Cưỡi voi bắt châu chấu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thuộc hệ phái Dhammayut (Thái Lan), hiện ngài trụ trì Lâm tự viện Metta tại thành phố San Diego, tiểu bang California (Hoa Kỳ).

Người Thái có câu thành ngữ, “Cưỡi voi để bắt châu chấu”. Một hình ảnh bạn nên nhớ đến khi cảm thấy mình dính chấp vào những điều nhỏ nhặt, những điều ít quan trọng hơn việc tu tập - nhưng “những điều nhỏ nhặt” đó có thể lớn trong mắt người thế gian. Tuy nhiên, bạn phải nhớ từ quan điểm rèn luyện tâm để chấm dứt đau khổ, rằng rất nhiều mối quan tâm của chúng ta thực sự rất nhỏ. Vậy mà chúng ta không nhớ điều đó. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục nhắc nhở bản thân về đoạn kinh mà chúng ta thường xuyên tụng niệm: “Hành giả tinh tấn coi trọng định tâm”.

Tâm khi tĩnh lặng, khi nó không luôn bận rộn với những điều nhỏ nhặt, tâm đó có nhiều giá trị hơn chúng ta nghĩ. Đối với chúng ta, đôi khi tâm có vẻ như một khoảng không trống vắng. Chúng ta phải mất thời gian để dọn dẹp không gian này, rồi có một tâm khác lại nói: “Này, đây là không gian lưu trữ. Giờ tôi có thời gian để suy nghĩ về điều này, điều kia, sau đó cất giấu tất cả những suy nghĩ của tôi vào đó”.

Tỳ-khưu Thanissaro

Tỳ-khưu Thanissaro

Khi bạn có cả ngày để hành thiền, thật dễ dàng để lấp đầy chúng bằng những thứ nhỏ nhặt, nhưng trớ trêu là được lấp đầy không có nghĩa là những thứ đó có giá trị cao. Trái lại tâm trí trống rỗng và tĩnh lặng không có nghĩa là nó không có giá trị. Đúng ra, tâm tĩnh lặng là thứ cho phép ta nhìn thấy chính mình, hiểu được chính mình. Đó là điều tốt nhất mà tâm có thể làm được. Có rất nhiều điều trên thế gian không bao giờ chúng ta có thể thực sự biết, chúng ta chỉ có thể biết bằng suy luận.

Như Đức Phật đã dạy, chúng ta có thể biết bằng suy luận, biết bằng những gì phù hợp với quan điểm hiện tại của ta, chúng ta có thể biết bằng logic, biết bằng cách tin tưởng vào thẩm quyền, nhưng những điều đó không được xem là sự hiểu biết thực sự. Sự hiểu biết thực sự là tâm tự biết bản thân. Những gì bạn làm là những gì bạn biết rõ nhất, nhưng thường đối với chúng ta đó lại là một lãnh vực hoàn toàn bị che khuất bởi vì chúng ta mãi tập trung vào một nơi khác. Chúng ta thanh lọc tâm để có thể quan sát nó. Không có gì nhiều có thể xảy ra, nhưng điều đó có nghĩa là cả một điều nhỏ xảy ra, bạn cũng sẽ thấy nó, nếu nó nằm trong tầm ngắm của bạn.

Nhưng bạn có thể thanh lọc tâm như thế này, mở tâm trí, khai phóng tâm theo cách này, không để cho tâm bám chấp vào những điều không quan trọng. Hãy nhớ đến người cưỡi voi để bắt châu chấu. Tâm bạn có rất nhiều giá trị. Bạn càng thực hành, bạn càng đánh giá cao giá trị của nó. Nếu bạn không thực hành, không có gì nhiều ở đó: Chỉ có rất nhiều tham lam, sân hận và si mê, không có gì thực sự gây ấn tượng. Nhưng khi bạn đã loại những thứ đó ra ngoài, bạn sẽ thấy rằng tâm có rất nhiều khả năng, và bạn không muốn lãng phí nó vào những mối quan tâm nhỏ nhặt hàng ngày.

Vì vậy, hãy nhớ rằng, trạng thái tâm của bạn là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn. Bạn sẽ muốn bảo vệ nó một cách tốt nhất có thể. Khi Đức Phật nói về các loại mất mát quan trọng và không quan trọng khác nhau, Ngài đã liệt kê sự mất mát người thân, của cải, sức khỏe là không quan trọng. Thế gian thì lại nghĩ đó là những vấn đề khá lớn. Nhưng, như Ngài đã thuyết, bạn không phải xuống địa ngục vì mất mát những thứ đó. Tuy nhiên, bạn có thể rất dễ dàng đi vào địa ngục nếu bạn đánh mất tri kiến đúng đắn và đánh mất đức hạnh của mình. Bạn có thể cũng tự hỏi sao Ngài không bao gồm định trong danh sách đó. Có thể là vì giới hạnh và chánh kiến là nền tảng cho chánh niệm.

Chánh niệm, tất nhiên, là cách bạn có được tâm tập trung. Và một khi đã có nền móng, bạn cũng sẽ có phần còn lại của ngôi nhà. Chánh kiến giúp bạn quay vào bên trong, tập trung ở đấy: Tâm đang làm gì? Đây là nơi có cái biết thực sự, nơi quan sát hoạt động của tâm, và tập vượt qua sự phủ nhận của chúng ta về những gì ta đang làm, cách ta che giấu bản thân ta đang làm những gì. Đó là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, bởi vì nếu bạn không thể biết chính mình, bạn sẽ biết gì? Vì vậy, hãy ý thức về giá trị thực sự của tâm - giá trị của tâm tỉnh táo, tâm sáng suốt. Đối với chuyện thế gian, hãy để chúng như là. Chỉ chọn chúng khi chúng thiện xảo - nói cách khác, khi chúng giúp ta quay trở về quán tâm.

Hãy nghĩ đến Đức Phật vào đêm giác ngộ của Ngài. Sự hiểu biết của Ngài rơi vào ba trạng thái. Đầu tiên là trạng thái tường thuật, phương thức của những câu chuyện: nhớ lại tất cả nhiều kiếp sống của mình: làm thế nào Ngài được sinh ra theo cách này, cách kia, với vẻ bề ngoài thế này, thế kia, ăn loại thực phẩm này, loại thức ăn kia, kinh nghiệm về niềm vui và nỗi đau, sau đó chết, và trải qua những điều đó nhiều lần nữa.

Tái sinh với vẻ bề ngoài này, với tên này, những niềm vui, nỗi khổ kia, ăn loại thức ăn này, kia. Thật thú vị, sự nhấn mạnh về thực phẩm. Đó là một trong những thứ giúp chúng ta đi từ kiếp này sang kiếp khác, và đóng một phần quan trọng trong vòng luẩn quẩn này. Tuy nhiên, một khi bạn đã ăn một số thực phẩm, thì như thế nào? Chúng đi qua hệ thống tiêu hóa của bạn, bạn hấp thụ một phần, phần còn lại tống ra ngoài. Sau đó, bạn lại đi tìm kiếm chúng thêm, tìm kiếm thêm nữa. Không bao giờ thấy đủ. Nhưng hãy lưu ý rằng trạng thái biết đầu tiên đó là phương thức tường thuật: ai đã làm gì với Bồ-tát, Bồ-tát đã làm gì với họ, và chuyện gì xảy ra sau đó?

Trạng thái của cái biết thứ hai là về một thế giới quan, nhìn thấy tất cả chúng sinh trên thế gian. Và khi bạn nhìn thấy một thế giới quan rộng lớn như vậy, bạn có thể nhận ra các mô hình. Mô hình mà Đức Phật nhận ra là mô hình của hành động thiện xảo so với hành động kém thiện xảo. Hành động về cơ bản là ý định được thành hình bởi quan điểm, tùy thuộc vào người bạn lắng nghe, người bạn tôn trọng. Dựa vào những gì họ dạy bạn, bạn có một số quan điểm, và bạn hành động theo các quan điểm đó. Nhưng bạn không thực sự biết chắc chắn. Đây là phần đáng sợ của cuộc sống. Chúng ta quyết định dựa trên nhiều quan điểm mà ta không thực sự hiểu. Chúng ta biện giải cho chúng, dự đoán tốt nhất về chúng và làm theo. Điều đó quyết định một loạt các niềm vui và nỗi đau.

Như vậy, thế giới quan giúp nhận ra các mô hình, nhưng đó không phải là giải pháp. Giải pháp mà Đức Phật tìm thấy, nằm ngay ở việc quay lại và nhìn vào bên trong tâm của mình, xem tâm đang làm gì: Nó đang sử dụng quan điểm nào? Nó đã hành động với ý định gì? Những ý định nào có thể được sử dụng để chấm dứt đau khổ? Trong phương thức này, không có chuyện kể, không có thế giới quan, chỉ đơn giản là hành động và kết quả. Và chính việc đi đến phương thức này mà Đức Phật đã có thể giải quyết các vấn đề của Ngài. Xem mọi thứ, các tâm hành như những sự kiện, ngay tại đây, ngay bây giờ. Đó là điều tốt nhất mà tâm có thể làm, bởi vì nó có thể sử dụng sự hiểu biết đó để tìm ra điều mà nó không làm được - nói cách khác là cái gì đó nguyên sơ.

Vì vậy, khi bạn đang ngồi thiền và đột nhiên thấy mình bị trói buộc vào các câu chuyện hoặc thế giới quan, hãy nhắc nhở bản thân: Ta phải thoát ra khỏi các câu chuyện đó, ra khỏi thế giới quan đó, trở lại quán sát các sự kiện ở đây, ngay hiện tại. Bất cứ cách nào mà bạn có thể sử dụng để hướng câu chuyện hoặc thế giới quan ra như thế, đều tốt. Đôi khi bạn chỉ cần bỏ qua câu chuyện, lúc khác bạn phải nhắc nhở bản thân: “Được rồi, người ta đã ngược đãi tôi. Thật khủng khiếp, nhưng tôi đã có thể vượt lên điều đó, và trở thành một thiền giả. Thiền giả làm được gì? Họ tập trung vào tâm trí của mình”. Với thế giới quan cũng thế: Hãy quán chiếu về thế giới quan của bạn cho đến khi đạt đến điểm mà bạn nhận ra rằng những nhân vật quan trọng trên thế giới đều là những người tập trung vào tâm trí của họ.

Có một đoạn giới thiệu trong một bài pháp thoại của ngài Ajaan Maha Boowa, nói rằng để gửi đến một nhà sư rất quan trọng trong thời đại chúng ta. Hóa ra ngài đang đề cập đến một nhà sư không nổi tiếng chút nào, nhưng là một người có chứng đắc cao. Điều đó rất quan trọng. Đó là những gì làm cho một người quan trọng. Điều làm cho thế giới này đáng sống, thực ra là thế giới kể từ thời Đức Phật đã không vắng mặt các vị A-la-hán. Đó là những người khiến thế giới này đáng giá. Đó là giá trị của tâm: trong những gì nó có thể làm để thanh lọc bản thân, để biết bản thân.

Vì vậy, khi bạn đã thanh lọc tâm, hãy tự hỏi: Ta sẽ làm gì với con voi của ta bây giờ? Voi làm việc rất giỏi. Chúng có thể kéo cây to; chúng có thể nâng đồ cồng kềnh, nặng nề. Vậy thì trong tâm bạn có cây lớn nào cần phải kéo đi? Có gánh nặng nào cần được trút bỏ? Hãy cẩn thận chớ sử dụng voi để bắt châu chấu. Hãy sử dụng voi để hoàn thành những công việc bền vững, để xứng đáng với công sức bạn đã bỏ ra để huấn luyện con voi này.

Thanissaro

(Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ từ Riding an Elephant to Catch Grasshoppers, nguồn: www.accesstoinsight.org › random-article, 3-2024)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày