Nội chiến giành quyền lực giữa các dòng tộc Lê, Mạc kéo dài gần 150 năm (1533-1667) đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước về mọi mặt, theo đó, ngành gốm sứ truyền thống phát triển các thời đại trước đó cũng bị suy thoái trầm trọng. Ngành gốm sứ nước ta không thể cạnh tranh với sự phát triển nhảy vọt của công nghệ chế tác sành sứ tại Cảnh Đức trấn đầu thời nhà Thanh ở Trung Quốc, không còn là thế mạnh xuất khẩu như trước đó. Đất nước bị phân ly, quyền lãnh đạo bị phân hóa, nội lực dân tộc trở nên yếu ớt, nên cơn lốc của thị hiếu chuộng ngoại đã cuốn phăng cả ngành gốm sứ Đại Việt với nhiều thành tựu rực rỡ thời Lý, Trần. Từ vua, chúa, người giàu trong nước đua đòi, say mê đồ sứ Trung Quốc đến nỗi xem "một mảnh bát Ngô (sứ Tàu) còn hơn một bồ bát đất (gốm Việt)". Cư sĩ Trần Đình Sơn giới thiệu tập sách - Ảnh: L.Điền Diện mạo của gốm sứ Việt thời đó, đặc biệt là đồ sứ kí kiểu như thế nào? Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập cổ vật trứ danh Trần Đình Sơn - người được bạn bè giới cổ vật đặt biệt hiệu "Sơn Huế" đã làm một cuộc triển lãm hoành tráng bằng hình ảnh với những chú dẫn, chú thích kỹ lưỡng từng cổ vật qua tập sách "Đồ sứ kí kiểu Việt Nam thời Lê - Trịnh (1533-1788)". Sách in song ngữ Việt - Anh, qua sự trình bày mỹ thuật của họa sĩ Mai Quế Vũ, do Nxb Văn Nghệ cấp giấy phép, lễ ra mắt được trang trọng tổ chức tại tư gia 128 Đinh Tiên Hoàng, Q. 1, ngày 2-10-2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lời dẫn nhập đầu sách sẽ giới thiệu tổng quan với người thưởng lãm bối cảnh đất nước thời Lê - Trịnh và những đặc điểm văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày được quy định nghiêm ngặt, thế nào là đồ Nội phủ (thị trung, thị hữu, thị đoài, thị nam, thị bắc)? Thế nào là đồ Khánh xuân (thị tả)? Tâm sự về nhân duyên với cổ vật và tập sách này, cư sĩ Nhật Cao, pháp danh của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, chia sẻ: "Thời còn niên thiếu ngồi trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi ở miền Nam chỉ biết Thăng Long - Hà Nội qua sử sách, thơ văn. Cảnh vật Thăng Long hiện lên trong trí tưởng tượng ngây thơ thật buồn như Bà Huyện Thanh Quan cảm tác: Trưởng thành di chuyển từ Huế vào Sài Gòn sinh sống, nhờ cái tô gia bảo "Nội phủ Thị trung" làm duyên mà tôi lọt vào mắt xanh của Vân Đường chủ nhân Vương Hồng Sển. Suốt bảy năm (1968-1975) gần gũi, cụ Vương hết lòng chỉ dẫn, khích lệ tôi tìm hiểu về đồ sứ kí kiểu (ĐSKK). Dần dần tôi mới biết từ triều Lê-Trịnh bắt đầu gởi kiểu mẫu đặt là đồ sứ ngự dụng, quan dụng ở Cảnh Đức trấn, Giang Tây. Về sau triều Nguyễn tiếp tục công việc kí kiểu ở Trung Quốc, Anh, Pháp. Càng tìm hiểu sâu, càng phát hiện được nhiều điều mới lạ, thú vị, tôi càng say mê ĐSKK. Nhưng thân thế vẫn chỉ là "bạch diện thư sinh", làm sao đủ điều kiện mua sắm vật quý trưng bày trong các tiệm đồ cổ sang trọng giá đắt còn hơn vàng ngọc. Mỗi lần đến Vân Đường hàn huyên chuyện cũ Thần kinh, gặp lúc chủ nhân cao hứng vui chuyện, mở tủ lấy các món Nội phủ - Khánh xuân ra cho cầm trên tay, nhìn tận mắt hoa văn họa tiết. Thấy rồng bay, phượng múa giữa mây lành, điển tích, thơ văn ý nghĩa sâu xa, lòng tôi dâng lên niềm khát khao mơ ước bao giờ mình được làm chủ đầy đủ các thị: trung, tả, hữu, đông, đoài, nam, bắc. Điều đó chẳng khác chi anh học trò nghèo mà đòi cưới cho được công chúa! Ai ngờ vận nước đổi thay, non sông thống nhất, giấc mơ "mai đây hòa bình" trở thành hiện thực… Cũng từ dạo đó chợ trời mọc lên khắp nơi để giải quyết chuyện cơm áo gạo tiền bức bách. Đại lộ Hàm Nghi, trung tâm thành phố Sài Gòn, biến thành khu chợ trời cao cấp nhất, bày bán đủ các vật phẩm quý giá xưa nay, mà giới trung lưu trước năm 1975 nằm mơ cũng không thấy. Nhóm hiếu cổ đất Sài Gòn còn sót lại sau khúc quanh lịch sử như tiền bối Vương Hồng Sển, họa sĩ Nguyễn Văn Rô, nhà văn Ngọc Sơn, y sĩ Lộ công Mười Ba, dược sư Năng, ông Yên và tôi thường hẹn nhau uống cà phê sớm bàn phiếm chuyện thịnh suy như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Nhìn quý vật của các thế gia vọng tộc nằm phơi mình trên sạp gỗ, manh chiếu mà cảm thán: Sau chầu cà phê bụi, mỗi người tùy theo sở thích tà tà đi dạo, lục lọi đồ xưa vật cũ. Người thì tìm kiếm cổ ngọc, kỳ trân; có vị sành sỏi moi cho ra gốm Tống, sứ Minh lẫn lộn trong đồ sành, đồ đất; có kẻ gặp hên vớ được danh họa đông, tây… Riêng tôi biết phận hậu sinh chỉ chăm bẳm săm soi ĐSKK xanh trắng. Cũng vì cái tình chung thủy đó mà thân hữu Bắc Nam gán cho tôi cái tên ghép "Sơn Huế". Nghiệm lại lời của Âu Dương Tu thời Tống "Vật thường đến với người biết ưa thích" thật đúng. Góp nhặt lâu ngày, lại thêm các vị lão làng cổ ngoạn thương mến chuyển nhượng lại những món Nội phủ - Khánh xuân đặc sắc. Nhờ vậy mà bộ sưu tập của tôi đầy đủ hiệu đề, kiểu mẫu, thơ văn tương đối phong phú. Nay ngàn năm một thuở, nhân dân Việt khắp nơi đều hướng về Đại lễ kỷ niệm "Thăng Long thiên tuế". Tôi vô cùng hoan hỷ xuất bản tác phẩm Đồ sứ kí kiểu Việt Nam thời Lê - Trịnh. Mong sao tập sách này như nén tâm hương tưởng nhớ công đức tiền nhân. Góp thêm tư liệu về thời đại vua Lê, chúa Trịnh bốn trăm năm trước trong lịch sử ngàn năm Thăng Long - Đại Việt. Đây cũng là cách tôi cảm tạ, tri ơn đối với các vị minh sư, lương hữu đã trao truyền kiến thức hoặc hiện vật cho tôi, để ngày nay tập sách này đủ nhân duyên ra đời. Biển học mênh mông, hy vọng các nhà nghiên cứu, sưu tầm, trân quý di sản văn hóa sẽ tiếp tục công bố thêm những phát hiện mới, bổ sung vào tủ sách "Hiếu cổ Việt Nam". Công việc đó cũng là cách thể hiện tâm tình yêu quê hương, đất nước vậy".