GNO - Như Giác Ngộ online đã đưa tin, sau lễ khai mạc Hội thảo khoa học, chủ đề “Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và truyền thống Bến Tre”, vào sáng 19-10, các nhà nghiên cứu bắt đầu trình bày tham luận từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 - nghỉ trưa - chiều lúc 13 giờ 30 đến 15 giờ 45 hoàn mãn.
Theo đó, BTC đã chia ra 3 chủ đề tham luận tại 3 Hội trường khác nhau. Tổng cộng có 50 bài của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Một chủ đề được thảo luận trong hội thảo
Cụ thể, chủ đề 1: Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam có 26 bài; chủ đề 2: Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, 8 bài; chủ đề 3: Truyền thống lịch sử, văn hóa và Phật giáo ở Bến Tre có 16 bài.
Trong các bài tham luận được các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và chư tôn đức trình bày, nội dung chuyên sâu vào cuộc đời hoằng pháp của Tổ Khánh Hòa. Đặc biệt, nhấn mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo ở giai đoạn này mà Tổ Khánh Hòa là người khởi xướng.
TS.Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Phong trào chấn hưng Phật giáo có một vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Sự xuất hiện và phát triển của phong trào này cùng với sự đổi mới nghiên cứu, lý giải kinh điển và giáo lý của Phật giáo; đổi mới nội dung, hình thức và quy mô đào tạo Tăng tài; đổi mới tổ chức và cơ chế vận hành của Giáo hội… đã có ảnh hưởng lớn và để lại dấu ấn rõ nét trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam”.
Chủ tọa một phiên thảo luận
Với góc nhìn của PGS.TS Trần Hồng Liên thì Tổ Khánh Hòa có thái độ ôn hòa, tránh tranh luận, tránh bút chiến và đã sáng lập tạp chí Từ Bi Âm. Trên thực tế đó, cuộc đời của Tổ gặp không ít gian truân khi phong trào chấn hưng chỉ mới manh nha, vận động thống nhất còn nhiều trở ngại nhất là về tài chính.
TS Liên cho biết, trong cuộc đời và sự nghiệp chấn hưng, cũng có những đại thí chủ đã âm thầm giúp Tổ hoàn thành sự nghiệp.
ĐĐ.Thích Xương Tâm nêu rõ: "Bà Lê Thị Nghĩa (bà Ba Ngởi) đã hỷ cúng 300$00, để Tổ góp phần làm thư xã". Ngoài ra, bà còn là người ngoại hộ cho Tổ xiển dương Phật pháp bằng hình thức xây dựng và cúng đất cho các chùa tại tỉnh Bến Tre khoảng 300 mẫu.
Sau khi chủ tọa đoàn đúc kết các bài tham luận, Ban Tổ chức làm lễ bế mạc.
HT.Thích Nhựt Tấn tặng bằng tuyên dương công đức
cho HT.Thích Huệ Xướng - đơn vị tài trợ cho Hội thảo
Tham dự và chứng minh có HT.Thích Tấn Đạt, UVTT HĐTS, Phó văn phòng II T.Ư; HT.Thích Nhựt Tấn, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre cùng chư tôn đức trong thường trực Ban Trị sự, các nhà nghiên cứu, học giả; ông Dương Phú Hưng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; ông Đào Văn Tựu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh.
HT.Thích Nhựt Tấn phát biểu bế mạc, nhận định và đề xuất: "Cuộc đời và sự nghiệp của Tổ là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ, không những là người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, mà Tổ còn là một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu lý luận thực tiễn cách mạng đương đại. Chính vì vậy chúng tôi thay mặt Ban Tổ chức, Ban Chủ tọa xin đề nghị các ban ngành hữu quan - lãnh đạo của tỉnh cho phép được đặt tên đường mang tên Tổ Khánh Hòa để nhân dân và Phật tử tỉnh nhà luôn nhớ đến một con người luôn cống hiến vì đạo pháp và dân tộc trong thập niên 30 của thế kỷ trước".
Chư Ni và đại biểu tham dự
Chụp hình lưu niệm sau khi bế mạc hội thảo