Cuộc hội ngộ của 80 pho tượng Phật cổ

80 pho tượng do bà Ngô Thị Thương sưu tập hơn 30 năm qua từ Việt Nam đến Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar… được trưng bày từ nay đến ngày 20-11 trong triển lãm Điêu khắc tượng Phật giáo vừa được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

tuong-phat-anh-2-3read-only-1573176177028343725298_jpg.jpg
80 pho tượng cổ thu hút sự chú ý của công chúng và các nhà sưu tập, nghiên cứu cổ vật - Ảnh: MAI THỤY

Nét hồn hậu trong tượng Phật Việt Nam đã mất đi từ lâu, những bức tượng bây giờ được sản xuất công nghiệp nên đường nét rất vô hồn, giống hệt nhau. Vì vậy, tôi sưu tập tượng cổ thời Lý - Trần - Lê là chính.

Nhà sưu tập Ngô Thị Thương

Điều đáng nói, phần lớn tác phẩm trong bộ sưu tập là tượng Phật ở Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều cổ vật của quốc gia này bị "chảy máu" sang nước ngoài, lọt vào các sàn đấu giá quốc tế và được nhiều nhà sưu tập săn đón.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh. Nhà sưu tập Ngô Thị Thương đã nhiều lần ra nước ngoài đấu giá để đưa tượng Phật Việt Nam về. Cùng với chất liệu đa dạng (đồng, gỗ, bạch ngọc, san hô, đá, gốm), các tác phẩm trong triển lãm mang nhiều hình thái sống động: Phật chỉ thiên chỉ địa, Quan Âm thổi tiêu, Đồng tử bái Quan Âm…

Bà Ngô Thị Thương chia sẻ bà chủ yếu sưu tập tượng Nhật Bản vì những chi tiết tinh xảo, tượng Việt Nam vì vẻ mộc mạc và gắn liền với các câu chuyện lịch sử, văn hóa. "Tôi sưu tập tượng cổ thời Lý - Trần - Lê là chính. Trong bộ sưu tập này, pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng, có kích thước 63x53cm, là tác phẩm mang đậm chất chùa chiền dân gian Việt Nam rõ nét nhất".

tuong-phat-anh-3-2-4read-only-15731762487011300370852_jpg.jpg
80 pho tượng cổ thu hút sự chú ý của công chúng và các nhà sưu tập, nghiên cứu cổ vật - Ảnh: MAI THỤY

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam) cho rằng bộ sưu tập đồ sộ của bà Ngô Thị Thương không chỉ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa Phật giáo mà còn giúp người yêu nghệ thuật chiêm ngưỡng được đường nét tinh xảo trong các phong cách điêu khắc khác nhau.

Ông cũng cho biết đa số chùa mới xây đều thỉnh tượng từ các nước khác về thờ, những bức tượng này có giá thành rẻ và chi tiết cầu kỳ hơn nhưng không có những đặc trưng riêng với gương mặt trái xoan, đường nét mềm mại như tượng Phật Việt Nam. "Tượng nước nào sẽ mang đậm dấu ấn, hình hài của người dân nước ấy". Và theo ông, một đất nước có 2.000 năm gắn liền với Phật giáo nên sáng tạo, giữ gìn lại được một nét gì đó riêng của mình.

Cùng ý kiến với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, theo nghệ nhân Nguyễn Lương Minh (làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội), nghề tạc tượng Phật trong nước đang trải qua cuộc cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm du nhập từ một số nước trong khu vực.

"Tượng Phật Việt Nam mang một vẻ trầm tư rất riêng và có chiều sâu. Chúng tôi cũng cố gắng giữ lại đường nét của các cụ đi trước trong những bức tượng Phật, cố gắng giải thích cho khách đặt hàng điểm khác nhau giữa tượng Việt Nam và nước ngoài nhưng một khi khách đã một mực yêu cầu thì cũng chỉ có nước làm theo" - anh Minh tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày