Cuối làng cây thị, đằng xa ngôi chùa…

Một góc chùa thanh tịnh - Ảnh minh họa
Một góc chùa thanh tịnh - Ảnh minh họa

GNO - “Đầu làng có một cây đa/ Cuối làng cây thị, đằng xa ngôi chùa”. Xưa nay, mỗi làng thôn xóm phố đều có ngôi chùa. Thành phố nhỏ miền Trung nơi tôi đang cư trú cũng như vậy, gồm 9 phường, nhưng có hơn mười ngôi chùa. Và chùa nào tôi cũng là “khách quen” nhờ những lần “tác nghiệp” cho chuyên mục “Những thiên thần quét lá” của một ấn phẩm Phật giáo…

Quý thầy, sư cô và các chú tiểu sẵn sàng kể chuyện “làm chú tiểu” của mình rất thực - làm cho tôi hiểu thêm về cái duyên tu, phải tu nhiều kiếp thì kiếp này mới tu được, còn nặng nợ trần ai thì có muốn vô ở chùa cũng không được, chưa nói chuyện tu.

Đến chùa “tác nghiệp”, ăn cơm chùa năm bảy bữa chưa đến mức thấm tương chao, nhưng cũng thấm được chút đạo từ bi - hỷ xả qua những lần trò chuyện với quý thầy, quý sư cô…; tôi thấy tâm mình rộng mở, bớt tham sân si, thích chia sẻ và kết nối với những người xung quanh hơn…

Tôi cảm thấy tâm tánh hiền lương như những con người đến tu học dưới mái chùa mình đã từng gặp gỡ. Và một ngày tôi nhận ra một điều: Những con người đến tu học dưới mái đình chùa là nguồn “Vốn xã hội” rất quý.

Xưa nay, biết bao thăng trầm của lịch sử, những ngôi chùa Việt Nam vẫn mặc nhiên với thế sự: “Chùa làng dựng ở xóm côi/ Sớm khuya hai buổi nghe hồi chuông ngân”. Tiếng chuông chùa ngân nga vang vọng diệu kỳ khiến cho người ta tỉnh thức, chuông gọi con người quay về nẻo thiện lành.

Ca khúc “Giấc mơ trưa” của Giáng Son lay động lòng người nghe nhạc cũng nhờ vào giai điệu và ca từ thánh thót của “một tiếng chuông chùa”.

 Những ngôi chùa là gia sản truyền thừa từ đời này sang đời khác, có thể nói đó là nguồn vốn xã hội luân lưu truyền mãi cho những thế hệ kế tiếp. Chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của những tín đồ theo truyền thống đạo Phật. Mỗi ngôi chùa có một vị sư trụ trì. Vị sư này được tín đồ tôn kính xem như là người cha tinh thần, người thầy hướng dẫn cho họ tu học. Ngôi chùa như một gia đình đạo của họ. Đạo Phật có đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu, nhưng hiện nay pháp môn “Niệm Phật” được rất nhiều chùa thực hành vì đây là pháp môn dễ thực tập nhất và mau chóng đem lại sự an lạc nhất.

Hành giả là cách gọi những tín đồ đến chùa tu tập. Họ đến chùa vào thời gian nghỉ, không ảnh hưởng đến công việc của họ. Thường thì những thời kinh bắt đầu từ 8 giờ đến 9 giờ tối. Hàng tháng, mỗi ngôi chùa có tổ chức khoá tu “Bát quan trai”, có thể hiểu nôm na là “làm người xuất gia một ngày”, vì trong một ngày hành giả đến đây tu học gồm có: nghe giảng Pháp, niệm Phật, kinh hành… Đi đứng nằm ngồi phải giữ thanh tịnh và chánh niệm như một vị xuất sĩ.

Hành giả hầu hết đã Tam quy, ngũ giới. Tam quy là quy y Tam bảo; ngũ giới là giữ năm giới: Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu.

Không phân biệt giàu nghèo và vị trí xã hội, hành giả đủ tất cả nghề nghiệp, họ xem nhau như huynh đệ. Họ chào nhau: “A Di Đà Phật!”, có nghĩa là hẹn gặp nhau ở cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Hành giả đến chùa là để trau dồi giới hạnh, buông bỏ tham, sân, si: “Tích nhân nghì, tu đạo đức/ Ai hay này chẳng Thích Ca/ Cầm giới hạnh, đoạn gian tham/ Chỉn thực ấy là Di Lặc” (Hội thứ 7 - Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông). Hành giả luôn tụng giới luật để nhắc nhở mình: “Sạch giới lòng, dồi giới tướng/ Nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm/ Ngay thờ Chúa, thảo thờ cha/ Đi đổ mới trượng phu trung hiếu” (Hội thứ 6 - Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông).

Hàng tháng, hành giả có vài thời kinh “Sám hối” để hoàn thiện mình. Con người dưới mái đình chùa là vậy đó. Họ tôn kính và tưởng nhớ Phật, nhưng không quên kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em. Họ học hạnh từ bi và hỷ xả của Đức Phật, nguyện thương người và vật, mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống; nguyện trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật; nguyện trong sạch từ thể chất đến tinh thần từ lời nói đến việc làm; nguyện sống hỷ xả để dũng tiến trên con đường đạo.

Những con người đến dưới những mái chùa, họ là những hành giả tu học Phật, họ mong đạt được sự an lạc thân tâm. Chắc chắn họ là những người lương thiện có đủ tình thương và sự hiểu biết. Chính họ góp phần làm nên sự an lạc và thịnh vượng cho xã hội…

Lê Đàn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày