NSGN - Có phải ngày nay đã có nhiều người ăn chay? Vấn đề này chúng ta có thể đặt ra để nhìn lại chính mình, khi có rất nhiều nhà hàng chay và tiệm chay được mở ra ở khắp nơi, báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin nói về những người nổi tiếng cũng ăn chay, và có nhiều tiệc chay thịnh soạn được bày biện đãi đằng từ chùa chiền cho đến nhà dân…
Ăn cũng tu, tu trong khi ăn gọi là ăn chay - Ảnh minh họa
Có phải chăng chúng ta, những Phật tử thuần thành, đã và đang thực hành pháp ăn chay đúng nghĩa? Trong 10 đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền mà hàng Phật tử thường noi theo, nguyện thứ 8 là Học Phật tùy thời phát minh, thì những hiện tượng nhà hàng chay sang trọng, tiệc chay thịnh soạn, hoa hậu ăn chay, những món chay giả mặn… có phải là phát minh như pháp không?
Chay, là từ nói trại của trai trong tiếng Hán - Việt, có nghĩa là trong sạch, tinh khiết. Ăn chay là thực trai, là ăn trong sạch, được xác định là trong sạch về đạo đức, từ ý niệm đến hành vi và kết quả. Như lâu nay số đông Phật tử thường hiểu ăn chay là ăn thực vật, không ăn những loài có sanh mạng, thì quan niệm này chưa đủ nghĩa. Người dân quê ở miền Nam ngoài cách dùng từ ăn chay đôi khi còn gọi là ăn tương, ăn lạt. Cách dùng từ mộc mạc đó đã xác định hơn phạm vi của ăn chay, có phần đúng với tinh thần thanh và đạm của ăn chay:
Ăn đủ sống mỗi ngày đơn giản
Mễ, cốc đều có sẵn khắp nơi…
Ăn chay là sinh hoạt thường nhật ở các đạo tràng của Phật giáo. Từ xưa Đức Phật cũng đã dạy các Phật tử những cách thức ăn ở, tu tập, nhưng chỉ về sau mới có những bài viết về chuyên đề Ăn chay. Trong Phật học phổ thông, Hòa thượng Thiện Hoa đã thuyết minh về đề tài Ăn chay rằng đây là một pháp tu hành quan trọng. Trường trai bất sát, thường ăn chay không giết hại, cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng, tránh quả báo luân hồi, lại hợp vệ sinh, là những điều được nhấn mạnh trong Phật học phổ thông. Bài viết này đã được tiếp thu phổ biến, thể hiện những quan điểm ăn chay của hàng Phật tử.
Cũng viết về đề tài ăn chay, bộ Chơn lý của ngài Minh Đăng Quang nhấn mạnh về thiệt căn thanh tịnh (cái lưỡi trong sạch). Đạo lý thiệt căn thanh tịnh là đạo lý chính để tạo ra pháp tu ăn chay. Theo đạo lý này thì ăn chay chính là tu cái lưỡi, không để lưỡi tham đắm vị ngon, mê say theo vật chất, mải trầm luân trong tam giới. Đệ tử Phật ăn ngày một bữa chay lạt để tạm sống tu học chứ không có tâm lý hưởng thụ ăn uống. Chính nhờ giữ gìn miếng ăn có giới luật mà các nhà sư được phát định huệ, dễ dàng đạt quả yên vui. Nhờ thắng được miếng ăn mà người ta trở nên trượng phu quân tử, không bị sự oán thù vay trả, quả báo ác nghiệp phạt hành, và được tự chủ vậy.
Ăn cũng tu, tu trong khi ăn gọi là ăn chay. Lúc đó, mắt không ham bày biện cỗ món cao sang, tai không ham nghe “nhạc thiền” du dương trầm bổng hay những bài hát được “cúng dường” thêm, mũi không mê đắm mùi, lưỡi không vướng vị, thân giữ oai nghi chứ không ham hố ăn uống, và ý nhiếp vào pháp tu mình đang hành. Tuy giải bày 6 căn đều tu trong lúc ăn nhưng chủ yếu là tu cái lưỡi, mà chính yếu vẫn là tu ý, kẻ cầm đầu 6 căn, tên tướng cướp của băng đảng sáu tên đã lộng hành nhân loại từ xưa nay. Khi một căn tịnh thì 6 căn cũng tịnh, một căn thông thì 6 căn cũng thông.
Nói ăn chay là tu cái lưỡi là nói gọn trọng tâm cho dễ hiểu, dễ nhớ. Khi cái lưỡi không ham ăn nữa thì sẽ không còn bày biện cỗ món giả mặn. Ăn chay không phải là ăn kiêng. Ngày nay có một số hoa hậu được ca ngợi là người ăn chay, cũng có một số vận động viên nổi tiếng thế giới được khen ngợi, nhưng có lẽ quý vị ấy chỉ ăn kiêng thôi. Ăn kiêng là ăn kiêng cữ cho khỏe mạnh, đẹp hình thể, hoặc để trị bệnh… Như các cách ăn của Tiên sinh Ohsawa cũng là ăn kiêng để dưỡng thân chữa bệnh.
Vậy ăn kiêng là phần của ăn chay, chỉ ở khía cạnh cũng ăn thực vật, chứ mục đích và hành vi của ăn kiêng thì chưa chay. Ngược lại, những ai tuy ăn chay nhưng lo ăn món này món kia cho đủ chất, lo uống khổ qua rừng, bông sứ trắng để dưỡng thân, hoặc dùng “bia chay” cho tiêu thực… đều là từ ăn chay mà thành kết quả ăn kiêng cả.
Ăn chay noi dấu triết hiền
Tương dưa, rau muối, lòng thiền sạch trong.
Ăn chay để dạ trống không
Chẳng tham, chẳng độc, chẳng lòng ghét ganh…
Vậy ăn kiêng là phần của ăn chay, chỉ ở khía cạnh cũng ăn thực vật,
chứ mục đích và hành vi của ăn kiêng thì chưa chay - Ảnh minh họa
Ăn chay trước hết là phải có cơ sở đạo đức, nếu không thì chẳng khác gì động vật ăn cỏ. Đệ tử Phật ăn chay một là vì tu cái lưỡi, không để nó đưa mình vào chốn trần lao; hai là vì không muốn tạo nghiệp sát, dù trực tiếp hay gián tiếp; ba là lại vì tâm từ bi, không nỡ cướp đi sinh mạng của chúng sinh, biết rằng chúng sinh nào cũng tham sanh úy tử và cũng có thân quyến; và bốn là cũng vì tôn trọng tánh linh bình đẳng trong muôn loài vạn vật:
Tánh linh người vật cũng đồng
Tuy không biết nói mà lòng biết nghe!
Xét về văn hóa, khi nhân loại còn đắm mình trong sự tranh đua, giết chóc, trong các thú vui vật chất, thì việc ăn thịt, uống máu, cho đến việc tìm mọi cách để bồi bổ thân thể… sẽ được đa số mọi người chấp nhận. Nhưng một khi trình độ dân trí và tâm linh nâng cao, trong các xã hội tiến bộ hay trong các tổ chức tôn giáo, thì con người sẽ tìm cách làm trong sạch thân thể và tâm hồn của mình bằng những cách ăn uống đơn giản. Ngày nay, ăn chay không những chỉ được thực hành trong truyền thống Phật giáo mà còn được nhiều người trên thế giới áp dụng ở mức độ ăn kiêng.
Về mặt xã hội, theo tầm nhìn sâu xa của Phật giáo, thì ăn chay là một cách đóng góp hiệu quả cho nền hòa bình thế giới. Bài kệ sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu ra vấn đề này:
Hàng ngày giữa bát canh ăn
Oán sâu như biển, hận bằng non cao.
Muốn xem binh lửa thế nào
Hãy nghe quán thịt tiếng gào đêm thâu!
Chính quan điểm “vật dưỡng nhân” đã làm con người sống trái với lẽ công bằng của tạo hóa, lẽ bình đẳng của chúng sanh trong vũ trụ. Nhưng với những lối sống cao thượng và tế nhị của nhà Phật sẽ tạo ra một văn hóa ẩm thực tinh khiết, đơn giản và lành mạnh.