn hổ đất to, da xám xịt, có vài khoang trắng trên cổ, nó nằm khoanh tròn không tỏ thái độ phản ứng khi gặp người phát hiện, khác đồng loại nó hễ gặp người là phùng cổ, thè lưỡi hướng cái nhìn hủy diệt về phía họ và “mổ” vào chân! Ba định đâm nó một chĩa nhưng không nỡ lòng nào, vì ông lấy làm lạ sao lúc nãy cả nhà chui vào gần mà nó không sát hại ai, chỉ kêu lên vài tiếng báo động “tôi đang ở đây” rồi nằm im tới khi không còn đạn nổ?

Ba lo sợ một hồi đạn bắn nữa nếu con rắn còn nằm trong “trảng-xê” thì khó xử trong tình huống này. Ông ra mương xách thùng nước tạt vào, con rắn bò ra, phóng nhanh mất hút vào đêm đen đầy ám khí thảm đạm.

Nó thoát thân hay chúng tôi thoát thân? Điều đó đã trải qua một cơn biến loạn có sự chọn lựa giữa tình người và tình rắn. Ba tôi thẫn thờ quẹt mồ hôi trên trán, thở phào nhẹ nhõm. Ngoài trời, tiếng đạn pháo không quay lại.

Ba kéo chúng tôi lại hôn lên trán từng đứa, nói: “Xưa nay ba chưa từng gặp con rắn hổ đất nào lạ lùng như thế, suốt mấy mươi phút đạn pháo ì ầm nó chỉ kêu lên vài tiếng “khù” rồi im lặng không tấn công ta”!

Ông giải thích thêm theo cảm nhận của mình như một “nhà khoa học nông dân”: “Có lẽ trong chiến tranh đã quá nhiều tang tóc, thú dữ cũng đồng cảm với số phận dân lành hoặc nó bị áp đảo bởi tiếng bom đạn xé ruột nứt gan mà hãi hùng trở thành con vật không tàn độc?”. Sự lạ lùng, mầu nhiệm nào trên cõi đời này cũng có cả.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần xuân về Tết đến trở lại chu kỳ năm Tỵ, lòng tôi lại nao nao nhớ về “con rắn hổ đất lạ lùng” theo lời ba nói như một hoài niệm đầy cảm xúc.

Ba má tôi đã trở thành người quá vãng lâu rồi, nhưng mỗi tối đốt nhang bàn thờ cho ông bà, nhiều kỷ niệm xưa mơn man hiện về trong làn khói hương mờ ảo choáng cả mắt tôi.

Năm Tỵ lại về, tôi lâm râm khấn nguyện cho ba má siêu thoát và lòng muốn niệm thêm rằng: nhân loại đừng ai ác dữ, đừng ai mưu cầu lợi lộc chiến tranh và giữa muôn loài với nhau hãy mà hiền từ…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày