Đề xuất phương thức “Tăng Ni trẻ tình nguyện”

Giác Ngô - LTS. Nhiều năm qua, các Học viện Phật giáo Việt Nam đã đào tạo gần 5.000 cử nhân Phật học, hiện có hơn 2.000 Tăng Ni sinh đang theo học tại các Học viện, đó là chưa kể đến hàng ngàn Tăng Ni trẻ đã và đang theo học tại các lớp cao đẳng, các trường trung cấp Phật học ở nhiều tỉnh thành. Chúng ta cũng đã có hơn hàng trăm Tăng Ni du học, hơn 100 Tăng Ni đã tốt nghiệp tiến sĩ. 

Số lượng đó cho thấy nguồn nhân lực trẻ của Giáo hội thật dồi dào. Nhưng thực tế thì sao? Họ đang làm gì và ở đâu? Cần một điều tra xã hội học mới có thể trả lời được câu hỏi này. Và điều đó hiện nay chưa thấy. Nhân GHPGVN tròn 30 tuổi, GN giới thiệu một trong nhiều ý kiến gởi về tòa soạn, với mong muốn Giáo hội phát triển đáp ứng nhu cầu khát ngưỡng Phật pháp của người dân ở những vùng sâu, vùng cao của đất nước.

wwDSC_0088.jpg

Ước mong sau khi học xong, quý Tăng Ni trẻ sẽ dấn thân phụng sự đạo pháp, chúng sinh - Ảnh minh họa

***

Hiện nay, tại một số tỉnh, vẫn còn tình trạng chưa thiết lập được cơ sở tỉnh hội.

Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được Ban Trị sự PG tỉnh Nghệ An. Đó là điều thật đáng mừng. Nhưng nhìn về các tỉnh còn lại mới đáng lo.

Nghệ An, dù sao cũng là một tỉnh về cơ bản là đồng bằng, có thành phố Vinh, nằm trên tuyến Quốc lộ 1  Bắc - Nam, giao thông thuận tiện (có cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không). Đặc biệt Nghệ An cũng là vùng đất Phật giáo truyền thống lâu đời, chùa chiền tuy bị tàn phá nhiều trong chiến tranh, nhưng tín tâm trong lòng người Phật tử vẫn còn.

Với thuận lợi cơ bản như vậy, giải quyết vấn đề thành lập cơ sở tỉnh hội Phật giáo tại Nghệ An không phải là điều quá khó khăn. Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương có thể dễ dàng lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo tại địa phương, khi cần hiện diện tại Nghệ An để giải quyết Phật sự thì chỉ cần trên dưới một giờ bay vào từ Hà Nội.

Thế nhưng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải mất một chặng đường gần 30 năm cho mục tiêu trên đối với Nghệ An.

Còn đối với các tỉnh vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, biên giới nếu với cùng cách thức như vậy, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta khó nhanh chóng thiết lập được cơ sở cấp tỉnh.

Đường sá xa xôi, khó khăn sẽ là gánh nặng đối với chư tôn đức, nếu áp dụng phương thức kiêm nhiệm.

Nhưng với 30 năm lịch sử, Giáo hội không thể tiếp tục chấp nhận việc các cơ sở Phật giáo cấp tỉnh của Giáo hội chưa hoàn toàn đạt mức đơn vị hành chính cấp tỉnh của quốc gia.

Trong khi đó, trọng tâm Phật sự Giáo hội hiện nay, trong tình hình mới, đang hướng đến mục tiêu hoằng pháp cho vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người, góp phần vào mục tiêu chung của đất nước là ổn định xã hội.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, chúng tôi xin đề xuất phương án như sau, tạm gọi là phương án “Tăng Ni trẻ tình nguyện”.

Mục tiêu các phương án này là thiết lập ngay cơ sở tỉnh hội tại những tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới bằng lực lượng Tăng Ni trẻ tình nguyện. Các tỉnh hội thành lập theo phương án này gọi là các “Tỉnh hội Lâm thời”.

Nhân sự được tuyển từ lời kêu gọi tình nguyện của Tăng Ni trẻ, mới tốt nghiệp các Học viện Phật giáo và các khóa đào tạo giảng sư, trường trung cấp Phật học. Tùy trình độ, kết quả học tập nhận xét của Ban Giám hiệu nhà trường, Trung ương Giáo hội bổ nhiệm chỉ định các Tăng Ni sinh vừa tốt nghiệp vào các chức vụ của Ban Trị sự Lâm thời các tỉnh liên hệ.

Sau bước 1 là bước hình thành khung nhân sự như trên, Ban Trị sự Lâm thời các tỉnh hội xúc tiến việc xây chùa tỉnh hội, theo hướng các công trình phụ làm trước, đưa vào sử dụng ngay. Chánh điện được xây dựng tạm thời, sẽ tôn tạo vĩnh cửu, quy mô khi có điều kiện.

Từ khung nhân sự và cơ sở vật chất đã có, nhanh chóng xúc tiến hoạt động hoằng pháp, sớm gia tăng số Phật tử và tạo thuận lợi cho thanh niên tại địa phương xuất gia gửi đi đào tạo ở các trường Phật học.

Sau nhiệm kỳ lâm thời, nếu việc hoằng pháp và tổ chức Giáo hội đi vào nề nếp, thì mới xúc tiến công nhận Ban Trị sự chính thức.

Như vậy, thay vì để trống không có tổ chức tỉnh hội, thì tốt hơn là thành lập một cơ chế tổ chức lâm thời. Qua hoạt động của Ban Trị sự Lâm thời, Giáo hội sẽ sàng lọc Tăng tài, làm nhân sự khung cho Ban Trị sự chính thức.

Việc kêu gọi Tăng Ni sinh tình nguyện vẫn được duy trì và tiếp tục bổ nhiệm chỉ định vào các chức vụ thấp hơn, tạo môi trường thử thách.

Hết nhiệm kỳ chính thức đầu tiên, số Tăng Ni sinh tình nguyện đợt đầu tiên có thể được rút về các tỉnh đồng bằng, các thành phố, và có chế độ đãi ngộ thích đáng về mặt chức vụ, bổ nhiệm trụ trì...

Thực chất của phương án này là phương án cán bộ trẻ tình nguyện mà chính quyền đã vận dụng khá thành công.

Nguồn cán bộ trẻ tình nguyện sau 10 năm sẽ là nguồn nhân lực quý giá, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo ở các địa phương và trung ương, theo nguyên tắc luân chuyển cán bộ.

Việc đầu tư xây chùa ở những tỉnh vùng cao, hẻo lánh, cần được quan tâm, cấp kinh phí và vận động kinh phí  từ nhiều nguồn, sao cho có nhân sự lâm thời là có chùa.

Giáo hội Trung ương phân công vị trưởng ban hoặc phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh lân cận, đã có tổ chức Giáo hội từ trước, theo dõi, giám sát, báo cáo hoạt động của các Ban Trị sự Lâm thời ở tỉnh mới thành lập tổ chức Giáo hội.

Vì là những cơ cấu lâm thời, nên Giáo hội Trung ương có thể dễ dàng thay đổi việc bổ nhiệm chỉ định khi có vấn đề phát sinh. Điều này, khiến Trung ương Giáo hội không bị động, kịp thời điều chỉnh, giải quyết mọi vấn đề, kể cả chỉ định Ban Trị sự Lâm thời mới nếu cần.

Việc thực hiện có thể thực hiện ngay ở một vài tỉnh. Sau chỉ 1 năm nếu thành công thì triển khai đều khắp ở các tỉnh còn lại, hướng đến chỉ tiêu trong 2 – 3 năm thiết lập cơ sở Giáo hội cấp tỉnh ở tất cả các tỉnh thành, trong đó có một số tỉnh chỉ có Ban Trị sự Lâm thời.

Nếu không có phương thức động viên Tăng Ni trẻ, tình nguyện công tác xây dựng tổ chức Giáo hội, hoằng pháp ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cũng như có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với những vị Tăng Ni đã hy sinh tuổi trẻ, tình nguyện làm Phật sự ở nơi khó khăn, Giáo hội chúng ta khó có thể giải bài toán hóc búa là hóa độ, hoằng pháp ở những tỉnh xa xôi, giao thông cách trở, ngăn cách với các thành phố lớn, có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống.

Phương thức đề xuất như trên có lợi nhiều mặt:

Đưa được Tăng Ni trẻ về các trọng điểm hoằng pháp, xây dựng tổ chức Giáo hội, giải quyết tình trạng khiếm khuyết Giáo hội cấp tỉnh ở một số địa phương.

Tạo môi trường để những Tăng Ni trẻ, nhiệt huyết cống hiến, sớm giữ vai trò lãnh đạo, phát triển tài năng.

Sàng lọc, phát hiện Tăng tài, xây dựng lực lượng nhân sự dự trữ và kế cận cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày