Đầu tư 100 tỷ đồng, vẫn không xuể với di tích xuống cấp

Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM đã lên tiếng về hiện trạng di tích tại TP.HCM bị xâm hại, xuống cấp sau loạt bài phản ánh của VietNamNet. Bà Vũ Kim Anh, phó Giám đốc sở đã có cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet.

Kế hoạch đã có, nhưng...

Đầu tư 100 tỷ đồng, vẫn không xuể với di tích xuống cấp ảnh 1

Bà Vũ Kim Anh

Những di tích như chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên, v.v... bị xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích mà VietNamNet đề cập trong loạt bài báo động về di tích ở TP.HCM bị xâm hại vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM đã có những biện pháp cụ thể nào để giải quyết?

- Việc tu bổ, tôn tạo chùa Phụng Sơn do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình Sở VHTTDL làm chủ đầu tư, thiết kế kỹ thuật đã được Bộ VHTTDL thẩm định. Việc đền bù giải tỏa do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 11 tiến hành hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng nhà phải di dời, giải tỏa trắng và giải tỏa một phần lên đến 119 căn. Ước dự toán cho công tác này gần 90 tỷ đồng, chưa kể phần tu bổ, tôn tạo di tích gần 30 tỷ nữa.

Đối với chùa Giác Viên, trong tháng Bảy này, Sở VHTTDL đã đề nghị Bộ VHTTDL xem xét được nhận nguồn kinh phí đầu tư phát triển của Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2006 - 2010 để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, ước khoảng 25 tỷ. Hiện các đơn vị chức năng thuộc UBND Quận 11 đang đề xuất mở rộng phạm vi khu vực bảo vệ I và điều chỉnh khu vực bảo vệ II của di tích, chuẩn bị trình UBND TP.HCM và Bộ VHTTDL xem xét.

Sở cũng đang tiến hành khảo sát toàn bộ di tích trên địa bàn và dự kiến trình UBND TP.HCM vào quý 3 năm nay.

Chúng tôi cũng đề cập việc áp dụng sai phương pháp trùng tu ở chùa Giác Lâm nói riêng cũng như nhiều di tích nói chung đã làm mất đi tính nguyên bản, giá trị lịch sử của di tích...

- Công tác tu bổ di tích phải theo Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Bộ VHTTDL và thẩm định của cơ quan chức năng. Việc tự ý tôn tạo di tích khi chưa có sự hỗ trợ của đơn vị chuyên môn và thẩm định của cơ quan quản lý là không chấp nhận được. Riêng việc xây dựng công trình giảng đường mới tại chùa Giác Lâm là do nhu cầu về hoạt động của cơ sở tôn giáo, đã thực hiện theo thủ tục cấp phép xây dựng công trình.

Tổ chức, cá nhân muốn tham gia tu bổ, tôn tạo di tích ngoài những điều kiện theo quy chế, còn phải qua lớp bồi dưỡng kiến thức về bảo quản, tu bổ và phục hồi do Cục Di sản văn hóa tổ chức. Hiện nay lực lượng đủ điều kiện tham gia công việc này rất ít và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mặt khác, đơn giá áp dụng trong việc lập tổng dự toán chưa phù hợp thực tế. Đã có trường hợp tổ chức đấu thầu thi công tu bổ di tích, nhưng không có đơn vị nào tham gia, hoặc phải tổ chức đấu thầu nhiều lần. Như lăng Lê Văn Duyệt, lăng Võ Tánh, chủ đầu tư đã ba lần mở thầu nhưng không có ai tham gia, nên phải xin phép thành phố cho chỉ định thầu. 

Đầu tư 100 tỷ đồng, vẫn không xuể với di tích xuống cấp ảnh 2

Nhà dân thọc sâu vào khuôn viên chùa Giác Lâm. Ảnh: Lê Tám

Hiện có nhiều dự án xây dựng đô thị mới ảnh hưởng rất nhiều đến di tích trên địa bàn TP.HCM, như khu nhà cổ ở Quận 9 mà VietNamNet đã phản ánh, đình An Phú ở Quận 2... Ai chịu trách nhiệm trong vấn đề này, thưa bà?

Các sở ngành liên quan cũng rất quan tâm việc kết hợp giữa quy hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di tích với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, đã góp nhiều ý kiến đối với các công trình ở khu vực tiếp giáp di tích, đề nghị lên Bộ VHTTDL thẩm định nên việc xâm hại, lấn chiếm, tu bổ sai đã được hạn chế. 

Từ năm 2007 đến 6 tháng đầu năm 2009, TP.HCM có 13 di tích và một số dự án được tu bổ, tôn tạo hoặc đang trình các ngành chức năng thông qua, với tổng mức đầu tư 108,9687 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 90,894 tỷ đồng (gồm ngân sách thành phố 88,602 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 2,292 tỷ đồng) và nguồn vốn xã hội hóa 18,0747 tỷ đồng.

Không thiếu tiền, chỉ thiếu năng lực

Từ năm 2007 đến tháng 6 năm nay, TP.HCM đã thông qua hơn 100 tỷ đồng để đầu tư trùng tu di tích. Nhưng người ta lại nhớ về những di tích bị xâm hại, xuống cấp hơn là chi phí trùng tu ấn tượng này?

- Sở VHTTDL thường xuyên nắm thông tin về tình hình kiểm tra, rà soát việc cư ngụ không hợp pháp tại di tích hoặc xây dựng công trình không hợp pháp trong khu vực bảo vệ di tích. Việc xem xét di tích có các hộ dân cư ngụ hoặc đã xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích là vấn đề không đơn giản. 

Không thể đánh giá chung chung rằng di tích bị xâm hại, lấn chiếm, bởi ở một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trước khi được xếp hạng di tích, cho người dân cư ngụ tại di tích là việc làm bình thường (như các ban quý tế đình bố trí đất đình cho ông từ và gia đình họ ở, trụ trì chùa cho thân nhân vào ở, hoặc việc cho thuê đất của đình, chùa...). Mặt khác, vấn đề quản lý đất có di tích bị ảnh hưởng và biến động nhiều qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Thưa bà, thực trạng xâm hại di tích bị kêu ca thường xuyên nhưng đâu lại vào đấy. Vì thiếu biện pháp quản lý, thiếu tiền, hay vì thiếu cái tâm với di sản của cha ông?

- Đa số di tích bị xâm hại có hộ dân ở trong đó, được lập hồ sơ xếp hạng trước khi có Luật Di sản (2001), hoặc ban quản lý tự ý cho dân ở, do địa phương quản lý lỏng lẻo. Còn di tích bị xuống cấp đa phần là di tích kiến trúc nghệ thuật (đình, chùa) có tuổi thọ hàng trăm năm với vật liệu gỗ, lại bị tác động bởi thiên nhiên, thời tiết. Thêm nữa, do chủ nhân của di tích thiếu sự quan tâm kịp thời trong việc sửa chữa nhỏ, nhất là việc chống dột, từ chỗ dột nhỏ, các kết cấu gỗ sẽ mục, dẫn đến hư hại cả di tích.

Đầu tư 100 tỷ đồng, vẫn không xuể với di tích xuống cấp ảnh 3

Nhếch nhác bên trong một cụm nhà của chùa Giác Viên.

Ảnh: Lê Tám

Theo Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ VHTT thì các di tích quốc gia được hỗ trợ bằng các nguồn vốn khác nhau như ngân sách, khai thác di tích, huy động nhân dân, các tổ chức đóng góp, viện trợ nước ngoài, để chống xuống cấp và tôn tạo. Như vậy, các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc trực tiếp quản lý di tích cần chủ động trong việc đầu tư tu bổ. Nhiều di tích đã làm việc này rất hiệu quả, như các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Quận 5, Bến Dược, Bến Đình (khu địa đạo Củ Chi)..., song vẫn còn nhiều di tích không làm được.

Nắm 54 di tích cấp quốc gia và 70 di tích cấp thành phố trên địa bàn có quá tầm năng lực quản lý của Sở VHTTDL TP.HCM không, thưa bà?

- Như tôi đã nói, chủ sở hữu hoặc trực tiếp quản lý di tích đóng vai trò chủ động, rất quan trọng trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc điều hành, quản lý di tích thuộc sở hữu cộng đồng (chủ yếu là đình, miếu) phải do cộng đồng cử ra ban quý tế, ban quản trị cùng sự tham gia của người dân. Ở những di tích này, rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước các cấp không thể làm thay, gánh vác trách nhiệm điều hành.

Trong tháng Bảy này, Sở VHTTDL đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét việc quyết định giao trách nhiệm trực tiếp quản lý di tích. Đối với các di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, sở đã đề nghị các phòng VHTT đề xuất UBND quận, huyện công nhận, tạo cơ sở pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý di tích.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày