Cúc cù cu ai nuôi mày lớn

Cúc cù cu ai nuôi mày lớn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những người hàng xóm đưa một cái thùng lớn vô nhà, quấn má tôi lại bằng một tấm vải trắng, đặt má tôi vô thùng, đóng nắp lại. Ngày hôm sau cái thùng có má tôi trong đó được nhiều người khiêng ra khỏi nhà...

Từ đó má tôi đi luôn, không về nhà nữa. Đó là năm 1963. Má tôi được 42 tuổi, còn tôi năm tuổi rưỡi…

Gió đưa cây cải về trời

Lúc đó khoảng 2 giờ kém mười phút. Trời Sài Gòn chuyển mưa, tối sầm. Tôi đang ở trong lớp học. Chợt có người hàng xóm vô nói nhỏ gì đó với cô giáo rồi đến nắm tay dắt tôi về nhà. Căn nhà của tôi hôm nay đông người. Tôi đưa mắt kiếm má. Tôi thấy má nằm ngay ngắn trên giường, đầu nghiêng bên phải, mắt hướng ra cửa. Khi tôi tới gần thì bà sửa đầu nằm thẳng. Tôi còn quá nhỏ để quan tâm đến những diễn biến khác thường chung quanh. Như thói quen, tôi trèo lên giường và vạch áo tìm ti má. Đã gần 6 tuổi mà tôi vẫn sờ ti má mỗi khi nằm bên cạnh. Tôi thấy hai bên khóe mắt của má tôi có nước chảy. Còn những người chung quanh thì vừa gỡ tôi ra khỏi má tôi, và cũng như má tôi, mắt họ có nước chảy ra.

Đêm hôm đó nhà tôi vẫn đông người. Má tôi nằm đó nhưng những người hàng xóm “dữ dằn” ngăn cấm không cho tôi ngủ chung. Không ngủ chung đồng nghĩa là tôi không được sờ ti má. Tôi không phản ứng, lẳng lặng leo lên phản nằm nghiêng úp mặt vào tường. Bàn tay tôi xoa xoa lên tường. Đêm nay cái tường thay thế má của tôi. Sáng hôm sau, những người hàng xóm đưa một cái thùng lớn vô nhà, quấn má tôi lại bằng một tấm vải trắng, đặt má tôi vô thùng, đóng nắp lại. Đêm hôm đó tôi lại xoa xoa cái thùng đựng má tôi, rồi quay lại phản úp mặt vào tường, ngủ. Ngày hôm sau cái thùng có má tôi trong đó được nhiều người khiêng ra khỏi nhà. Từ đó má tôi đi luôn, không về nhà nữa. Đó là năm 1963. Má tôi được 42 tuổi còn tôi năm tuổi rưỡi.

Còn quá nhỏ nên tôi chưa biết buồn; chỉ biết thân biết phận rằng, từ nay phải lắng nghe người lớn vì bây giờ không còn má bênh vực che chở nữa.

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan 2021 - Thiết kế: Tống Viết Diễn

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan 2021 - Thiết kế: Tống Viết Diễn

Rau răm ở lại…

Tôi được đưa tới ở chung nhà với anh chị bên quận Phú Nhuận. Anh làm công chức sáng đi chiều về, chị mua bán nhỏ ngoài chợ gần nhà. Anh chị có bốn người con, hai gái, hai trai. Chị sanh năm một, đứa gái lớn nhất nhỏ hơn tôi một tuổi; đứa trai nhỏ nhất mới biết đi. Bốn đứa con của anh chị gọi tôi là dì. Anh chị rất thương tôi. Nếu chia kẹo thì bốn đứa con của anh chị mỗi đứa một viên, riêng tôi hai viên. Nếu đi chơi chung thì thằng út được chị ẵm trên tay, ba đứa còn lại anh chị dắt, riêng tôi được anh đùng đình (tôi ngồi trên cổ, hai chân tôi vắt lên vai của anh gọi là đùng đình). Trong bữa cơm, anh chị gắp thức ăn bỏ vô chén cho tôi trước rồi mới chia cho các con. Anh chị vô tình làm cho những đứa con giận hờn, ganh tỵ với tôi. Khi anh chị không có nhà, tôi bị những đứa lớn giật tóc, xô đẩy, nhiều lần té bật ngửa. Những lần như vậy, tôi khóc và nói lí nhí “tao méc má tao”. Nghe vậy, đứa lớn nhất nạt “Má mày chết rồi, sao mày méc được? lêu lêu”. Để yên thân, tôi thường cầm sách vở chui vô gầm giường, học bài rồi ngủ luôn chờ đến khi anh chị về mới dám chui ra.

Thời gian sung sướng nhất trong ngày của tôi là đi học. Vừa ăn cơm trưa xong là tôi đã sửa soạn cặp, mũ đội đầu và một chai nước lớn. Tôi đi bộ từ quận Phú Nhuận qua quận Bình Thạnh dưới trời nắng chang chang để tới trường (tại sao phải đi học xa như vậy thì tôi không biết). Tôi vừa đi vừa hát, đùa giỡn với cây cỏ, với bóng của mình. Mệt thì núp tạm hiên nhà ven đường. Khát thì hớp một ngụm nước. Thế mà tôi luôn là học sinh đến sớm nhất. Và, chỉ khi bạn cùng lớp được người nhà đón về hết thì tôi mới rời trường. Đường về nhà buổi chiều mát mẻ, thảnh thơi. Tôi thấy hoa thì ngắm, thấy bướm thì chạy theo, thấy trẻ cùng lứa nô đùa thì đứng ngó. Ngày nào cũng vậy, tôi về đến nhà thì vừa lúc lên đèn.

Tôi ở trong nhà anh chị không bao lâu thì anh được điều đi làm chức lớn ở xa, ít khi về nhà. Chị lúc này mua bán lớn hơn cho nên buổi trưa không về nhà ăn cơm như trước. Chuyện giật tóc, xô đẩy và “tao méc má tao”, xảy ra nhiều hơn. Cho đến một buổi chiều tan học tôi không về nhà anh chị nữa mà, về thẳng ngôi nhà của má tôi.

Thời đó ở ngã tư đường phố Sài Gòn người ta hay để một cái bàn, trên đó có nhiều ổ bánh mì to bằng bắp vế chân, bên cạnh có đường, hoặc bơ đậu phộng và một khạp nước uống. Ai cần thì lấy, hổng tốn tiền. Mỗi sáng thức dậy tôi ra ngã tư đường lấy một ổ bánh mì, trét bơ đậu phộng vô là đủ no cả ngày. Còn nước uống thì không cần phải lấy theo, vì trước cửa nhà người ta hay để khạp nước và một cái gáo dừa, ai khát thì uống. Thế là, tôi ôm ổ bánh mì lớn gần bằng tôi đi tới mộ chơi với má.

Mộ má tôi nằm trong khuôn viên của một ngôi chùa cách nhà tôi hơn một tiếng đi bộ. Nghe nói hồi còn sống má tôi thường xuyên lui tới chùa này. Có thể vì vậy mà khi chết được chùa đón về. Mộ má tôi có bốn cái cột bằng đá, trên có mái che, sàn mộ cũng bằng đá mát lạnh. Mộ đủ lớn để che nắng che mưa cho tôi. Ngày nào tôi cũng đến mộ chơi cả buổi sáng. Lúc thì học bài, lúc thì bày đồ hàng ra chơi. Tôi là người bán, má tôi là người mua, vui lắm. Buổi trưa Sư ông cho người ra mộ gọi tôi về chùa ăn cơm, ngủ trưa, rồi nhắc tôi đi học. Có lần Sư ông nhìn tôi rồi nói: “Con không giống má, chắc là giống ba”.

Trời chập choạng tối là tôi về tới nhà. Hàng xóm bới đưa cho tô cơm. Tối đến, tôi trèo lên bàn thờ lấy ảnh má xuống để bên cạnh rồi ngủ. Sáng hôm sau lại ra ngã tư đường lấy ổ bánh mì to bằng bắp vế chân...

Một buổi sáng tôi vừa ngủ dậy thì có một chiếc xe bốn bánh ngừng trước sân nhà. Bước xuống xe là một bà già mặc áo dài, đầu không có tóc. Bà đến gặp hàng xóm của tôi nói gì đó, đưa giấy tờ cho hàng xóm đọc rồi nắm tay tôi dắt lên xe. Sau này, khi đã ở trong chùa của bà già mặc áo dài đầu không có tóc, tôi được dạy, phải gọi là Sư bà. Từ đó, tôi không quay về ngôi nhà của má tôi nữa.

Không phải chịu đời đắng cay…

Vào đầu thập niên hai ngàn, giới truyền thông và truyền hình thường xuyên nhắc tên tôi - một nữ doanh nhân thành đạt. Tôi đã có nhiều nhà, đất và nhiều tiền. Để giống người ta, tôi bắt đầu sắm xe hàng hiệu, giỏ xách hàng hiệu, trang sức hàng hiệu, áo quần - giày dép hàng hiệu lắp đầy vào người. Hãnh tiến lắm. Những vật ngoài thân này chỉ cần có tiền là trang bị đủ.

Sự nổi tiếng âu cũng là một duyên lành đưa đẩy tôi gặp được giới tinh hoa của Sài Gòn. Khi ngồi chung bàn, lắng nghe những câu chuyện họ trao đổi: Mình sanh ra để làm gì? Khi chết mình đi về đâu? Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Phật, Chúa, Thánh Ala. Kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, khoa học, kỹ thuật. Nhạc cổ điển, hội họa, thơ, văn, lịch sử. Rồi sống thế nào là đáng sống. Rồi sống phải biết cho đi… Những câu chuyện mà tôi nghe cũng không thể hiểu được, huống gì tham gia nói chuyện. Lúc đó tôi nhận ra, mình chỉ là một con buôn, không hơn không kém. Và rằng, để có được những kiến thức như giới tinh hoa của Sài Gòn, bản thân phải tự trau dồi nghiêm túc, vì tiền bạc không mua được!

Từ đó trong xách tay của tôi lúc nào cũng có quyển sổ và cây viết. Khi giới tinh hoa nói chuyện, tôi ghi chép lại. Những đề tài nào cần hiểu sâu tôi mua sách về đọc. Những vấn đề cấp bách tôi tìm thầy để hỏi. Ai ai cũng sẵn lòng cho tôi sách, hoặc dạy thêm những vấn đề tôi cần học.

Noi gương những người thầy của mình, tôi bây giờ là một cô giáo thỉnh giảng. Dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết. Học cách cho đi những gì mình nhận của xã hội. Luôn sẵn lòng truyền đạt lại kinh nghiệm kinh doanh. Và từng ngày biết sửa mình để được hoàn thiện.

*

Sư phụ đặt cho tôi pháp danh Lệ Phước. Tôi hỏi: “Thưa, sao lại là Lệ Phước ạ?”. Sư phụ tôi giải thích rằng: “Từ khổ cực, nghèo hèn ngày hôm nay con được thành công và giàu có, đó là Phước. Nhưng khi thành công và giàu có con biết tìm về Phật pháp thì cái Phước đó thật tráng lệ”.

Mùa Vu lan 2565 theo Phật lịch lại về. Con nhớ má. Con xin dâng cái Phước tráng lệ này cho má của con.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày