GN - Căn nhà tôi ở hiện tại ở Sài Gòn là chung cư cao cấp, trên tầng 12 ngay quận 1 này nhìn xuống, tôi thấy một khu nhà ổ chuột. Nơi đó có những căn nhà ngập nước khi mùa mưa tới. Tôi nhìn thấy mọi người phải lội bì bõm trong vũng nước. Và tôi chợt gặp hình ảnh người cha cõng con gái vượt qua vũng nước vì sợ con ướt chân. Trong hình ảnh đó có hình ảnh của ba tôi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Những vui buồn cuộc sống vào thời niên thiếu của tôi no đầy hình bóng của ba. Ba đưa đôi vai rộng che chở con cái như tất cả những người cha trên thế gian này. Tôi trải qua những ngày niên thiếu có ba với biết bao nhiêu vui buồn cho đến khi lớn lên.
Đó là ở căn nhà thuê, chen với biết bao nhiêu người. Căn nhà nằm trong vùng trũng, mùa mưa đến là nước ngập lõm bõm trước sân. Thế là khi tôi đi học, ba cõng lội qua vũng nước, ba sợ con gái ba ướt chân. Đó là khi ba chở đến những ngõ ngách Sài Gòn. Cho con gái của ba thấy bên cạnh những tòa nhà cao tầng ngập tràn ánh sáng, cửa kính bóng lộn là những phận người đang chen sống trong những khu nhà ổ chuột, họ chỉ mơ có một bữa cơm có thịt.
Có một tấm ảnh rất cũ, mà mỗi khi lục trong cuốn album gia đình, nhìn thấy nó, tôi không thể không mỉm cười. Đó là tấm hình hôm ba đưa tôi đi thi đại học. Khi ấy, với tôi Sài Gòn rộng lớn như không thể nào băng qua nổi những con đường dày đặc xe cộ, những hàng cây cao vời mà ngước cao đầu vẫn không thể nào nhìn thấy ngọn cây. Khi ấy, cô học trò tỉnh lẻ với chiếc áo sơ-mi trắng rụt rè trước ngôi trường kiến trúc thật to, với một quyết tâm mình sẽ trở thành một nhà thiết kế.
Bây giờ đối với tôi thì Sài Gòn là một nơi mà tôi đã thuộc lòng từng con đường, từng hàng cây, góc phố. Bởi lẽ, những vui buồn của tôi đã neo lại ở thành phố đó, tình yêu đầu và tình yêu cuối của tôi với Nguyễn để giờ đây thành chồng vợ cũng ở đó. Để cho tôi cảm nhận rằng, dẫu bước chân của mình đã bước vững chãi trong cuộc đời này, hai vợ chồng đã vượt qua những vấp ngã ban đầu, trở nên những người thành đạt. Tất cả đều từ tình yêu thương của ba và từ những bài học vỡ lòng của ba.
Nhà có bốn người: ba, mẹ, tôi và em Thương. Mọi người hỏi ba là nhà có hai đứa con gái, sao không kiếm thêm đứa con trai. Ba hỏi lại họ: “Vậy con gái không phải là con à?”. Rồi ba miệt mài làm việc, nuôi hai đứa con khôn lớn. Mẹ vẫn thường nói: “Con tui đẻ ra mà sao cái gì cũng giống cha”. Ba cười: “Vì cha nó có nhiều tính tốt”.
Tính của ba là thương người, ngay cả khi gặp những người nghèo khổ tìm tới trước nhà, xin tiền vì lỡ đường hay xin quần áo cũ, ba bảo: “Cứ cho họ đi, họ có lừa mình thì họ sẽ bị quả báo”. Với ba, gia đình thật sự là nơi chốn để về, là nơi chốn để những con chim bay đến hót ca. Giống như khi bầy chim sẻ ríu rít nhặt những hạt cơm vương vãi, ba liền lấy gạo rắc ra sân. Rồi vào trong nhà để chúng không thấy bóng người, an lòng nhặt hạt.
Ba luôn che chở cho hai đứa con, ba quan sát từng điều nhỏ nhặt nhất và để cho con cái tự do. Nhưng hai chị em tôi lại ít khi dám nói với ba những chuyện mà mình cần đến, muốn gì thì nói với mẹ, sau đó mẹ nói lại với ba. Nếu những ông cha khác chắc chắn sẽ nổi giận, đằng này ba cứ lặng lẽ mà lo cho con như thể chuyện phải thông qua mẹ là lẽ đương nhiên. Ba không bao giờ nặng lời với con cái, những bữa cơm trong gia đình luôn là niềm vui và đầy ắp tiếng cười.
Mỗi ngày nghỉ lễ, cả nhà đều cùng đi vui chơi, lúc có tiền hay không có tiền. Như thuở hàn vi, bị thất nghiệp, ba vác đồ nghề ra góc đường sửa xe đạp, trong khi mọi người mắc cỡ vì cho như thế là xấu xa. Kệ, sáng mùng một Tết ba đã bỏ đồ nghề lên xe, đi kiếm tiền. Mùng bốn Tết, trên chiếc xe máy chất đủ bốn người, cả nhà bắt đầu đi chơi. Khi ấy, ăn phở đối với cả nhà là một sự kiện quan trọng, cho nên khi đi chơi, cả nhà cùng ghé quán ăn. Đó là những tô phở ngon.
Tôi bắt đầu yêu. Thế gian rộng lớn này có bao nhiêu người con trai, nhưng tôi luôn mong muốn có một người con trai yêu mình mang hình bóng của ba. Tình yêu của tôi cũng đầy dẫy những yêu thương hờn giận. Tôi thoáng thấy bóng người con trai ấy vào cuối năm đại học thứ nhất mà lòng đã như có âm thanh của những bản nhạc vui. Anh mang sẵn áo mưa để đưa cho tôi khi trời Sài Gòn chuyển cơn mưa mùa. Anh mua sẵn cho tôi những viên thuốc cảm tự lúc nào. Khi ba vào thăm, tiếng điện thoại của Nguyễn gọi tôi réo rắt, ba hỏi: “Con yêu rồi phải không?”. Để rồi vào dịp hè, khi Nguyễn từ Buôn Ma Thuột, xuống tận Nha Trang chỉ ghé nhà tôi dăm phút tặng cho tôi một đóa hoa hồng, ba bảo: “Không có tình yêu thì cuộc sống buồn lắm, con của ba chọn lựa thì chắc không sai”.
Đối với gia đình tôi thì bốn ngày sinh nhật đều là bốn ngày quan trọng. Là vài bông hoa mua ở chợ về cắm vào lọ hoa hoặc có khi là cả một lẵng hoa đặt từ một shop hoa mang đến, là bữa ăn nhỏ ở một quán lạ, cùng cà-phê đầm ấm. Ba đã tạo ra như thế và tôi cũng đem áp dụng vào gia đình nhỏ của mình.
Có nhiều người khi đã thoát ra khỏi gia đình đều không muốn trở về. Còn tôi, gia đình là nơi chốn bình yên, là niềm vui của tôi và Nguyễn cùng hai đứa con. Nguyễn bảo: “Về nhà anh thấy tự do”. Ba lúc nào cũng vậy, dành những vé mời ăn sáng, ăn tối hoặc resort ba được tặng cho chúng tôi khi về. Ba nói: “Tụi con ra đảo vui chơi một ngày rồi về”. Ba nhường chiếc xe đẹp nhất cho hai vợ chồng đi chơi, ba giữ đứa cháu lớn, mẹ giữ đứa cháu nhỏ. Ngày Tết, ba vẫn để sẵn bao lì xì cho con gái, bởi với ba dù con có bao nhiêu tuổi, con vẫn là đứa con gái thơ dại như ngày nào ba phải cõng qua vũng nước trong căn nhà thuê để con đi học.
Giờ đây cả nhà tôi lên chuyến tàu thăm ba mẹ. Hai đứa con rất vui vì ông ngoại luôn mua sẵn những món đồ chơi nó thích. Nguyễn nhắc tôi: “Em mua sơ-mi cho ba chưa?”. Ba thích áo sơ-mi, đó như là sở thích hiếm hoi vì như ba nói là ngày xưa ba chỉ có hai chiếc sơ-mi rất cũ để mặc qua mặc lại, hôm nào trời mưa, ba chỉ ủi cho chiếc áo khô để lại mặc tiếp. Tôi cười với anh: “Rồi anh ạ”.
Tôi đã học được rất nhiều điều từ cách sống của ba, giống như tôi nghe tiếng gió thổi trên những hàng cây trong lòng thành phố Sài Gòn trong những buổi sáng đi làm. Tôi đã thuộc lòng những con đường đi và về mỗi ngày, tôi học trong đó trái tim nhân hậu của người cha nương cho tôi vào đời để cho tôi được như ngày hôm nay.