Đạo như thật

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở một góc nhìn, đạo Phật được xem là một tôn giáo nhưng không phải tôn giáo tín ngưỡng chỉ tin vào tha lực cứu rỗi mà là một tôn giáo khoa học.

Đức Phật chứng ngộ dưới cội bồ-đề, sau đó đem đạo lý giác ngộ truyền đạt lại cho chúng sanh nương vào đó để tu tập. Những lời dạy của Ngài vượt không gian và thời gian. Từ hơn 25 thế kỷ trước cho đến ngày nay, thông điệp giác ngộ đã lan truyền khắp thế giới.

Vì sao nói đạo Phật là đạo như thật? Bởi vì sự thật về các pháp như thế nào thì Đức Phật thấy như thế đó, trình bày như thế đó, không thêm không bớt. Hàng hàng lớp lớp những người đệ tử Phật trải qua quá trình tu tập chuyển hóa, sau khi chứng ngộ, các Ngài cũng triển khai đạo lý như thật đó cho con người trong công cuộc cứu khổ độ sanh. Đạo Phật mang tính thực tiễn, những gì Đức Phật thuyết giảng trong suốt 49 năm không phải do Ngài ước đoán suy diễn, mà Ngài chứng ngộ sự thật về các pháp như thế nào thì truyền đạt đúng như vậy, giúp cho chúng sanh nhìn thấu được lẽ thật của cuộc đời.

Phật dạy tất cả các pháp đều vô thường, duyên sinh, không thật. Chúng ta xưa nay thấy thân này là thật, là đẹp đẽ nên cung dưỡng nó, tô điểm trang sức lên nó bao nhiêu thứ. Thử nghiệm lại, thân này từ đâu mà có?

Cổ đức nói: “Tinh cha huyết mẹ chung hợp nên hình, năm tạng trăm hài cùng nhau kết hợp, chấp cho là thật quên mất pháp thân…”. Nghĩa là thân này do tinh cha huyết mẹ, do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, do nhiều nhân duyên, yếu tố hợp thành, mà nếu thiếu đi một yếu tố thì không thể có thân này. Ví như không hít thở hoặc không uống nước trong một thời gian nhất định thì sẽ chết. Như vậy rõ ràng là vô thường, không thật, vậy mà chúng ta cứ nghĩ thân này là mình, là ta rồi tưởng rằng nó độc lập một mình, nó tự có mặt mà không cần nhờ những nhân duyên khác.

Nếu có cái nhìn khoa học, thiền quán thì sẽ thấy thân này là một tổ hợp rất nhiều yếu tố. Giống như chiếc xe đạp nếu phân ra từng mảng, bên này là sườn, bên kia là nhông sên, yên, tay lái, bàn đạp, v.v… sẽ không còn thấy chiếc xe đạp nữa, vậy tại sao khi ráp chúng lại thì mình thấy có chiếc xe đạp thật? Thân này cũng thế, do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành chứ không thật có. Chúng ta chỉ thấy được những cái hiện tướng trước mắt mà không thấy được bản chất, lẽ thật của các pháp tinh tế bên trong.

Phật dạy, con người ra đời gắn liền với khổ, thể hiện qua bốn giai đoạn của cuộc đời đó là sinh, già, bệnh, chết. Khi xưa có những bậc vua chúa vì sợ chết mới sai quần thần đi tìm thuốc trường sinh bất tử để duy trì cho cái thân này còn mãi. Đó là những người mê muội sâu dày, chưa thấy được đạo lý như thật. Thực tế, con người sinh ra lớn lên, phải già phải chết, không ai có thể trốn tránh cái chết. Rõ ràng chúng ta ai cũng nghiệm được lý vô thường ở ngay nơi mình cũng như vạn vật xung quanh.

Bởi vô thường nên mới ngày nào tóc đen, da dẻ hồng hào tràn đầy sức sống, bây giờ nhìn lại tóc bạc, da nhăn, mắt mờ, tai điếc, lưng còng. Bởi vô thường nên hoa nở rồi héo tàn, lá xanh rồi vàng rụng… Thân người có sinh già bệnh chết; các pháp có sinh trụ dị diệt; vũ trụ có thành trụ hoại không. Đó là tiến trình sinh diệt liên tục của tất cả các pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và truyền thông điệp giác ngộ ấy cho chúng sanh.

Khi giác ngộ rồi sẽ thấy vô thường rất là vi diệu, nó là mạch nguồn của sự sống. Nếu không có vô thường, không có sự diễn tiến thì cũng không có sự sống. Ví dụ, con người có hệ hô hấp (thở ra hít vào), hơi thở ra vào liên tục chính là vô thường; trái tim có chức năng co bóp liên tục đưa máu đi khắp thân thể nuôi các bộ phận khác, đó là vô thường. Như vậy, chính nhờ vô thường mà có ra sự sống của con người.

Các nhà thiên văn học nói rằng, trái đất xoay xung quanh mặt trời, nếu nó đứng yên lại không xoay nữa thì sẽ nổ tung. Nhờ trái đất xoay liên tục mà có ra 24 múi giờ, có ngày và đêm. Như vậy nhờ vô thường mà có ra sự sống của trái đất này. Tóm lại, vô thường làm cho các pháp hiện khởi, tồn tại và hủy diệt, đó là tiến trình sinh diệt tự nhiên, đương nhiên, như nhiên.

Từ xưa đến nay, khắp Đông phương Tây phương, khắp tất cả các nước và các nền văn hóa, ở đâu người ta cũng coi trọng ngày sinh, xem đó là ngày ý nghĩa thiêng liêng cần phải ghi nhớ. Nếu sinh ra là điều vui mừng của cuộc đời, thì ngược lại nói đến chết người ta lại lo sợ. Chúng ta quán chiếu xem, tại sao lại sợ chết? Bởi vì chúng ta chỉ thích sống nên mới sợ chết.

Đó là tâm lý song đôi - cặp phạm trù luôn đi liền nhau trong cuộc sống này; cũng như hễ ghét ác thì thích thiện, ghét thiện thì ưa ác. Ham sống và sợ chết đã trở thành một ấn tượng sâu đậm trong tư tưởng con người, nên khi nói đến chết thì hầu như con người tránh né sợ hãi. Nhìn bằng tuệ giác, nếu sinh ra là mầu nhiệm, vi diệu thì chết cũng là một sự mầu nhiệm, vi diệu.

Chúng ta thấy vào mùa xuân, những chiếc lá non mơn mởn tràn đầy nhựa sống, sau đó chuyển dần sang màu xanh đậm, một thời gian sau lá vàng úa, cơn gió thoảng qua thì lá rụng khỏi cành, rồi những lá non khác tiếp tục đâm chồi nảy nở. Nếu không có lá vàng lìa cành thì làm sao có chỗ để lá non đâm chồi mới. Cũng vậy, nếu không có tử thì làm gì có tái sanh ở kiếp sau. Đạo Phật nói chết không phải là hết, không còn gì, mà chỉ là dừng một giai đoạn chuyển sang một giai đoạn mới để tiếp tục sự sống. Chết cũng giống như bỏ chiếc áo cũ thay chiếc áo mới, như vậy phải vui mới đúng!

Cuộc sống trường diễn liên tục không bao giờ dừng lại. Tất cả đều diễn tiến theo luật nhân quả một cách trung thực, công bằng, không bao giờ sai. Cũng như cán cân hai đầu, đầu nào nặng thì chúc xuống dưới, đầu nhẹ thì nhích lên. Nhân quả cũng vậy, diễn tiến theo hạnh nghiệp chúng sanh. Nếu kiếp này tạo những thiện nghiệp thì kiếp sau sanh ra với chánh báo, y báo tốt đẹp; ngược lại, nếu gây tạo nhiều ác nghiệp thì kiếp sau sinh ra trong hoàn cảnh đầy đau khổ, bấp bênh. Vì vậy, nếu chúng ta một đời tạo nghiệp thiện, sống đôn hậu hiền lành, biết tu tạo phước đức, tích lũy công đức thì khi cái chết đến mình vẫn vui, vì biết kiếp sau mình sẽ được sanh ra trong hoàn cảnh mới tốt hơn, hạnh phúc và sáng sủa hơn.

Những nghiệp thiện ác gây tạo trong đời này đều được lưu trữ đầy đủ trong A-lại-da thức, chính nó quyết định đời sống ở kiếp sau hạnh phúc hay đau khổ. Thiện ác, tội phước, tốt xấu xen lẫn mà từ đó số phận chúng sanh không ai giống ai. Do vậy, mình là người mở ra vận mạng ở kiếp sau, tương lai đều do chính mình quyết định chứ không có một bề trên nào quyết định cả. Là người Phật tử tỉnh táo, sáng suốt và hiểu đạo lý thì xem cái chết là một điều vi diệu, là một sự nhiệm mầu. Và nếu người nào tu tập đoạn trừ vô minh tăm tối trong lòng, thấy được đạo lý như thật, tỏ ngộ chân tâm bản tánh, đạt được Niết-bàn tịch tịnh, vượt qua sinh lão bệnh tử, thì được giác ngộ giải thoát tự tại ngay trong dòng đời.

Từ trí tuệ chân thật, các Ngài phát khởi tâm từ bi rộng lớn, thức tỉnh chúng sanh, giúp cho chúng sanh thấy rõ được lẽ thật, không còn sống say chết mộng. Phát đại nguyện ở trong sinh tử, hòa quang đồng trần, ở trong trần mà khuếch đại tự do, giáo hóa cứu độ chúng sanh đồng lên bờ giác. Từ lý vô thường duyên sinh, các Ngài triển khai lý “Như huyễn như mộng”.

Nghĩa là thân này chỉ là huyễn mộng, giống như sương đọng trên ngọn cỏ buổi sớm mai, khi mặt trời lên thì sương tan. Kiếp người như làn chớp giật, chợt hiện chợt mất. Đời người giống như một giấc mộng, trong mộng thấy đủ các cảnh người vật, nhưng khi thức thì mộng tan, chẳng còn gì. Thân người như vậy, tất cả các pháp cũng như vậy. Mà chính nơi huyễn mộng đó có cái chân thật thường hằng bất biến nên mới gọi là như huyễn, nghĩa là tuy huyễn mà vẫn thường như.

Khi Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo: “Đời người sống trong bao lâu?” Các vị Tỳ-kheo thay nhau trả lời: Đời người sống trong vài chục năm, vài năm… Đức Phật nói tất cả đều chưa thấy đạo. Cuối cùng, một Tỳ-kheo trả lời: “Đời người sống trong hơi thở”. Đức Phật nói như vậy mới thật là hiểu đạo. Rõ ràng hơi thở quyết định sự sống, dừng thở tức là chết. Mạng sống trong hơi thở, đó là sự thật. Thân này, mọi của cải tài sản, danh vọng đều treo lơ lửng trên hơi thở, vì khi chết rồi những thứ đó cũng không mang theo được.

Phật dạy đạo lý như thật để thức tỉnh chúng ta chứ không phải để bi quan, chán đời. Lúc nào cũng thấy đời người trong hơi thở mới là người tỉnh giác, là người đệ tử Phật. Đó là sự khai thị, là thông điệp khai mở tuệ giác giúp chúng ta thấy được lẽ thật, từ đó không mơ tưởng, vẽ vời về cuộc sống này nữa. Bằng tâm sáng suốt tỉnh táo, an nhiên tự tại mà sống trên cuộc đời này, cho đến giờ phút lâm chung chúng ta đủ can đảm theo dõi cái chết diễn tiến như thế nào, đó mới là người có thể làm chủ được sinh tử.

Thứ nữa, thân này nhờ vay mượn đất, nước, gió, lửa, không khí, ánh sáng mặt trời, v.v… để nuôi dưỡng mà tồn tại. Đã là thân vay mượn mà hễ bị ai nói mỉa mai, đụng chạm thì liền nổi giận, bởi vì chúng ta chấp thân này là mình quá sâu dày. Thân này do vay mượn mà có ra, rồi cho thân này là thân của mình. Nghe khen thì vui mừng hớn hở, bị chê thì sanh buồn phiền nhớ hoài không quên. Đó là những người vụng tu, còn mê muội, nội kết sâu đậm.

Còn người khéo tu hiểu được thân này không thật, cuộc đời giả tạm thì chỉ giận phút chốc, hoặc nhiều lắm là 1,2 ngày rồi quên như gió thoảng mây bay, họ không quan trọng lời khen tiếng chê. Cho nên giữa ba đào cuộc sống, giữa thăng trầm thịnh suy, tình đời ấm lạnh nhưng họ sống rất tỉnh táo sáng suốt, nhu nhuyến mềm mỏng, bao nhiêu cảnh cũng không tác động đến tâm, không làm tâm nổi lên kiết sử vô minh tăm tối, không bị trói buộc bởi tiền trần, đó là người có sức mạnh nội lực.

Xưa nay vào dịp Tết người ta thường chúc nhau một năm “vạn sự như ý”, nam nữ kết hôn thì chúc “trăm năm hạnh phúc”. Đó chẳng qua là những lời chúc cho êm tai đẹp lòng, cũng như vẽ rắn thêm chân. Thực tế thì trong cuộc đời này mấy ai lúc nào cũng được như ý muốn, mấy ai được hạnh phúc trăm năm. Mà nếu nói sự thật thì không hấp dẫn, khó nghe khó chấp nhận. Chúng ta nên nhớ thuốc đắng đã tật, tuy đắng nhưng được khỏi bệnh. Lời thật tuy trái tai nhưng phải ghi khắc vào lòng dạ, vì đó là sự thật không sơn phết, không ru ngủ.

Do không thấy được đạo lý như thật mà chúng sinh tạo nghiệp, thọ biết bao nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời, tham sân si lẫy lừng. Học đạo như thật rồi, có vay mượn thì phải có trả, trả một cách vui vẻ, hễ ai có chửi có mắng thì cũng buông xả cho nhanh, không có gì để giận. Biết được cuộc đời tạm bợ thì chúng ta thương nhau, không làm cho nhau đau khổ.

Chúng ta phải học Phật mới có cái nhìn đúng đắn về cuộc đời, mới có sự tỉnh giác. Do công huân tu tập hành trì, sức tỉnh tăng dần, cái thấy càng lúc càng sáng tỏ. Khi thấy ra rồi mới được tự tại, tự chủ, tự do, không còn mê muội, vực dậy giữa cuộc đời sanh diệt vô thường này, thấu rõ được lý như thật của các pháp. Như vậy, nhờ học đạo mà cái thấy của chúng ta không còn mê mờ, lầm chấp như trước đây.

Rõ ràng chúng ta thấy, đạo Phật không ru ngủ, không bưng bít, che đậy và không bao giờ nói sai sự thật. Cho nên đạo Phật là đạo như thật. Đạo Phật chuộng lẽ thật, nói thẳng lẽ thật, chúng ta học Phật tức là học lẽ thật. Thấy được lẽ thật thì hết si mê, mà hết si mê là bứng gốc khổ vì không còn tạo nghiệp. Thấy được lẽ thật thì sẽ thấy được chân lý.

Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn viên mãn, chúng ta là đệ tử Phật cũng phải nỗ lực tu tập để được giác ngộ như Ngài. Học đạo mà không có sự giác ngộ thì biết lấy gì để tu, không hiểu không biết đạo lý như thật thì làm sao tu. Giống như muốn đi tìm kho báu, hay muốn đến một nơi chốn bình yên an ổn mà nhắm mắt đi thì không thể tới nơi tới chốn được. Phải có bản đồ chỉ đường trong tay, có đôi mắt sáng và đôi chân khỏe thì mới có thể tới đích được. Một đời Đức Phật thuyết pháp độ sinh, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập, Ngài nói ra đạo lý chân thật đó là bản đồ chỉ đường cho chúng sanh. Khi nắm rõ pháp yếu, cương lĩnh trong đời sống tu tập nghĩa là đã biết được đường đi nước bước, lộ trình cần phải đi thì người đệ tử Phật bắt đầu cất bước lên đường.

Mong rằng chúng ta nắm vững, hiểu rõ cảnh giới này là vô thường duyên sinh giả tạm, cõi này là cõi tạm, mang thân này là thân giả tạm, mỗi người chỉ là diễn viên trên sân khấu cuộc đời. Hiểu như vậy, chúng ta nỗ lực tu tập, luôn làm lợi ích chúng sanh, không làm ai đau khổ phiền não. Sống lành lặn yên ổn, đem năng lượng tích cực dâng hiến cho cuộc đời. Sống tỉnh thức như vậy mới có thể đóng góp vào sự bình yên của những người xung quanh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày