Đến chùa điều trị cô đơn

GN - Sau những tháng ngày vật vã với nỗi cô đơn, tưởng chừng như đã “chết ngắt” trong trạng thái đó, nhiều bạn trẻ đã tìm được hướng đi: đến cửa thiền chuyển hóa ách tắc trong lòng…

>> Bài 1: Đối mặt với sự cô đơn

Từ mê tới ngộ

Bạn Thái Sinh (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Nỗi cô đơn của mình đến khi mình quy chụp “không ai hiểu mình”. Càng như thế mình càng co cụm vào góc tối của riêng mình. Mở mắt ra, mình làm việc, học tập y như cái máy, sống trong lo lắng và vô cảm. Cho đến một ngày được một người bạn tặng cho cuốn sách “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm, mình đã đọc từng bài, nghiền ngẫm và thấy có mình trong từng bài viết…”.

Ảnh bai Den chua tri co don.jpg

Ngày càng có nhiều bạn trẻ đi chùa, học Phật
tìm bằng an và giải quyết những vấn đề thời đại - Ảnh minh họa

Sau khi chiêm nghiệm, rồi dần bước ra “ánh sáng”, Thái Sinh cho biết: “Bây giờ, mình hiểu, buồn vui, được mất, khổ đau hay hạnh phúc đều do mình tạo cả, từ suy nghĩ, cách sống hàng ngày chứ chẳng phải tại ông trời hay tại ai cả. Đồng thời, mình phải chủ động mở lòng ra, chia sẻ với người khác, lắng nghe người khác thì họ mới có cơ hội hiểu mình, và mình cũng sẽ hiểu họ để làm điểm tựa cho nhau chứ không còn trách móc sao không ai hiểu mình nữa”.

Còn bạn Thy Dung, nhân viên văn phòng của một công ty tại Hà Nội thì cho biết: “Sau mối tình đầu nhiều mộng mơ, hy vọng… bị đổ vỡ, tôi đã rơi vào một khoảng trống cô đơn, mất hết niềm tin nơi con người. Càng không dám mở lòng thương yêu ai vì sợ khổ đau. Nhưng, may mắn là giai đoạn đó qua mau vì tôi được một bạn gái chung khu trọ rủ đi chùa, học giáo lý, tụng kinh, ngồi thiền… nên tâm mình dần định tĩnh và sáng suốt hẳn ra”.

Bạn bộc bạch tiếp: “Khi học Phật, mình hiểu nhân quả, hiểu được duyên nghiệp của mỗi người trong tương quan của cuộc sống nên thấy hợp-tan là chuyện bình thường. Hiểu được, có lúc mình cũng đã gieo nhân chia lìa nên giờ không đi trọn con đường với người thương cũng là bình thường. Thế nên, tôi đã bình tâm và nguyện sống hết lòng với hiện tại, cái gì tới thì mình đón nhận, chấp nhận, và chuyển hóa dần dần. Với tâm thế đó, tôi như bước ra khỏi góc tối của mình…”.

Học, hành và chuyển hóa

Chỉ một thời gian ngắn tới chùa, Tuấn Tú (SV Trường ĐH Văn Lang) đã nhặt được nhiều bài học vô giá. Bạn kể: “Hồi xưa, hễ ai làm phật ý mình tôi đều buồn giận, hay không đạt được một điều gì đó tôi luôn tỏ ra chán nản, trách móc cuộc sống không cho mình may mắn như người khác. Nhưng, nhờ học Phật, nghe quý thầy giảng giải về nhân quả, “nhất thiết duy tâm tạo” - mọi biểu hiện của đẹp/xấu, thành công/thất bại… đều do ý-khẩu-thân mình tác tạo nên không được chối bỏ những biểu hiện đó, mà hãy nhận diện và chuyển hóa bằng cách “làm lành, lánh dữ”, đồng thời phát nguyện sám hối nhân xấu đã tạo…”.

Tú cho biết, trong đạo tràng mà bạn đang tu tập, ai cũng trang bị hiểu biết như vậy, sống như vậy nên ai cũng an lạc, cũng hiểu nhau, tôn trọng nhau, thương nhau và thương Phật. Vì thế, đối với mỗi người đều thấy có bạn đồng hành - đồng tu với mình, không còn cảm thấy lẻ loi, cũng không thấy mình cô đơn đương đầu với mọi thứ. Tú nói: “Năng lượng tập thể của đại chúng, năng lượng hiểu và thương giúp mình nhiều lắm”.

Hay, Nguyễn Thị Thanh Tâm, quê ở Tiền Giang, đang làm kế toán cho một công ty thì nhìn sâu và thấy rằng: “Học và hành lời Phật dạy, mình cảm nhận trong thế giới mênh mông đó luôn có những người đồng tu làm những việc giống mình, chia sẻ và nghĩ những điều giống mình. Nghĩa là mình và họ cùng đi trên con đường, dẫu không gặp nhau bằng hình tướng nhưng biết chắc có ai đó hiểu mình nên tự dưng thấy vui lắm. Đó là bởi mình cảm nhận được ngôi chùa tâm linh mình và bạn đồng tu khắp nơi cùng nương náu nên không còn lo sợ nữa…”.

An Lạc

Trao đổi với PV Giác Ngộ về đề tài người trẻ cô đơn, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hiên cho biết:

Anh chuyen gia tam ly Thu Hien.jpg
Chuyên gia tâm lý Thu Hiên

Trong cuộc đời có lúc ta cảm thấy cô đơn, do thay đổi môi trường sống: như xa nhà, xa người thân, do gặp một số khó khăn trong công việc học tập, hay khi tình cảm lứa đôi tan vỡ…

Khi rơi vào tình trạng này, bạn trẻ nên tìm mọi cách để thoát khỏi sự cô đơn này.

Trước hết bạn trẻ không nên than vãn, không ngồi một mình suy tư, mà hãy sử dụng thời gian vào những công việc có ích, như gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, sinh hoạt câu lạc bộ… làm những công việc mình thích như đến thư viện đọc sách, chơi thể thao, tham gia đội văn nghệ, học cắm hoa… Đồng thời, luôn hướng tới những suy nghĩ tích cực, hòa nhập vào cộng đồng, tập trung vào công việc… bạn sẽ dần dần lấy lại niềm tin, niềm vui trong cuộc sống.

Nếu bạn chạy trốn, nỗi cô đơn sẽ càng đeo bám bạn, bởi khi đó bạn sẽ thu mình lại trong cái tôi nhỏ bé của mình, bạn sẽ né tránh mọi người, ngại tiếp xúc, mất niềm tin và nỗi cô đơn ngày càng đè nặng tâm tư bạn, ảnh hưởng đến việc học tập và công tác cũng như cuộc sống của bạn.

Do vậy, hãy đối mặt với nỗi cô đơn và hành động đúng.

Như Danh ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày