Cổng chùa Trấn Quốc làm thế tục hóa không gian tín ngưỡng?

Chi bằng ta vẽ lại một bức tranh mô tả chân thực vẻ hào hoa duyên dáng của "chùa Trấn Quốc - Đệ nhất danh thắng Thăng Long xưa" rồi treo đâu đó cho muôn người biết mà so sánh với những thứ đang xây mới nơi đây.

LTS: Sau khi đăng loạt bài về trùng tu cổng chùa Trấn Quốc, đình Kim Liên, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, đáng chú ý nhất là bài viết của KTS Trần Huy Ánh. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan đa chiều của thông tin, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài viết: Suy nghĩ dưới gốc cây bồ đề trong sân chùa Trấn Quốc. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Suy nghĩ dưới gốc cây bồ đề trong sân chùaTrấn Quốc: 

Mô tả ảnh.
Bản vẽ ghi chùa Trấn Quốc đầu thế kỷ 20 của KTS Louis Bezaceer- Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO)
Mô tả ảnh.
Cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1958 (ảnh trái) và cổng chùa Trấn Quốc đang xây dở.
Mô tả ảnh.
Cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1958 (ảnh trái) và cổng chùa Trấn Quốc đang xây dở.

Trong truyền thuyết, dưới tán cây bồ đề Đức Phật thiền định và đắc đạo. Tại sân chùa Trấn Quốc, cây bồ đề vốn là quà của Tổng thống Ấn Độ Prasat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây đã diễn ra một lễ nghi trang trọng trồng cây ngày 24/3/1959.

Ngày rằm tháng Bính Tý năm Kỷ Sửu vãn cảnh chùa Trấn Quốc, trong khói hương ngào ngạt mà ngẫm nghĩ lời châu ý ngọc “Bát chính đạo" khắc ghi quanh gốc cây bồ đề.

Chính tinh tiến: Tháng 6/2009 chùa Trấn Quốc tổ chức khởi công rầm rộ lấy ngày với cái biển vẽ thay ngôi chùa cũ nhỏ nhắn duyên dáng là một quần thể xây cất mới toanh có tam quan to vật vã nối với cái cầu đá cong cong như lối vào thủy đình sân khấu rối nước. Quá kinh hãi nên có nhiều lời trần tình từ nhiều giới, cái phương án "cách mạng” ấy tạm dừng lại ít lâu.

Chùa cũ lâu ngày hư hỏng phải thay, việc tu sửa thường xuyên để tồn giữ nơi thờ Phật quả là việc trọng. Gọt giũa không ngừng để tiến hóa không ngừng - ấy phải chăng là diễn đạt nôm na của lời răn “Chính tinh tiến“. Nhưng tinh tiến được hiểu là việc bồi đắp nơi tôn nghiêm phải đạt sự gia tăng giá trị kỹ thuật, mỹ thuật hơn lên chứ không phải lối bày vẽ ra qua quýt. Chưa làm gì mà đã lộ ra cái ý tưởng phô trương trống rỗng - sản phẩm của kế hoạch vội vã, chủ quan, cẩu thả - ấy là chẳng tiến bộ mà thực sự là thụt lùi - không đạt Chính tinh tiến.

Chính tư duy: Suy nghĩ sự vật cho thật thấu đáo. Những việc chưa tỏ tường thì dày công khảo cứu, dẹp qua sự xấu hổ do dốt nát mà học bạn hỏi bè, nhờ cậy người đi trước truyền dạy cho điều hay lẽ phải. Nhìn từ bản vẽ đến những hình hài đang làm hiện nay (tháng 1/2010) thì thấy rõ: những người làm ra nó không hiểu những ý tứ sâu xa, ý nghĩa tinh thần ẩn chứa các công trình kiến trúc nguyên trạng. Trước bao la trời nước Hồ Tây – công trình mới làm tầm thường hoá cảnh quan giá trị vốn có. Ở vị trí linh thiêng, công trình mới đang làm thế tục hoá không gian tín ngưỡng. Đấy có phải là kết quả của Chính tư duy?

Chính kiến: Đổ hàng ngàn tỷ đồng ngân sách để trùng tu tôn tạo di tích là thể hiện sự quan tâm thiết thực tới di tích văn hóa nước nhà, nhưng các phương tiện thông tin đại chúng luôn chỉ ra những công trình trùng tu tôn tạo theo kiểu biến di tích vài trăm năm tuổi thành công trình... vài tháng tuổi. Nguyên nhân đúng, sai thì địa phương nói là tại trên, trên thì dựa vào cơ quan chuyên môn. Chuyên môn là cơ quan văn hoá, những nơi khó nhất thì trông cậy cả vào Cục Di sản. Đã có vị lãnh đạo văn hóa từng trả lời trên báo chí, đại ý rằng “nếu giao cho KTS giỏi thì có thể làm mới di tích một cách dễ dàng…”. Với cách nghĩ, cách làm ấy thì di sản không bị phá hủy mới là chuyện lạ.

Chính định: Giữ cho lòng mình ngay thẳng, chẳng vì vài miếng lợi nhỏ làm lóa mắt mà tự đong đưa đổi thay. Đành rằng bảo vệ từng mảnh chạm khắc không bị vỡ vụn, nâng niu từng viên gạch nhuốm màu thời gian, thận trọng với từng phiến đá dãi dầu mưa nắng tốn nhiều trí tuệ, công sức với sự trân trọng lịch sử văn hoá, hiếu kính với tổ tiên, yêu quý quê hương đất nước. Những việc này tốn nhiều mồ hôi máu não nhưng không tính ra được thành nhiều tiền.

Đập phá, dỡ bỏ hết đi, xúc đổ hết đi để rồi nhập khẩu nhiều gỗ tốt nguyên cây từ nước ngoài về, chở nhiều khối đá mới xẻ từ núi ra, nung nhiều ngói mới, gạch hồng, nấu chảy nhiều tấn tạ đồng đúc chuông mới tượng mới… việc ấy tính ra nhiều tiền thật dễ mà chẳng nhọc công - mệt óc (thuê mấy anh học việc bôi ra cũng rẻ), nhân lên phần trăm thiết kế, giám sát, lợi nhuận định mức này kia thật dễ. Việc ấy bàn dân thiên hạ biết cả vì dễ thấy nhưng giữ được Chính định khó thay.

Chính niệm: Ước muốn làm việc tử tế thì ắt sẽ gặp bạn tốt hết lòng giúp đỡ “tả phù hữu bật". Ý niệm khát khao làm việc thiện nguyện thì tự nó tỏa sáng, người người thấu hiểu mà đồng lòng góp sức. Vì sao việc làm sang trọng như tôn tạo các công trình văn hoá lịch sử, duy tu sửa chữa di sản kiến trúc cảnh quan nhiều thế mà chưa thấy công trình nào thực sự đem lại niềm hoan hỷ cho cộng đồng? Quý vị thực hiện, có cái nào đủ kiêu hãnh mà tự đánh giá đi: ở nơi đâu có các công trình này ra đời mà râm ran ngợi ca, các nhà chuyên môn lớn tiếng ghi nhận, thập phương nườm nượp kéo về học tập kinh nghiệm để cái đẹp cái hay lan toả? Ví như những việc làm mới di sản như ở chùa Trấn Quốc có phải là hình mẫu của Chính niệm không?

Chính ngữ: Suy nghĩ, nhận định tường minh, dùng lời lẽ đàng hoàng mà giãi bày. Chẳng vì nghĩ một đằng, nói một nẻo, hay mượn lời người này để dọa dẫm người kia, viện dẫn quanh co để che đậy những việc làm không đúng đắn, chẳng đủ lý lẽ để biện minh - ấy là cách hiểu của cá nhân tôi về chính ngữ. Quý vị đang vận hành các thủ tục để tiến hành xây mới chùa Trấn Quốc có cách nào diễn đạt lý do chính đáng phải dỡ bỏ đến tận móng từ cổng chùa đến các công trình liên quan để xây lại mới toanh những hạng mục ấy không? Dùng ngôn từ nào để bách tính tâm phục khẩu phục - nếu được thì cũng là làm cho thiên hạ mở rộng hiểu biết về Chính ngữ.

Chính nghiệp: Sự nghiệp chính đáng thì ắt có kết quả vinh quang. Vinh dự được tái tạo không gian linh thiêng của Hà Nội ngàn năm Văn hiến, những người trực tiếp vẽ ra cái ý tưởng, tiến hành mọi sự để biến cái ý niệm chuyển tiếp không gian Chùa Trấn Quốc từ TK20 sang TK21 đã bỏ phí một cơ hội hiếm có, làm rạng rỡ cái Nghiệp của mình trước cái Duyên kiếp ấy. Một công trình tôn nghiêm nhường ấy, đặt ở vị trí quý giá nhường ấy, tích tụ nhiều trí tuệ để làm bài học cho nhiều thế hệ kế tiếp. Tiếc lắm thay “phẩm tiên vớ phải tay hèn” nên cái chùa mới đang hiện dần ra kia không đọng lại gì mà chỉ thêm phiền muộn với câu hỏi: thay vì chiêm bái để những biểu tượng không gian làm thức tỉnh ý chí hoàn thiện nhân cách, thì lại phân vân liệu có thể gìn giữ niềm tin vào Thiện ý hay không khi cái đẹp bị thay bằng cái xấu dễ đến thế? Có duyên đấy mà không khởi nghiệp vậy có là Chính nghiệp?

Chính mệnh: Nhiệm vụ đặt trên hai vai dù có lớn lao nặng nề tới đâu mà là sứ mệnh chính đáng thì cũng chẳng nề hà. Những gì đang diễn ra ở các công trình tôn tạo di sản kiến trúc Hà Nội nói chung, chùa Trấn Quốc nói riêng cho thấy: các vị liên quan đến công việc này thiếu hụt nhiều thứ quá để có thể hoàn thành cái sứ mệnh cao cả ấy.

Cái lợi cái thiện vốn chẳng cùng đường. Lời than cũng cạn, đau xót mấy cũng chẳng can gián được, chúng tôi đành bàn với những anh em đồng cảm: chi bằng ta vẽ lại một bức tranh mô tả chân thực vẻ hào hoa duyên dáng của “Chùa Trấn Quốc - Đệ nhất danh thắng Thăng Long xưa" để rồi treo đâu đó cho muôn người biết mà so sánh với những thứ đang xây mới nơi đây. Sau này con cháu chúng ta có tỉnh ngộ ra, họ sẽ dỡ bỏ những thứ không ổn ấy, dựa vào bản vẽ mô tả nguyên gốc, dựng lại nguyên trạng đẹp đẽ như xưa, thôi đành coi việc làm nhỏ nhoi đó là Chính mệnh của mình vậy.

Lời lẽ nhà Phật cao xa, sang trọng, biết mình còn thô vụng nên diễn đạt dông dài, nói ra khi lòng buồn bã trước cảnh chùa Trấn Quốc ầm ầm xây mới, nên ý tứ rối bời.

Bình sinh sẵn một tấm lòng, không sợ bị chê cười là ngu si mà ngậm miệng. Những mong nhận được những lời chỉ giáo, chân nguỵ thế nào cũng chắp tay bái tạ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày