“Đấu củng xuyên tâm” chìa khóa giải mã điện Kính Thiên

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1237 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1237 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phát hiện các loại đấu xuyên tâm tại di tích 18 Hoàng Diệu trong đợt khai quật 2002-2004 và trong đợt khai quật năm 2017-2018 tại phía đông điện Kính Thiên đã phát hiện bình áng đầu châu chấu, bình áng đầu chim và các cấu kiện gỗ liên quan đến kiến trúc đấu củng.

Đây là bằng chứng khảo cổ học xác thực minh chứng rằng, kiến trúc cung điện thời Lê Sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng.

Trên đây là khẳng định của PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành tại triển lãm “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên”. Triển lãm trưng bày tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp công nghệ trình chiếu mapping, media về thành tựu nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Tòa điện to lớn dài 44m, rộng 27m

PGS.TS Bùi Minh Trí

PGS.TS Bùi Minh Trí

Phát biểu khai mạc triển lãm vào chiều 29-11-2023, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, hơn 20 năm về trước (2002-2004), cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đưa lại nhiều phát hiện quan trọng về lịch sử tồn tại của Kinh đô Thăng Long. Phát hiện này đã tạo ra tiếng vang lớn trong dư luận và quốc tế. Hoàng thành Thăng Long sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

Khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, minh chứng thuyết phục về sự tồn tại của Kinh đô Thăng Long qua 13 thế kỷ (gồm cả thời kỳ thành Đại La từ thế kỷ VIII-X). Các dấu tích cung điện được các nhà khảo cổ xác định là kiến trúc gỗ, có quy mô to lớn, có bộ mái lợp ngói công phu, tráng lệ, không thua kém kiến trúc các cung điện cổ ở Đông Á. “Tuy nhiên, các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Thăng Long xưa đều không còn tồn tại trên mặt đất, tất cả chỉ còn là những vết tích và những mảnh vỡ bị chôn vùi dưới lòng đất. Lịch sử, diện mạo, quy mô, hình dáng kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Thăng Long xưa vẫn là điều bí ẩn của lịch sử”, ông Trí chia sẻ.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, điện Kính Thiên là công trình kiến trúc lớn nhất, quan trọng nhất trong Hoàng thành Thăng Long xưa. Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467; Triều Mạc (1527-1593) và triều Lê trung hưng (1593-1789). Điện Kính Thiên là nơi thiết triều, diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: Lễ Đăng cơ (Hoàng đế lên ngôi), lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình...

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học có nhiều phát hiện mới và giá trị, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong cấm thành Thăng Long...

Tay rui gỗ trên kiến trúc cung điện thời Lê sơ

Tay rui gỗ trên kiến trúc cung điện thời Lê sơ

Dựa trên các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã từng bước nghiên cứu giải mã hệ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, mặt bằng nền móng, và đã phục dựng 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long.

Điện Kính Thiên được giải mã bởi Viện Nghiên cứu Kinh thành là một tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng. Trên thềm điện có lan can bằng đá bao quanh kiến trúc gỗ.

Toàn bộ kiến trúc của điện Kính Thiên là kiến trúc gỗ được sơn son màu đỏ sặc sỡ, quy mô to lớn gồm 9 gian, chiều sâu của lòng điện có 6 gian. Tổng diện tích của điện Kính Thiên 1.188 mét vuông, chiều ngang có 10 hàng cột, chiều dọc 6 cột, như vậy tổng cộng công trình có 60 cột gỗ. Bộ khung mái thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bởi các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.

Thềm đá đầu rồng dẫn lên điện Kính Thiên
Thềm đá đầu rồng dẫn lên điện Kính Thiên

“Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,80m, gian hai bên rộng 4,2m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số gian chiều dài của điện Kính Thiên là 9 gian, số gian chiều rộng là 6 gian, dài 44m, rộng 27m”, PGS.TS Bùi Minh Trí nói.

Độc đáo “Đấu củng xuyên tâm” và ngói rồng

Trước đây, khi nghiên cứu về kiến trúc cổ ở miền Bắc nói chung, kiến trúc cung đình Đại Việt nói riêng, nhiều nhà nghiên cứu từng cho rằng kiến trúc trong hoàng thành không có đấu củng. Đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái xuất hiện rất phổ biến trong kiến trúc cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các đấu này, thường nằm ở vị trí dưới mái nhà, vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa tăng khả năng chịu lực, vừa đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình. Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu củng có thể chuyển trọng lượng lớn của mái vào các cột đỡ, giúp kiến trúc đứng vững, không bị rung chuyển khi gặp các trận động đất.

Ngói rồng thời Lê
Ngói rồng thời Lê

Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, đấu củng hay kiến trúc đấu củng không phổ biến, thậm chí còn xa lạ đối với hầu hết các nhà nghiên cứu khảo cổ học và kiến trúc của nước ta. Các kiến trúc gỗ truyền thống ở miền Bắc nước ta hiện còn phổ biến là các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng (đền, đình, chùa) đều có kiến trúc kiểu kẻ truyền, chồng rường hoặc chồng rường giá chiêng.

“Tuy nhiên trong số đó may mắn vẫn còn lại một số loại hình kiến trúc đấu củng, xuất hiện ở: Gác chuông chùa Keo (Vũ Thư - Thái Bình); đình Tây Đằng (Ba Vì – Hà Nội); điện Thánh chùa Bối Khê (Thanh Oai – Hà Nội). Cùng với đó, còn những tàn dư đấu củng ở chùa Kim Liên (Ba Đình – Hà Nội); chùa Đồng Ngọ (Thanh Hà – Hải Dương). Đây là những hình ảnh minh chứng xác thực rằng: Kiến trúc đấu củng là một loại hình kiến trúc từng tồn tại trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho hay.

Cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử tại 18 Hoàng Diệu, phía Tây điện Kính Thiên năm 2002-2004, đã tìm thấy các loại đấu xuyên tâm và loại bình áng đầu chim trong hệ đấu củng được sơn thếp màu đỏ. Các cuộc đào xung quanh điện Kính Thiên năm 2017-2018 cũng đã tìm được 70 cấu kiện gỗ của kiến trúc, bao gồm cột, xà góc, rui hiên, ván sàn, rường nóc trên bộ vì… nằm dưới đáy của một dòng chảy thời Lê. Đặc biệt trong số đó có nhiều loại “bình áng” nằm trong kết cấu của “bộ đấu củng”. Đó là bình áng đầu vân mây có 3 rãnh ngàm hoặc 5 rãnh ngàm; bình áng đầu châu chấu có 3 rãnh ngàm và bình áng đầu chim có 1 rãnh ngàm.

Khi nghiên cứu hình dáng, kích thước, kỹ thuật tạo rãnh ngàm của các bình áng, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã lắp ghép 3 loại bình áng thành một cụm đấu củng hoàn chỉnh.

“Điều này gợi ý rằng, khu vực hố khai quật đã tìm thấy những cấu kiện của một kiến trúc gỗ đương thời. Tư liệu tin cậy và xác thực này minh chứng chắc chắn rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng, đây là nhận định rất quan trọng, là chìa khóa cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên”, PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định.

Bình áng đầu vân mây trong kết cấu đấu củng thời Lê

Bình áng đầu vân mây trong kết cấu đấu củng thời Lê

Tại hố đào phía Đông điện Kính Thiên năm 2017-2018, đã tìm thấy xà góc, rui hiên và thượng lương. Đây là những cấu kiện gỗ liên quan đến kết cấu bộ khung đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng. Xà góc là loại cấu kiện đặt ở góc mái của công trình, có chức năng nâng độ cao của bờ dải và tạo đường cong cho góc mái. Rui hiên là loại cấu kiện dùng để đỡ mái ở phần hiên và tạo ra độ rộng (phần nhô ra) của mái hiên. Dựa vào đặc điểm sơn son ở đầu rui có thể suy đoán rằng, hàng rui hiên của kiến trúc thời Lê sơ để lộ ra ngoài, dưới mái ngói vẫn có thể nhìn thấy tay rui nhô ra như kiểu rui của kiến trúc cung điện cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Khai quật khảo cổ học tại phía Tây và phía Đông của điện Kính Thiên, phát hiện nhiều loại ngói lưu ly (ngói men) màu vàng và xanh lục bên cạnh ngói đất nung (màu đỏ) mang phong cách đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với ngói thời Lý – Trần trước đó. Ngói thời Lê sơ phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái hay ngói hiên là ngói câu đầu và ngói trích thủy giống như loại ngói lợp trên mái hiên ở cung điện cổ của Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Cùng với các loại ngói thân mái, ngói lợp bờ dải hay bờ nóc, khai quật khu di tích còn tìm thấy nhiều tượng rồng trang trí trên đầu bờ dải và đầu hồi góc mái. Chất lượng màu sắc và phong cách nghệ thuật của các tượng đầu rồng rất tương đồng với loại ngói lợp diềm mái, cho thấy chúng được chế tác theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, cung điện thời Lê sơ còn có một loại ngói rất đặc biệt, được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng: đầu, thân, đuôi. Loại ngói này không xuất hiện trên kiến trúc cung đình cổ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là loại ngói độc đáo nhất, khác biệt hẳn so với tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ châu Á thời bấy giờ, đem lại một sắc thái riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện nước ta thời Lê sơ.

“Việc giải mã được kiến trúc điện Kính Thiên có thể khẳng định là một bước tiến dài trong lịch sử nghiên cứu về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm khai quật, nghiên cứu khảo cổ học”, PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày