Chư Tăng trong nghi thức nhiễu tháp Hòa thượng Giới Nghiêm |
Theo đó, đạo tràng Ban Hộ niệm Phật giáo Nguyên thủy VN tổ chức buổi lễ nhiễu tháp tri ân Hòa thượng Giới Nghiêm và chư vị tiền bối hữu công có công khai sáng Phật giáo Nguyên thủy VN. Năm 2022 là năm đầu tiên cử hành tri ân, báo ân, các năm tiếp tổ chức tùy theo ngày thứ Bảy - Chủ nhật (trước rằm tháng Giêng).
Sau thời khóa lễ bái Tam bảo, thọ trì tam quy ngũ giới, đại chúng nhiễu tháp tháp Hòa thượng Giới Nghiêm, cùng cử hành nghi thức tưởng niệm, tri ân cố Hòa thượng. Hòa thượng Thích Bửu Chánh, viện chủ thiền viện Phước Sơn chia sẻ vài nét cuộc đời cố Hòa thượng Giới Nghiêm.
Cung thỉnh di ảnh Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Giác Chánh an vị bảo tháp |
Sinh thời, Hòa thượng Giới Nghiêm khai sơn thiền viện Phước Sơn. Ngài là Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy VN, là một trong những thành viên tích cực sáng lập Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh và truyền bá Phật giáo từ Thừa Thiên Huế, các tỉnh miền Tây (Tiền Giang).
Để tưởng niệm công đức hoằng dương chính pháp, đối với Phật giáo Nguyên thủy VN, hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng, thiền viện Phước Sơn tổ chức lễ húy nhật Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Giác Chánh. Đây là hai vị cao tăng, Hòa thượng Giác Chánh là hàng đệ tử của Hòa thượng Giác Nghiêm, cả hai vị đều có công trạng rất to lớn đối với việc duy trì và truyền bá Phật giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam.
Chư Tăng nhiễu tháp Hòa thượng Giới Nghiêm |
Tại chính điện, trước khi cử hành lễ tưởng niệm Hòa thượng Giác Chánh, Hòa thượng Bửu Chánh cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Giới Nghiêm ôn lại hành trạng, công đức to lớn của ngài với đạo pháp.
Ngài sinh năm 1947 tại Vĩnh Long, thế danh Phạm Văn Chánh. Năm 1967, ngài xuất gia với Hòa thượng Tịnh Sự, chuyên tâm tạng A-tỳ-đàm. Năm 1971, ngài ra Vũng Tàu học thiền Tứ niệm xứ với Hòa thượng Giới Nghiêm. Năm 1973, ngài vào học ở Phật học viện Phật Bảo của Hòa thượng Giới Nghiêm.
Lễ tưởng niệm Hòa thượng Giác Chánh |
Sinh thời, ngài là giảng sư nổi tiếng tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Vĩnh Long, dành thời gian biên soạn, ấn tống các sách Phật giáo Pháp Âm (2 tập), Pháp Thừa (2 tập), Chính Đạo Ngâm Khúc (thi hóa nội dung kinh Cát Tường - Mangalasutta), Đạo Trường Siêu Thanh (không xuất bản), Vi Diệu Pháp nhập môn (in sau năm 1975).
Công trạng của ngài còn thể hiện ở trong xây dựng tự viện, nuôi dạy đồ chúng, hoằng pháp… 74 năm hiện hữu, 50 năm mặc áo nhà sư, mối quan tâm lớn nhất của ngài là đào tạo các thế hệ Tăng tài, truyền bá giáo pháp.