GNO - Tôi nói với các bạn rằng, giờ phút này chúng ta ngồi bên nhau, lắng nghe chuông giữa ánh nến lung linh, được cùng nhau uống trà như thế này là có duyên với nhau nhiều đời, nhiều kiếp. Là một duyên lành, vì ngồi trong tình huynh đệ, cùng lắng nghe hơi thở vào, ra, và lắng nghe nhau trong tâm trạng hoan hỷ, sẵn lòng ôm ấp, sẻ chia với người kia những nỗi niềm, khúc mắc, bằng sự chơn thành từ đáy tim...
Ngồi cùng nhau - Ảnh: L.Đ.L
Giữa những ngày mưa bão miền Trung, theo lời "kiền thỉnh" của tôi, bạn - người từ Hải Phòng, người ở Mỹ Tho xa xôi, hẹn hò nhau ở Đà Nẵng để cùng hai bạn từ Quảng Nam chạy xe máy trong cơn mưa tầm tả chiều qua, có mặt ở thất nhỏ khi bữa trưa vừa qua, cái lạnh đủ làm run người nhưng tình bạn đủ để khi gặp nhau ai cũng cười chào hoan hỷ, quên hết cái lạnh vì ướt nhem.
Đêm trước Trung thu, đại chúng cùng đối trước Tam bảo, lạy xuống những cái lạy bình yên, năm vóc sát đất với lòng thành sám hối tam nghiệp (thân-khẩu-ý) trong chiều sâu gây tạo từ quá khứ đến hiện tại, và đồng nguyện đi trên con đường giác ngộ, nguyện sinh nơi nào cũng được gặp Phật pháp, đồng học, đồng tu, đồng trọn thành Phật đạo...
Lời nguyện là phương hướng để đi và nhắc nhớ mình trong ý nghĩa quên nhớ, nhớ quên giữa những kiếp luân hồi sanh tử. Nếu bây giờ tin sâu, hành thiết, nguyện chuyên... thì đường hướng tương lai sẽ trọn lành, dễ nhớ khi gặp lại Đức Từ Phụ, hoặc bừng ngộ khi có duyên lành nghe lời kinh kệ, tiếng niệm Nam mô Tây Phương Giáo Chủ... Chính vì thế, cùng nhau trong đạo tràng, cùng phát nguyện điều đó thì đúng là một duyên lành, trong ý nghĩa kết duyên tu tiếp, đâu phải dễ dầu gì có được?
Trung thu mà bão ầm ào, gió thổi, mưa to, mấy bạn lần đầu về Nông Sơn (Quảng Nam), thấy học trò vượt đường xa, còng lưng đạp xe trong làn mưa như hốt cát vãi vô mặt - chia sẻ với tôi: "Tội mấy đứa nhỏ quá, thương mấy đứa ghê...". Những tấm tắc đầy từ bi ấy đã tưới tẩm trong các bạn sự thổn thức về những phận đời để rồi có lúc nào đó, bạn sẽ hành động, sẽ xắn tay, góp sức cho những trẻ quê nghèo, tùy duyên, không phải chỉ ở đất-người nơi đây. Cũng có bạn hoài nhớ những tháng năm học trò cũng đi học trên những con đường bùn cao tới ống quyển, chân bám vào đất đi mà lấm lem màu đỏ - màu của đất sét lọt kẽ chân văng lên gần tới ngực.
Thời nào và ở đâu cũng có những đứa trẻ nghèo, vượt khó tới trường. Cái khổ mỗi thời mỗi khác, nhưng sẽ tịnh tiến theo chiều phát triển để rồi khoảng cách giàu-nghèo, sướng-khổ mãi tịnh tiến, thậm chí càng xa ra, để giao thời mình gặp lại và thấy tuổi thơ vẹn nguyên trong hình ảnh của các em trong một ngày mưa tới lớp.
Ngồi uống trà cùng nhau, nghe chuông và thì thầm để tâm nguyện cầu cho bão tan, để người chống bão nhẹ lòng, để các em bình yên đón mùa Trung thu, cái Tết dành cho mình trong niềm hoan hỷ. Cũng là một sự thực tập, một giây phút lắng lòng khi trì niệm Đại Bi chú, tưởng nhớ Bồ-tát Lắng Nghe, những mong tai ương, họa hoạn từ to hóa nhỏ, từ nhỏ hóa không như cách mà người xưa vẫn thường trì niệm, nguyện cầu ân cần, bằng lòng tin vô đối.
Hữu cầu tất ứng. Và tất nhiên, với những nguyện cầu bằng an cho người, cho đời, cho chúng sinh vạn loại, trong đó có cõi người, đồng bào thân thương thì sẽ là nước cam lồ, tưới vào tâm mình để những hạt giống từ bi nẩy mầm, ươm hạt giống tốt ở trong tâm...
Những câu chuyện đạo, chuyện đời, một vài khó khăn, ách tắc, cũng như nhơn duyên tới chùa học Phật, nghe pháp, cùng sinh hoạt trong Miền Yêu Thương được mở ra, chia sẻ để rồi gút lại với nhau về hai chữ nghiệp duyên, nhân quả, hay dặn nhau và dặn lòng phải nhớ hỷ hoan thương yêu, chấp nhận, quán niệm không ngừng lời Phật dạy, thống nhứt với nhau rằng, nghịch cảnh, khổ đau như một bức thông điệp nhắc mình nhớ vô thường, nhớ tu tập để vượt lên, vững chãi... - cứ thế, cứ nối dài ra và đọng trong lòng mỗi người vài điều thiệt dễ thương!