Đến chùa học tiếng Sanskrit để cân bằng cuộc sống

GNO - Tại thành phố Hàng Châu, nơi được xem là thủ đô thương mại điện tử của Trung Quốc, các nhân viên công ty bị căng thẳng và kiệt sức đang chuyển sang Phật pháp với mong muốn giải tỏa những áp lực của cuộc sống hiện đại nơi đây.  

den chua hoc tieng Sanskrit 1.jpg


Chùa Linh Ẩn

Theo tờ The Buddhist Door, nhiều người đã tìm đến di tích lịch sử văn hóa, chùa Linh Ẩn để học ngôn ngữ Sanskrit (qua các văn bản Phật giáo cổ) như một cách để thoát khỏi bức bách công việc, để sống chậm lại và xác chứng lại ý nghĩa của cuộc sống cho bản thân.

Tại chùa Linh Ẩn, “ngôi chùa của sự tu tập tâm linh”, chư Tăng và người học ngồi cùng nhau trong các buổi học tiếng Sanskrit - ngôn ngữ cổ của Phật giáo. Không giống việc học các hệ mã trong ngôn ngữ hay học nói một thứ tiếng nước ngoài nhưng người học nơi đây không hề bị nản lòng bởi lợi ích vật chất việc học mang đến mà lại tìm thấy sự hài lòng trong lớp học này.

Tôi đến đây vì niềm yêu thích và vì khoảng thời gian “có chất lượng”, một học viên tên Zhang Weifu, thông dịch tiếng Đức làm việc trong thành phố nói về lý do tham gia lớp học. Hàng Châu đang “bùng nổ” nhưng đây lại là nơi yên tĩnh và thư giãn để đến và để học. Nhịp tim của bạn được chậm lại - anh chia sẻ với tờ Washington Post.

Nằm ở vùng tây bắc Hồ Tây, trong các dãy núi của Hàng Châu, Linh Ẩn là một trong những ngôi chùa cổ xưa và ấn tượng nhất tại Trung Quốc, từ thời Đông Kim (265-420). Theo ghi chép, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 326 bởi vị Tăng tên Hội Lý đến từ Tây Ấn Độ.

Dưới triều Ngô Việt (907-78), Linh Ẩn là nơi tu học của hơn 3.000 tăng sĩ, trong khuôn viên gồm 9 tòa nhà cao tầng, 72 điện chính, 18 sảnh đường và 1.300 phòng ở.

Ngôi chùa được kiến thiết nhiều lần trong lịch sử, dù bị phá hủy trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc nhưng vẫn được bảo tồn từng phần. Ngôi chùa hiện hữu là một tổ hợp mang nét kiến trúc thời nhà Thanh (1644-1911), là một trong những ngôi chùa rộng lớn và sung túc nhất ở Trung Quốc, mỗi ngày thu hút hàng ngàn khách tham quan và các đoàn hành hương Phật giáo.

Nhiều người đến đây để tìm kiếm sự bình yên nội tâm, phó trụ trì chùa cho biết. Họ có thể nghiện công nghệ, bị mắc kẹt vào nhịp sống tất bật hay suy sụp vì áp lực cuộc sống. Họ sống với mức căng thẳng cao và khi đến chùa, họ có thể tìm thấy sự tĩnh lặng dù không phải ai trong số đó cũng là Phật tử - theo Washington Post.

Giáo sư Li Wei đã bắt đầu dạy tiếng Sanskrit tại Viện Phật học Linh Ẩn từ năm 2015 cho biết, lớp học đầu tiên của ông chỉ chấp nhận chưa đến một nửa trong số 380 người đăng ký. Trong đó, có cả trẻ em mới 10 tuổi, giáo viên yoga, kiến trúc sư và người đã về hưu,... Đến cuối học kỳ, có 50 học viên được giữ lại để tiếp tục học sau kỳ thi và chỉ có 20 người đăng ký học khóa kế tiếp cao hơn.

Tuy vậy, các học viên với quyết tâm học tiếp cho biết họ nhận thấy cuộc sống của mình “trở nên giàu có hơn” theo nhiều cách. Học viên 26 tuổi Ni Jiajia bày tỏ, tham gia lớp học này là cách cô hòa nhập với thế giới bên ngoài và thoát khỏi cuộc sống nhiều bức bách của mình.

den chua hoc tieng Sanskrit.jpg
“Ngôi chùa của sự tu tập tâm linh” giúp người học được sống chậm lại và tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn

Làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế và tham gia lớp học tiếng Sanskrit tại chùa Linh Ẩn hơn một năm qua, Jenny Li vui mừng chia sẻ: “Tôi được sống chậm lại và tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn, biết được đâu là điều quan trọng trong cuộc sống của mình”.

Cô còn nói thêm rằng, khi bạn bè hỏi “tại sao lại đi học thứ không mang lại lợi ích vật chất rõ ràng nào”, cô giải thích rằng cô tham gia lớp học “để phát triển sự chánh niệm và nhận thức cho bản thân”. Và bản thân là Phật tử, cô cũng muốn hiểu sâu hơn về kinh văn cổ.

Đôi khi, chúng ta cần làm gì đó cho nhu cầu nội tâm của mình. Thời này, chúng ta không cần nhiều tiền và thực phẩm như cần “dưỡng chất tâm linh” - chia sẻ của cô với Washington Post.

Trần Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày