GN - Khóa tu chỉ có bảy người, trong đó có hai tu sĩ (đã xuất gia từ thuở nhỏ), còn lại là nam cư sĩ. Cả đoàn lặng lẽ lên núi, trú nhờ nơi gian nhà tổ của một ngôi chùa. Chùa xa và nghèo, nên chùa vắng; thuận tiện cho khóa tập; duy chỉ không có người “phục vụ” nên đoàn phải mang theo lương thực-thực phẩm đủ dùng cho hơn một tháng. Mỗi ngày, công việc chính của đoàn là bốn thời thiền tọa, mỗi thời khoảng hai giờ. Thời gian còn lại dành cho việc chẻ củi, lặt rau, bếp núc… Nghĩa là không có thời giờ trống…
Ảnh minh họa
Khoảng giữa khóa thiền, một hôm có đôi vợ chồng đến gặp thầy, dắt theo người con gái để nhờ thầy trị bệnh. (Không biết do đâu mà dẫn đến việc nhờ trị bệnh này, vì khóa thiền diễn ra rất âm thầm!). Người con gái khoảng hơn hai mươi tuổi, sắc mặt hồng hào, không có vẻ gì là người có bệnh. Bệnh, theo lời đôi vợ chồng nói, là không hiểu sao, ngày nào người con gái cũng múa hát cười cợt lung tung…
Nhìn chăm chú người con gái giây lát, thầy hỏi: Có phải cháu thích ăn kẹo bánh và cứ chiều chiều, là cháu mới lên cơn, phải không? Đôi vợ chồng thưa: Quả thế thật. Cháu còn thích mặc áo quần đẹp nữa. Gia đình đã đi tìm thầy chữa hơn ba năm rồi mà thầy nào cũng… lắc đầu. Nhờ thầy làm ơn làm phước…
Thầy bảo hai vợ chồng đưa cháu về, vài hôm sau sẽ gặp lại.
Đêm ấy, thầy khó ngủ, cứ đi đi lại lại trước sân chùa…
Trong buổi uống trà sáng hôm sau, mấy huynh đệ được thầy cho biết, người con gái ấy bị một vong trẻ con đeo bám lâu ngày nên mới có những biểu hiện như thích ăn bánh kẹo, thích mặc áo quần mới… Thầy đang phân vân, chưa chọn được cách giải quyết chu toàn.
***
Mấy ngày sau, cả nhà người con gái ấy trở lên núi. Thầy cho bệnh nhân ngồi chính giữa bộ phản gỗ lớn đặt bên phải gian nhà Tổ, hai bên và phía sau bệnh nhân, thầy bảo ba huynh đệ cùng đặt tay lên lưng và hai vai người bệnh; thầy ngồi đối diện với người bệnh. Thầy bắt ấn, lâm râm trì chú rồi nói lớn: Đi, đi ra khỏi đây ngay, đi mà tìm nơi tu tập, nếu không ta sát! Vừa dứt lời, thầy đánh mạnh vào bệnh nhân…
***
Khi khóa thiền sắp kết thúc, gia đình bệnh nhân lại lên núi để báo tin, rằng sinh hoạt của con gái họ đang dần dần trở lại bình thường. Các huynh đệ đều chúc mừng, mong họ thêm vững lòng tin vào Phật pháp. Thầy cũng chân thành bày tỏ, rằng cái vong đeo bám cô gái là một vong hiền, nên thầy mới có thể “gọi” nó rời bỏ khỏi thân thể cô ấy. Và điều khiến thầy phải đắn đo khi trị bệnh, là làm sao vừa giúp được bệnh nhân mà vẫn không làm thương tổn đến cái vong ấy. Bởi vì nó cũng không có ác ý làm hại người bệnh, nó cũng chỉ là nạn nhân của chính những nghiệp quả đã gieo, đang trôi lăn trong dòng luân hồi u u minh minh bất tận. Thầy lưu ý cho tất cả huynh đệ hiểu-nhận sâu sắc rằng, mỗi một ấn quyết và thần chú đều có công năng riêng nhưng điều chủ yếu là phải dùng tâm từ để điều khiển khi sử dụng ấn chú vào những mục đích tốt đẹp nhằm cứu giúp người khác. Nếu đi lệch khỏi động cơ và mục đích ấy, mọi việc làm đều trở nên vô nghĩa, vô ích và có hại cho bản thân, vì nó chỉ làm tăng thêm cái “ngã” mà thôi. Và điều quan trọng nhất đối với mỗi người trong việc nhận thức về những thế giới tồn tại bên cạnh đời sống hàng ngày của con người, là sự tôn trọng đối với họ…
Buổi sớm mai, tiết trời se se. Còn lại mãi trong sâu xa của tất cả huynh đệ ngày ấy, là hình ảnh thầy vừa nâng tách trà nóng, vừa từ tốn: Đức Khổng phu tử đã từng dặn rằng: Kính quỷ thần nhi viễn chi! (Đối với quỷ thần thì kính trọng nhưng nên tránh xa). Ngài còn nói: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã (Luận ngữ), có nghĩa là những kẻ vừa mới nghe giảng Đạo rồi đi thuật lại liền sau đó, thì xem như bỏ mất cái đức nơi mình, cũng có nghĩa là, người học Đạo cần phải có sự trải nghiệm chứ không chỉ nghe suông nói suông...