Đôi điều đọng lại sau Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 tại Việt Nam

Giác Ngộ - Trong khí hân hoan, niềm vui khôn tả của Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11- Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam; chắc hẳn hàng Phật tử chúng ta dù ít, dù nhiều cũng đều có những băn khoăn, trăn trở cho sự phát triển, sự khẳng định vị thế của giới nữ Phật giáo nói riêng và toàn thể giới Phật giáo nói chung trước bạn bè thế giới. Nhìn dưới bất cứ góc độ nào người phụ nữ đã, đang, sẽ có những cống hiến tích cực về mặt trí lực, nhân lực, đạo lực ...của mình cho đất nước.
TTR (2).JPG

Chư tôn đức và lãnh đạo nhà nước dự lễ khai mạc Hội nghị

Xét về mặt lịch sử xã hội, ngay từ khi khai thiên lập địa cho đến nay hình tượng Mẹ Âu Cơ và truyền thuyết trăm trứng mãi gắn liền với bóng hình của người phụ nữ. Đừng nói rằng chốn khuê phòng êm đềm màn che, trướng rủ là chốn chỉ dành riêng cho phận liễu đào. Sử sách thế giới lưu dấu những Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Võ Nguyên Giáp... thì cũng luôn nhắc đến những mốc son chói lọi tên tuổi của những “nữ tướng” oai phong lẫm liệt, khí thế ngút trời như Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, những Nguyễn Thị Định với “đội quân tóc dài” cùng cách dụng binh thần ảo, biến diệu thoắt ẩn, thoắt hiện ngay trước mặt kẻ thù khiến phải khiếp vía, kinh hoàng. Đất nước ta đã trải qua ngàn năm đô hộ của thế lực phong kiến phương Bắc, hơn một trăm năm dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc. Biết bao thế hệ cha, anh trên đường hành quân ra mặt trận đã khắc ghi sâu trong tâm trí bóng hình của người mẹ, vợ, người chị, người em của mình và coi như đó như là một động lực giúp họ vững vàng chịu đựng mọi hiểm nguy, gian khổ để chiến đấu giành lại độc lập, an vui cho nước nhà.

Đất nước hòa bình, đổi mới phát triển các chị, em càng ngày càng chứng tỏ được vị thế và vai trò của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các ngành nghề mà từ xưa đến nay được coi là “độc quyền” của phái mạnh như bảo hiểm, chứng khoán, kiến trúc, xây dựng, lái xe ...  thì nay đều có mặt của các chị, em. Không chỉ là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa, cho biểu tượng vẻ đẹp vĩnh hằng từ bao đời nay.

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ...”

Cảnh người hòa quyện long lanh quá, tuyệt diệu quá ! Giữa bề bộn của đời sống hối hả hôm nay, giữa nhịp độ chạy đua như tên bắn của một xã hội tiêu dùng hiện tại thì hình ảnh cô gái bên ánh trăng vàng đẹp như một bức tranh đẹp đánh thức mọi cảm quan của người thưởng ngoạn, như một bản nhạc với những nốt trầm xao xuyến làm rung động lòng người. Đẹp đẽ, dịu dàng là thế đấy nhưng các chị, em cũng đầy bản lĩnh, quyết đoán trong học tập, lao động và tự rèn luyện mình để vừa làm tốt việc nhà lại đảm đang việc xã hội góp phần đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho tha nhân và cộng đồng.

TTR (1).JPG

Lễ khai mạc Hội nghị

Nay xét về góc độ đời sống tôn giáo. Đức Phật là người đầu tiên đã mặc nhiên phá bỏ sự phân biệt về giới tính giữa hai giới sau khi chính thức chấp thuận cho Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề gia nhập vào hàng ngũ xuất gia. Dù thời bấy giờ xã hội Ấn Độ vốn phân hóa rõ rệt bởi chế độ đẳng cấp hà khắc. Sự gia nhập Tăng đoàn của Ma Ha Ba Xà Ba Đề lúc đó đã khiến cho giáo đoàn của Đức Phật gặp muôn vàn sự cản trở và rất nhiều áp lực từ phía Bà La Môn giáo bởi quan niệm: “Đàn bà mà học Kinh Veda thì quốc gia sinh hỗn loạn...” huống hồ là xuất gia tu đạo. Thế nhưng, không vì thế mà Đức Phật xa rời sứ mạng độ sinh của mình. Với Ngài ngọn lửa được đốt lên từ gỗ trầm hương hay gỗ tạp cả hai đều có công dụng phát sáng như nhau, Tăng hay Ni đều có trí tuệ và bổn tâm như nhau về mặt tu chứng, liễu ngộ. Chính vì tinh thần dung chứa đến bao la này mà bên cạnh Trưởng lão Tăng kệ chúng ta thấy có mặt của Trưởng lão Ni kệ, có mặt của đại thí chủ Vissakha, Mạt Lợi phu nhân...

Tư tưởng nô dịch văn hóa của thế lực phong kiến phương Bắc, đặc biệt là tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của đạo Nho đã “biến” không ít phụ nữ Việt Nam thời xưa trở thành những chiếc bóng mờ nhạt, câm lặng, những “Thiếu phụ Nam Xương”[1] mà trước khi trầm mình xuống dòng sông lạnh giá lòng vẫn còn mang nặng nỗi oan tình. Chỉ khi nữ sĩ Hồ Xuân Hương ngạo nghễ cất lên tiếng nói phản kháng thay cho hàng ngàn chị em:

“...Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu[2]???”

Thì lúc đó thân phận của các chị, em mới dần dần được khẳng định và tôn trọng. Ngày 19 tháng 12 năm 2006, Luật bình đẳng giới đầu tiên được ban hành với 6 chương và 44 điều, quy định thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình. Luật có hiệu lực thi hành chính thức từ ngày 01 tháng 07 năm 2007 đã tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tùy theo khả năng của mình đóng góp mọi mặt cho gia đình và xã hội.

Chung tay với đồng bào cả nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tổ quốc, làm rạng danh con cháu Lạc Hồng, tinh thần lợi đạo, ích đời của các bậc danh Ni như: Ni sư Diệu Nhân, Ni trưởng Như Thanh, Huỳnh Liên, Ni sư Trí Hải ... hàng nữ lưu Phật giáo Việt Nam luôn tự hào vì đã đóng góp không ít máu, xương của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đạo pháp, dân tộc.

TTR (3).JPG

Cuộc sống với bề bộn áo cơm, những ngổn ngang toan tính của đời sống kinh tế thị trường luôn là nỗi lo canh cánh bên lòng của hàng Ni giới khi nghĩ về những mảnh đời bất hạnh, những số phận đớn đau, khi mà chiến tranh bạo lực, nghèo đói, xung đột tôn giáo, biến đổi khí hậu.... chưa bao giờ thôi hết. Với bản tính nhu hòa, khả năng kham nhẫn hàng Ni giới đã có những đóng góp thiết thực trong sự nghiệp ổn định phát triển văn hóa, kinh tế cho xã hội. Biết bao lớp học tình thương, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS... đã được hình thành dưới mái chùa thanh bình, yên ả, biết bao mảnh đời cơ nhỡ, số phận hẩm hiu đã được sưởi ấm bởi bàn tay, khối óc của quý Sư bà, quý Ni sư, Sư cô... Ở đâu có sóng to gió cả, có những trận bão càn, lũ quét là nơi đó có bóng dáng của quý Ni sư, Sư cô thoăn thoắt đến đi động viên an ủi, chia sẻ vật chất, tinh thần...

Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11- Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới tổ chức tại Việt Nam này không ngoài mục đích tôn vinh những thành quả, những giá trị nhân bản, nhân văn mà hàng Ni giới Việt Nam đã nhiệt tâm đóng góp cho sư nhiệp phát triển chung của cộng đồng Ni giới thế giới. Bao nhiêu lời hay, ý đẹp dành để ngợi ca chúng ta đã nói đến nhiều trong các bản báo cáo tại Hội nghị nay chỉ còn lại chăng là những nỗi niềm ưu tư, trăn trở về đường hướng phát triển sau này. Phải thừa nhận rằng, bao nhiêu năm nay một sự kiện long trọng và vô cùng ý nghĩa này đã vinh dự diễn ra tại Việt Nam . Điều đó chứng tỏ các bậc tôn túc cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ cho sự phát triển của hàng Ni giới. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của buổi đại lễ này vẫn còn tồn đọng những vấn đề mà chúng ta cần phải hoạch định, chuẩn bị lại tư lương. Có như vậy thì trước sóng to gió lớn, trước mọi thách thức nghiệt ngã, mọi biến động về các mặt của đời sống chúng ta vẫn đủ sức để lèo lái con thuyền chánh pháp ra biển lớn hòa nhập cùng thế giới mà không sợ bất cứ một trở ngại nào.

1. Thứ nhất về mặt nhân lực: Bất cứ một cơ quan, tổ chức nào từ vi mô cho đến vĩ mô nếu muốn tồn tại thì đều phải có những chính sách lâu dài về mặt đào tạo con người. Ngoài tinh thần dấn thân, sự hy sinh... những Ni chúng vừa có tài lại có tâm luôn là nguồn nội lực cần thiết, làm, rất cần được tạo mọi điều kiện để khẳng định và làm tiền đề cho sự phát triển. Cuộc họp giữa 100 nước về vấn đề cắt giảm khí thải toàn cầu tại Copenhagen - Đan Mạch vừa qua đã ghi nhận những đóng góp và giải pháp tích cực về vấn đề cắt giảm khí thải toàn cầu của các Ni giới Đài Loan. Thế nhưng, ở một diễn đàn lớn mang tính quốc tế như vậy vẫn chưa thấy tiếng nói của đại diện Ni giới Việt Nam vì vậy rất cần đến sự có mặt của các vị Ni chúng tài đức song toàn, những Ni giới lỗi lạc có tài năng lãnh đạo xuất chúng...

2. Tính chủ động sáng tạo: Dù muốn hay không muốn chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chúng ta bị lúng túng và mất đi tính chủ động qua công tác tổ chức điều hành một hội nghị lớn. Điều này có thể nhận rõ ngay từ khâu trang trí, khâu liên hệ với các cơ quan báo đài, các mối quan hệ liên đới. Vì vậy, để chủ động và nâng cao sức sáng tạo thì chúng ta lại cần phải trang bị và am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, thể chế hành chính.

3. Tiếp nhận công nghệ thông tin: Sự nhanh nhạy trong công tác sử lý thông tin, dữ liệu cũng như việc áp dụng các phương tiện khoa học công nghệ mới trong công tác quản lý sẽ giúp thu hẹp dần khoảng cách địa lý giữa các vùng miền, biên giới quốc gia; tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa, cũng như Phật pháp được nhanh chóng, chính xác, đảm bảo.

TTR (4).JPG

Đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi bên lề Hội nghị

4. Phương pháp làm việc: Phải thừa nhận rằng sự đóng góp về mọi mặt của Ni giới Việt Nam chúng ta đối với xã hội là không thể phủ nhận. Song cứ đi mãi một con đường, làm theo một môtip cũ thì nhất định những gì mà hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 này kỳ vọng vào e rằng chỉ là những kỳ vọng mà thôi khó có thể có được vị thế trong con mắt của bạn bè thế giới trong tương lai. Do vậy, đổi mới cách tư duy để tạo nên những bước đột phá, những thành tựu mới rất cần thái độ khách quan theo phương thức:

· Không nghe một phía
· Không nói một kiểu
· Không làm một cách
· Không nghĩ một chiều
· Không nhìn một hướng

Trước khi thu nhận hàng nữ giới vào Tăng đoàn của mình, Đức phật cũng đã suy nghĩ rất nhiều, bởi xét trên góc độ cấu trúc tâm sinh lý, phụ nữ thường dễ xúc động, khí đoản, mà lòng chấp thủ thì lâu, tâm lại thường hay dao động, làm việc thường theo cảm tính “ Ái chi dục kỳ sinh, ố chi dục kỳ tử” - Yêu mến thì để cho sống mà ghét bỏ thì muốn cho chết. Thế nên, để tạo lòng tin từ phía Giáo hội, nhận được sự đồng thuận từ phía các ngành, các cấp cũng như hàng tín đồ Phật tử thì nhất định chúng ta phải tự đổi mới cách làm, cách nghĩ bấy lâu nay.

Thế giới đã từng biết đến một Mẹ Teresa giải Nobel Hòa bình vào năm 1979 vì sự nghiệp giải phóng đói nghèo cho hàng triệu sinh mạng trên đất Ấn – linh hồn của của một hội chúng gồm 3.000 nữ tu, phân bố khắp 408 trung tâm từ thiện toàn cầu. Thế giới cũng biết đến một Ni sư Chứng Nghiêm sáng lập ra hội Từ Tế năm 1966, lúc đầu chỉ có 30 phụ nữ bán hàng dành dụm một ngày 2 xu để giúp đỡ cho những người nghèo khổ. Nhưng nhờ sự lãnh đạo của Ni sư, ngày nay hội đã quy tụ hàng triệu tình nguyện viên trong 45 quốc gia trên thế giới. Họ luôn xuất hiện một cách nhanh chóng và hữu hiệu để cứu trợ cho các nạn nhân thiên tai từ châu Á qua châu Phi và châu Mỹ... Thành viên Từ Tế là một trong những thiện nguyện viên đầu tiên có mặt trong các vùng thiên tai bão lụt, động đất, sóng thần…. Ngoài ra, Hội còn có nhiều bệnh viện miễn phí, trường đại học y khoa đã đào tạo được hàng ngàn y bác sĩ, nhiều đài phát thanh, và một đài truyền hình Phật giáo…

Bậc cổ đức có dạy: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ bất ưng tự khinh nhi thối khuất”[3] – người kia là trượng phu thì ta đây cũng vậy. Tin rằng, bằng tinh thần chủ động sáng tạo trong cách làm, cách nghĩ, sự dấn thân cùng những nỗ lực không mệt mỏi của mình Ni giới Việt Nam nhất định sẽ cất cao tiếng nói của mình tại các diễn đàn lớn trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày