Đời vô thường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GNO - Có một chàng trai nọ, vào chùa tìm gặp thầy. Thầy hỏi: “Anh đi đâu?”. Chàng đáp: “Con tầm sư học đạo”. Thầy bèn xắn tay áo đuổi: “Anh đi ra, đời là cõi Ta-bà, học chi cho rối chuyện”. 

Thầy còn nói nhiều câu… đau điếng, và chàng trai đi ra…

Chàng đi dạo ngắm hoa, lòng chàng lắng lại. Chàng cân nhắc phải, trái, và chàng lại vào chùa. Trước thầy, chàng vòng tay thưa: “Xin thầy, con tầm đạo”. 

Thầy phất nhẹ tay áo, thầy chỉ ghế: “Mời ngồi”. Bấy giờ, thầy thật vui: “Cần gì con cứ hỏi”.

“Thưa thầy, con muốn nói, con tìm đạo tu thân”. 

Thầy mở lời, ân cần: “Đúng, tu thân, trước hết. Sinh, già, bệnh và chết, đời mở ra rồi chấm hết, thấy có đó rồi không”. 

Chàng trai nghe nhẹ lòng, lời thầy như tim đập…

Thầy bây giờ rất khác hồi nãy chàng vào chùa. Thầy bây giờ như một người-trong-mơ mà chàng hằng tưởng nghĩ.  Chuyện hồi nãy thành quá khứ, nếu còn nhớ chăng thì càng hiểu hai chữ vô thường.

Có thể Vô thường là Bất thường.

Có thể Vô thường là Phi thường.

Nhưng… người Bất thường là người điên, người Phi thường là người Anh hùng. Có đó rồi thành không. Thấy đó rồi mất đó. Tất cả đều Không thường. Nếu chuyện gì cũng thường định thì làm sao có hai câu thơ: “Trời không chớp biển với mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn" (*)

Ca dao nói chuyện bình thường, không giải quyết được gì: “Đêm qua chớp biển mưa nguồn/ Hỏi người quân tử có buồn hay không?”. Không phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời… cho nên tầm sư học đạo là để tu thân!

Chàng trai bâng khuâng nhìn khói trầm bay trên bàn Phật.  Chàng nhìn nhà sư và chớp mắt, chàng đứng dậy thi lễ cảm ơn thầy. Thầy khoát tay, “Không có chi”. 

Chàng trai đi. Ra trước cửa chùa ngó nắng. Cảnh chùa lẵng lặng, vài cánh bướm vờn hoa. Chàng ngộ.

Nhà sư cũng đứng dậy đi giật một hồi chuông, tiếng chuông rơi tơi tả trên lá trên hoa…

Trần Vấn Lệ

 __________________

(*) Thơ Trần Tế Xương

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày