GNO - Pháp sư Lý Huy, chủ tịch tổ chức Amitofo Care Centre (ACC) đặt trụ sở tại Nam Phi, đã quyết định thành lập các trại trẻ mồ côi ở châu Phi sau chuyến thị sát đến Nam Phi vào năm 1992.
Trong chuyến đi đó, pháp sư đã chứng kiến các tác động tàn phá của HIV/AIDS lên những đứa trẻ của đất nước này và đã quyết định áp dụng giáo pháp của Đức Phật nhằm giải quyết những đau khổ mà thầy đã nhìn thấy.
"Nguyên tắc cơ bản của Phật giáo là tất cả mọi người đều bình đẳng" - vị sư 56 tuổi này nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNA. "Việc thực hành Phật pháp có thể giúp ích trong việc chữa trị cho trẻ và dạy các em cách đối xử với người khác một cách tôn trọng".
Pháp sư cho biết, tổ chức phi lợi nhuận của mình hiện đã nhận nuôi hơn 3.000 trẻ mồ côi trên khắp lục địa Phi châu ở các nước như Malawi, Swaziland và Lesotho.
Trẻ em tại các trại trẻ mồ côi được đặt trong các nhóm bao gồm các học sinh ở các độ tuổi khác nhau. Điều này cho phép trẻ trải nghiệm một cuộc sống xã hội thực sự, các em không chỉ sống và học tập cùng nhau mà quan trọng hơn là chăm sóc lẫn nhau.
Pháp sư Lý Huy nói thêm rằng trại trẻ mồ côi ở đây đã chấp nhận nuôi những trẻ trên 18 tuổi.
Phương pháp giáo dục ở đây là tích hợp Phật pháp vào trong các khía cạnh của đời sống thường nhật ngoài đời.
Mọi nỗ lực đều dựa trên văn hóa Phi châu địa phương. Bằng cách đó, trẻ em có thể lớn lên với một ý thức đạo đức và hy vọng làm thay đổi môi trường xung quanh.
"Dù là môi trường học tập của Phật giáo hay của Trung Quốc, nhưng cuối cùng vẫn là người châu Phi tự mình quyết định những gì họ muốn trong cuộc sống của mình" - pháp sư Lý Huy chia sẻ.
Dựa trên quan điểm đó, trẻ mồ côi ở đây được khuyến khích thể hiện mình thông qua âm nhạc và nhảy múa vì đây là cách phổ biến nhất mà người châu Phi thể hiện văn hóa của họ.
"Bạn hãy nhìn người dân ở đây. Tất cả mọi người từ 3 đến 90 tuổi đều rất thích nhảy múa và ca hát" - pháp sư Lý Huy nói. "Chúng tôi không muốn hy sinh truyền thống châu Phi vì sự hiện đại hoá".