Di tích chùa Đại Giác – Đồng Nai

Di tích chùa Đại Giác – Đồng Nai

Chùa Đại Giác được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 993/QĐ ngày 28 tháng 9 năm 1990. Chùa Đại Giác còn gọi là chùa Phật lớn (có tượng Di đà lớn) là ngôi chùa cổ kính gắn liền với sự ra đời phát triển của thương cảng Cù Lao Phố, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 2km, thuộc ấp nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. 

Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Biên Hòa Gia Định chỉ ghi “chùa Đại Giác ở xã Tân Hưng, huyện Phước Chánh không biết xây dựng năm nào, gần đây có người cúng tấm biển khắc ba chữ “Đại Giác Tự” chữ ấy thếp vàng, bên tả khắc: Minh Mạng nguyên niên mạnh đông cốc đán (ngày lành tháng mạnh đông (tháng 10) niên hiệu Minh Mạng nguyên niên (1820) bên hữu khắc Tiên triều hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ánh (bà Nguyễn Thị Ánh công chúa thứ ba, hoàng nữ tiên triều)”. Đến nay chùa Đại Giác đã truyền trên mười đời trụ trì.

Tương truyền rằng: chùa Đại Giác ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, thấp, vách ván, cột cây, mái lợp ngói âm dương. Năm 1779, Nguyễn Thị Ngọc Ánh - con gái thứ ba của Nguyễn Ánh trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã đến lánh nạn và tu ở chùa Đại Giác một thời gian.

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) lấy niên hiệu là Gia Long đã nhớ ơn ban chiếu chỉ trùng tu ngôi chùa. Vua Gia Long còn chỉ dụ cho quan quân địa phương cho thợ đến xây cất và cho voi đến dặm nền chùa. Do vậy chùa Đại Giác còn gọi là “chùa Tượng” (chùa voi). Vua Gia Long còn cúng cho chùa pho tượng Phật A Di đà bằng gỗ, tượng cao 2,25m nên nhân dân địa phương còn gọi chùa Đại Giác là “chùa Phật lớn”. Hiện nay pho tượng vẫn còn thờ tại chánh điện.

Năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục cho tu sửa mở rộng nhà giảng. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng tấm biển tên chùa Đại Giác tự sơn son thếp vàng, bên phải khắc: Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ánh - bên trái khắc: Minh Mạng nguyên niên, mạnh Đông, Cốc Đán. Tấm biển vẫn được treo trước chánh điện.

Năm 1952 (Nhâm Thìn), sau cơn đại hồng thủy chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, Hòa thượng Thiện Hỷ (1921- 1979) trụ trì đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi chùa theo lối kiến trúc cổ nhưng bằng vật liệu hiện đại: tường gạch, cột bê tông cốt thép, mái lợp ngói vẩy cá. Sau nhiều lần trùng tu từ kiến trúc theo kiếu chữ Đinh (J) chùa Đại Giác đã được thay đổi thành chữ tam (/ ) với ba dãy nhà ngang nối liền nhau.

Mặt tiền chùa quay theo hướng Tây bắc nhìn ra sông Đồng Nai nên đón nhận được nhiều luồng gió mát. Giữa sân trước chùa là một cây bồ đề lớn, do Hòa thượng Đinh Tống trồng vào ngày rằm tháng 11 năm Kỷ Mão (1939). Đứng từ ngoài nhìn vào, chùa Đại Giác có lối kiến trúc hiện đại.

Chùa thấp và có vẻ lụp xụp vì mái chùa thấp xuống phía ngoài hiên, nhưng khi vào bên trong kết cấu ngôi chùa lại hoàn toàn theo kiến trúc chùa xưa ở Đồng Nai với các cột tròn to và cao, nhìn lên mái ngói thấy cao vút, không gian thoáng đãng. Các cột phía trước đều có câu đối, các cặp câu đối đều bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế.

Đại điện huy hoàng ưu bát hoa khai ngưỡng thụy nhựt

Giác lâm tĩnh mịch bồ đề thụ trương tống xuân phong

Chánh điện là căn nhà ba gian rộng lớn: gian ở giữa là điện thờ trung nghiêm, ở trên cao là bức tuợng Phật Di Đà bằng gỗ cao 25m, phía dưới là bộ Di Đà Tam Tôn, tượng Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan Đà, Hộ pháp, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu.

Phía trước gần cửa ra vào là dàn đèn Phật Dược Sư gồm 49 cây đèn dầu nhỏ với 49 tượng Phật bằng gỗ nhỏ. Gian bên trái là khánh thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Gian bên phải là khánh thờ Quan Thánh đế quân. Hai bên tường (tả, hữu) có bệ thờ năm vị Diêm vương và hai vị phán quan. Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ sư Hoằng Hóa ở chùa Đại Giác, gồm nhiều long vị của chư Tổ xưa, nhất là Thiền sư Thành Đẳng (phái Lâm Tế đời 34), Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc và Giác Liễu Thiệt Truyền (đời 35), Tổ Ấn Mật Hoằng (đời 36)…

Du khách đến thăm chùa Đại Giác sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo khá quy mô, đồ sộ được trùng tu vào giữa thế kỷ XX nhưng vẫn mang nét cổ xưa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày