Dạo bước Côn Sơn

Côn Sơn bình yên trong khung cảnh lãng mạn - Ảnh: Quỳnh Anh
Côn Sơn bình yên trong khung cảnh lãng mạn - Ảnh: Quỳnh Anh

Mùa lễ hội đã trôi qua, trả lại cho Côn Sơn vẻ tĩnh lặng thanh bình vốn có. Một ngày tháng Tư nhạt nắng, tôi thanh thản tìm về với miền đất từng là nơi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi quy ẩn.

Từng biết đến Côn Sơn qua những vần thơ nổi tiếng của Nguyễn Trãi: “Côn Sơn suối chảy rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. Côn Sơn có đá rêu phơi. Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”, tôi không khỏi bồi hồi khi đặt chân đến đây. Nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân, Côn Sơn  (thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là một quần thể núi non, rừng thông, khe suối, chùa tháp cổ kính, nên thơ.

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là chùa Hun, tọa lạc ngay dưới chân núi. Chùa được xây dựng từ trước đời Trần nguy nga đồ sộ, trải bao biến thiên của lịch sử, nay chỉ còn là một nếp chùa nhỏ ẩn mình dưới tán rừng xanh biếc. 

Dân gian có câu: “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm. Ai chưa tới đó, thiền tâm chưa đành”. Ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm).  Đặc biệt, chùa Côn Sơn còn lưu giữ được bốn nhà bia, trong đó quý nhất là bia Thanh Hư động, tạo từ thế kỷ 14, còn lưu lại nét chữ của vua Trần Duệ Tông.

Thông tin thêm

* Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, Hải Dương, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km.

* Ở Côn Sơn, mỗi năm đều diễn ra hai lễ hội lớn: Hội Xuân và Hội Thu. Hội Xuân là hội chùa Côn Sơn, để kỷ niệm ngày mất của Thiền sư Huyền Quang diễn ra từ ngày 16 cho đến ngày 22 tháng Giêng. Còn Hội Thu sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng tám âm lịch để tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trãi. Du khách tham gia lễ hội sẽ được chơi những trò vui dân gian rất đặc sắc.

Đến với Côn Sơn, du khách không khỏi tò mò với truyền thuyết về “Bàn cờ tiên” trên đỉnh Côn Sơn, một di tích gắn với truyền thuyết có từ lâu đời.

Tương truyền đây là nơi hội quần tiên xuống chơi cờ, múa hát. Ngày nay, bàn cờ tiên là một khu đất bằng phẳng đẹp đẽ. Từ chùa Côn Sơn leo lên khoảng 600 bậc đá là lên tới nơi. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, khung cảnh núi non hùng vĩ “như tranh họa đồ”.

Đặc trưng của núi Côn Sơn là được bao phủ bằng rừng thông bạt ngàn. Những cây thông lớn, cao vút, lá vi vu reo trong gió. Mùi nhựa thông dìu dịu lan tỏa khắp không gian. Đứng trong không gian đầy chất thơ như thế, mọi muộn phiền của cuộc sống bỗng tan biến tự bao giờ.

Đến thăm Côn Sơn, không mấy ai lại không muốn được vào chiêm bái đền thờ Nguyễn Trãi. Đền tọa lạc dưới chân núi Phượng Hoàng, nắm giữa bốn bề núi non hùng vĩ, hoa cỏ hữu tình.

Được nghiêng mình kính cẩn trước người anh hùng dân tộc, nghe vẳng bên tai triết lý xưa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...”, lòng ta không khỏi bồi hồi xúc động

Theo lối mòn từ đền Nguyễn Trãi đi lên là đền Trần Nguyên Đán và Thạch Bàn- tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm "chiếu thảm" nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và mưu  việc nước. Nơi đây còn lưu giữ lại những vết tích nền nhà Nguyễn Trãi xưa kia.

Một ngày dạo bước Côn Sơn, đắm mình giữa thiên nhiên tươi đẹp, tìm lại những ký ức lịch sử một thời, lòng người dường như trẻ thêm và trong sáng hơn. Đây không chỉ là một “danh lam nơi đất Bắc, tiêu biểu của trời Nam” mà còn lưu giữ được những dấu tích lịch sử vô cùng quý giá.

Ai một lần đặt chân đến Côn Sơn sẽ không khỏi yêu mến, lúc rời xa còn lưu luyến mãi không thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày