Đi về phía mặt trời

GN - Lập đông, mặt trời cũng muốn trốn tránh cái lạnh của núi rừng nên chui tọt vào đám mây khuất sau những ngọn cây cổ thụ từ lúc nào. Bản làng chìm trong màn sương giăng mỏng tang mờ mờ ảo ảo. Gió rít mạnh từng cơn phả vào hai má Thanh rát bỏng. Không gian im ắng lạ. Chỉ còn đôi ba tiếng chim con lạc bầy cất tiếng gọi mẹ. Thanh đoán thế, bởi dù sao cô cũng đã gắn bó với nơi đây gần hết học kỳ.

lophoc.jpg


Lớp học vùng cao - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ngày Thanh có quyết định về bản dạy học, mẹ cô phát hoảng, khóc lóc rồi năn nỉ ỉ ôi. Người ta, ai cũng mong ở phố xá phồn hoa: điện, đường, trường, trạm khang trang, hay chí ít thì cũng được ở gần nhà. Ấy vậy mà sao con mình lại có quyết định điên rồ đến thế. Đã vậy lại là thân gái dặm trường… Bà Hiền vừa nói vừa khóc lóc. Thanh vừa thương mẹ, không muốn làm mẹ buồn nhưng vẫn muốn được một lần thử sức với hoài bão của mình. Thế là... Thanh bước chân ra đi.

Những hạt mưa xiên thẳng rơi xuống tóc, xuống vai, xuống chiếc áo ấm màu cánh dán Thanh mặc tạo thành những bông nước li ti. Thanh thôi miên man về những chuyện cũ. Cô rảo bước về phía ngôi nhà được dựng bằng tranh tre, nứa lá tạm bợ, đó là trường học của những đứa trẻ ở bản nghèo, nơi cô về công tác cách đây gần 4 tháng. Cuối tuần, các em học sinh đều rủ nhau về thăm nhà. Cảnh vắng. Buồn tênh. Chỉ có Thanh và hai người đồng nghiệp nữa ở lại vì xa nhà.

Lớp Thanh chủ nhiệm có tất cả 20 em học sinh. Nhìn các em: những khuôn mặt lem luốc, tóc khét vàng vì nắng cháy, những đôi dép cũ sứt quai ôm những đôi chân đen nhẻm, những bữa ăn sau giờ học độc cơm trắng với muối, những bộ quần áo các em khoác trên người mỏng tang trong mùa rét,... Thanh dễ dàng nhận ra cuộc sống cơ cực, nghèo khó của người dân miền núi nơi đây.

Những ngày đầu tiên mới về nhận việc, đôi lúc Thanh cũng nản lòng. Do bất đồng về ngôn ngữ nên việc dạy học bằng tiếng Kinh cho các em vô cùng khó. Đã có rất nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt khi Thanh nói một đằng, trò lại trả lời một nẻo. Đó còn là khi mùa mưa bắt đầu. Cũng như mọi hôm, cô đến lớp trong niềm hào hứng, phấn chấn, của cái tâm đầy nhiệt huyết mong mỏi truyền kiến thức, dạy chữ cho học trò, ấy vậy mà... Đôi mắt Thanh đang rạng rỡ bỗng sụp xuống rầu rĩ khi thấy lớp học vắng tanh. Lác đác có ba, bốn học trò ngồi thu lu, miệng run lên cầm cập vì quần áo ướt sũng và đói lả. Phòng học bên, cô giáo Hà cũng đang đi ra đi vào ngó nghiêng, trông đợi học trò. Cả hai cô nhìn nhau, buồn xo, lắc đầu. Khi biết được vì cuộc sống khó khăn, đa số các em đều phải theo ba mẹ lên rẫy, Thanh đã cùng đồng nghiệp lặn lội đến tận nhà các em để thuyết phục, động viên. Cô nhận ra dạy học ở miền núi không đơn giản chỉ là việc sáng sáng chiều chiều truyền dạy kiến thức cho các em.

Thanh ngồi thừ người, bần thần, lơ đãng nhìn xa xăm rồi lại kéo cái nhìn về phía bài kiểm tra của Phà, cậu học trò lớp 3. Bài kiểm tra để nguyên xi tờ giấy trắng khiến cô bực dọc. Trong lớp, ngoài những em ngoan ngoãn, biết nghe lời như Hìn, Tá, Tèng,... thì cũng có nhiều học trò cá biệt. Thanh đã từng tâm niệm sẽ “quy phục” tất cả những cô cậu học trò “cá biệt” nhất bằng “kế sách” của bản thân, bằng kinh nghiệm mình đã học được. Thế nhưng lý thuyết và thực hành cách nhau một trời một vực. Đặc biệt với trường hợp của Phà, cậu học trò mà Thanh liệt vào “ca khó đỡ” khiến cô nhiều lần đã phải đau đầu.

- Em Phà ngồi yên lặng. Không được chọc ghẹo các bạn!

- Im thì im. Đôi mắt cậu bé tuổi lên mười cứ thế nhìn trừng trừng vào Thanh như thách thức. Được một lúc, Phà lại chạy lăng xăng quanh lớp làm trò này trò khác cố ý không cho Thanh tiếp tục dạy. Không thể nhịn được, Thanh dừng bài lại, bước tới gần Phà, giọng nhẹ nhàng mà nghiêm khắc:

- Để cô sẽ đến nhà nói chuyện với ba mẹ em. Phà, cuối tuần này, ba mẹ em có nhà không?

- Không.

- Sao em lại trả lời cô như thế. Thế hàng ngày, em ở nhà với ai?

- Anh. Nói xong, Phà cúi gầm mặt xuống đất mặc cho bao nhiêu con mắt đổ dồn, chăm chăm nhìn Phà. Buổi học hôm ấy, Phà không chép bài mà chỉ ngồi cắn bút, nhìn bâng quơ. Thanh vừa lo lắng cho học trò của mình, vừa muốn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em để có cách xử lý. Kỳ thực, trường hợp của Phà khiến cô thương hơn là giận.

Thanh tâm sự với đồng nghiệp và quyết định đến nhà Phà vào ngày cuối tuần. Đang mùa mưa, núi rừng âm u, chỉ nghe vọng lại âm thanh của thác nước, của chim rừng hót vang réo rắt. Trèo đèo, lội suối,... cảnh ấy có đôi lúc khiến Thanh sợ hãi. Nhưng nhờ có đồng nghiệp, nhờ học trò dẫn đường, Thanh đã quen dần. Vượt qua đoạn đường đèo dốc quanh co, cuối cùng Thanh cũng đến được nhà học trò khi cơn mưa rừng vừa tạnh. Ánh nắng le lói sau những ngọn cây cổ thụ từ phía đường xa làm sáng lên một vùng bản. Cây cối, chim muông, hoa cỏ dường như cũng cựa mình ngó nghiêng cảnh trời trong sau cơn mưa. Thanh thích cảm giác được đắm mình trong cảnh sắc ấy để được thả hồn thỏa sức mơ tưởng.

Nhưng rồi nụ cười trên môi Thanh chợt tắt khi đứng trước nhà Phà. Đó chỉ là một túp lều che tạm bằng những cây lồ ô chẻ ra, trong ngoài như một. Căn nhà yên ắng không một tiếng động, dù Thanh đã cất tiếng gọi đến ba, bốn lần. Thanh nghĩ, chắc gia đình lại đi vào rẫy. Chân cô vẫn bước về phía trước, mắt vẫn không rời ngôi nhà lá tuềnh toàng. Có tiếng động khiến Thanh giật mình dừng lại. Bóng một đứa trẻ đứng lấp ló sau phên cửa rồi chạy vụt ra cửa sau vào rừng. Thanh nhận ra, đó là Phà. Nhưng cậu bé ấy rất lạ. Trên người không một mảnh vải che thân. Vừa gọi với: Phà... Phà.... cô vừa vội vàng đuổi theo học trò. Chợt ngoái đầu nhìn lên đoạn dây phơi đồ với những bộ quần áo ướt sũng trước nhà, tim Thanh như thắt lại. Thanh dừng bước. Cô không đuổi theo Phà nữa. Đôi mắt cô giáo trẻ cứ thế nhòe dần. Sao có thể như vậy được? Thanh không nghĩ nhà Phà lại nghèo đến thế. Thiếu chút nữa, cô đã trách nhầm cậu bé rồi. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến cậu chán nản rồi có những hành động nghịch ngợm, quậy phá trên lớp? Thanh nghĩ và tự nói với lòng mình.

Từ xa, Phà đứng nép sau một thân cây cổ thụ đủ để cho cô chủ nhiệm không nhìn thấy. Nó đứng co ro, vòng tay ôm lấy thân hình gầy tọp. Đôi mắt đen lay láy thi thoảng lại nhìn trộm về phía Thanh như dò xét, như mong đợi. Phà trông cô giáo hãy về nhanh đi. Phà không muốn cô giáo thấy nhà mình quá nghèo. Điều đó làm Phà càng thêm tủi thân, xấu hổ.

Từ sau bữa đến nhà Phà, Thanh trăn trở rất nhiều. Lại thêm, những ngày sau đó, Phà không đến lớp. Hôm lên lớp, cái Tèng quả quyết: Bạn Phà nghỉ học rồi cô! Thế rồi Thanh quyết tâm đến nhà Phà để gặp cho được ba mẹ em. Lần hai, lần ba, rồi phải đến lần thứ tư, khi Thanh vừa bước đến cổng cũng là lúc ba mẹ Phà đi rẫy về. Thanh trò chuyện, khuyên nhủ, động viên và tìm đủ mọi lý do để ba mẹ khuyên Phà tiếp tục đến trường. Cuối cùng, Phà cũng gật đầu đồng ý quay trở lại lớp học. Trong chuyến đi ấy, Thanh và đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn một món quà tặng cho Phà. Một bộ quần áo mới để em mặc đến trường, một cái áo bông ấm cho những ngày đông đang đến. Và đặc biệt là bộ sách, vở, bút, tiếp thêm động lực cho em theo học.

Những ngày lên lớp sau đó, Phà cười tươi tắn và chăm chỉ học bài. Chưa bao giờ Thanh thấy lòng nhẹ nhõm hơn thế. Bao ưu phiền, lo nghĩ giờ đã tan biến, giờ Thanh chỉ muốn đem nhiệt huyết và tình yêu của mình trao cho các học trò của mình. Mỗi lần trò chuyện với đồng nghiệp, Thanh luôn ví mình như con ong rừng đi kiếm mật, như con kiến rừng chăm chỉ tha mồi đầy tổ,... tất cả chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp phía trước.

Một buổi sáng, Thanh nghe có tiếng bước chân rục rịch phía ngoài cửa. Cánh cửa mở ra, trước mắt Thanh là những bó hoa rừng đủ màu trắng, hồng, vàng, tím xen kẽ; những ánh mắt ngộ nghĩnh, ngây thơ của mấy cô cậu học trò lớp Thanh chủ nhiệm, trong đó có Phà. Từng đứa một trịnh trọng đặt bó hoa mình đã dày công chuẩn bị vào tay cô giáo. Dù đứa nào cũng bẽn lẽn chẳng dám nhìn thẳng vào cô chủ nhiệm nhưng Thanh vẫn nhận ra tình cảm chân thành mà chúng đã dành cho cô. Phà toe toét cười, thay mặt cả bọn nói: “Đây là món quà chúng em tặng cô nhân ngày Nhà giáo! Chúng em mong cô sẽ ở đây mãi mãi. Chúng em rất yêu quý cô!”. Phà vừa dứt lời, cả bọn cùng đồng thanh bằng thứ ngôn ngữ của người bản địa khiến Thanh hạnh phúc đến vỡ òa: “Chúng em rất yêu quý cô!”.

 Ngoài song, những tia nắng hồng đua nhau chiếu vào làm sáng cả căn phòng. Từng ánh mắt, nụ cười của các cô cậu học trò cứ chan hòa trong nắng như thắp lên trong Thanh niềm tin yêu, gắn bó mãi với nơi này. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày