Đất Thần kinh đón Tết về...

GNO - Đến tận những ngày cuối năm mà trời Huế vẫn cứ mưa và lạnh căm căm, mọi người ai ra đường cũng thu lu như những cái “thùng phuy” bởi độn cơ số là áo ấm. Đường phố, cây cối trơ cành mà một người bạn của chúng tôi vừa về từ Sài Gòn cũng phải thốt lên “chao ơi, cảnh buồn chi lạ”.

Trên dòng sông Hương từ đầu ngày cho đến cuối buổi chiều hôm lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo bao phủ bởi màn sương mờ pha mưa.

tethue1.jpg

Hoa đã ngập tràn bên kinh thành Huế

Cứ tưởng sẽ như nhận định của nhiều người “trời làm kiểu ni chắc Tết nay sẽ không có một cành hoa”. Nhưng nào ngờ, buổi sáng nay ra phố, dạo một vòng quanh từ Bến Ngự, về An Cựu, dọc ra nhà hát Lớn, qua chợ Đông Ba, ra khu Thương Bạc, đến Phu Văn Lâu tất cả những nơi công cộng tập trung đông người thì nơi nào cũng thấy hoa là hoa... mới hay ồ! Thì ra dẫu cho trời có mưa hay lạnh, lòng người vui hay buồn thì mùa Xuân của đất trời vẫn cứ về, Tết truyền thống của dân tộc vẫn cứ đến không âm thầm mà rộn ràng đấy chứ.

Hoa đua nhau khoe sắc nào cúc vàng nào nho tím, đây hoa mai, kia hồng đào... hàng trăm, hàng ngàn loài hoa đua nhau khoe sắc khoe hương đẹp và vui đến lạ lùng, đất trời xứ Huế đã khởi hội hoa xuân ngập tràn sắc xuân, ngập tràn sắc hoa...

Dẫu chưa là những ngày cao điểm, bởi cái cách của người Huế bao giờ cũng phải đợi đến những ngày giáp Tết (từ 27-30) mới ùa nhau đi mua hoa sắm Tết; nhưng buổi sáng 23 thôi, cái ngày ông Táo về trời cũng đã thấy đó đây nhiều người “đi xem hoa Tết” rồi.

Những câu cười, những lời chào thăm hỏi cũng râm rang như muốn xé toạt màn sương lạnh mang âm hưởng “mùa xuân phía trước miên trường phía sau”... Đây đó những lô hàng hoa vẫn có nhiều khách tới thăm và thi thoảng vẫn có một vài chiếc xe chở đầy những sắc xuân về nhà, người bán người mua cùng vui với mùa xuân ấm trong tiết trời giá lạnh.

tethue2.jpg

Người đi xem hoa

tethue4.jpg

Chư Tăng đi xem hoa

Hoa mai năm nay cũng có nhiều kiểu dáng, kích cỡ, giá cả vừa phải nên ai cũng có thể sắm về cho gia đình một chậu chơi Tết.

Với người Huế, dẫu chẳng giàu sang như người ta, dẫu đầu tắt mặt tối quanh năm cặm cụi làm ăn thì với Xuân, với Tết vẫn theo thói thường người dân xứ “Thần kinh” các mụ, các mệ vẫn “chẳng thong dong cũng ba ngày Tết”...

Việc chọn hoa chơi Tết của người cố đô cũng không phải theo cái kiểu “trọc phú làm sang” mà tính truyền thống được “níu giữ” như rêu phong kinh thành Huế. Một nhành mai “cốt cách” hay một chậu cúc nhuần nhị thì cũng là Xuân của xứ Huế, cũng là Tết theo kiểu “ông cha” ngày trước. Đừng quá khoe khoang mà chòm xóm bàn ra tán vào thì cả năm sẽ mất vui...

Việc chơi hoa đã trở thành một nét đẹp văn hóa người dân cố đô. Nên dẫu có mưa, có lạnh có người này người kia lo sợ “trời làm mưa giá rét buốt kiểu ni mần răng mà có hoa” thì rồi khi Xuân đến, Tết về người ta vẫn thấy hoa từ khắp nơi trên các nẻo đường, rồi thì khắp nơi nhà nhà cùng chưng hoa...

Bởi thế mà bạn bè khắp đó đây, hay người Huế đi khắp đây đó trong nước, ngoài nước đều nhớ về Tết Huế.

tethue5.JPG

Bên lề đường người bán hoa và người ngắm hoa cũng thấy vui vui

tethue6.JPG

Nhẹ nhàng hoa xuân xứ Huế

tethue7.JPG

Và trong đâu đó có nhiều người bắt đầu đi ngắm hoa

Tết Huế bắt đầu từ hoa, từ sắc trắng của hoa huệ tinh khôi đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, sắc vàng hoàng mai mạnh mẽ, duyên dáng trong lọ gốm giữa nhà, sự tươi vui với màu vàng bền bỉ của cúc vạn thọ hai bên bậu cửa… hay chỉ là nhánh cẩm chướng bên hè cũng đủ làm nên xuân.

Ngày mai, hay ngày kia, càng đến những ngày giáp Tết chắc chắn những chợ hoa, những hội hoa xuân sẽ vui hơn những dòng người sẽ đổ ra đường nhiều hơn, đông hơn, phố phường sẽ vui nhộn nhịp hơn nhưng những ai đã có dịp may xem hoa Tết sớm sẽ có một niềm vui thật lạ, niềm vui thầm với duyên thầm, hương thầm trinh nguyên của một mùa xuân Vạn Hạnh.

Trí Năng

Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày