Đức Pháp chủ GHPGVN: Cần chú trọng việc độ người xuất gia và trách nhiệm truyền giới pháp

Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đạo từ trong Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo năm 2024 tại tỉnh Bình Dương, do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức - Ảnh: BGN
Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đạo từ trong Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo năm 2024 tại tỉnh Bình Dương, do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức - Ảnh: BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 7-10 (5-9-Giáp Thìn), Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm chứng minh Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo năm 2024 do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức cho các tỉnh thành phía Nam, diễn ra tại tỉnh Bình Dương.

Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN tán thán Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự T.Ư cùng với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã tổ chức Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật đầu tiên của nhiệm kỳ sau Đại hội IX của Giáo hội, nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh để đồng bộ các sinh hoạt của Tăng, Ni trên tinh thần Giới luật Phật chế.

Ngài nhấn mạnh ý nghĩa sống còn của Giới luật đối với Tăng đoàn nói riêng và Phật giáo nói chung; đồng thời khẳng định nền tảng của Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Đại thừa.

Tinh thần Đại thừa của Phật giáo Việt Nam được Đức Pháp chủ cho biết thể hiện qua sự linh hoạt trong việc ứng dụng Phật pháp, theo yêu cầu của dân tộc, tùy hoàn cảnh lịch sử qua hai ngàn năm gắn bó và đồng hành cùng đất nước.

“Giới luật đặt trên nền tảng của đạo đức con người, sự hiểu biết giáo lý và làm lợi ích cho đất nước, cho dân tộc là trên hết.”, Đức Pháp chủ nhận định.

Chư Tăng tham dự

Chư Tăng tham dự

Ngài cũng khai thị về tính tương đối và phương tiện trong việc Đức Phật chế định giới luật dành cho người xuất gia. Theo đó, trong thời kỳ đầu của Đức Phật, các vị thánh đệ tử là thanh tịnh Tỳ-kheo, do đó Giới luật chưa ra đời.

12 năm sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, với sự kính ngưỡng của các tầng lớp xã hội đối với Đức Phật, nhiều người đi xuất gia theo Ngài, để thanh tịnh Tăng-già, Đức Phật đã chế định Giới luật.

Điều quan trọng đầu tiên, theo Đại lão Hòa thượng Pháp chủ, việc chế định này đồng nghĩa với việc sàng lọc những người “tặc tâm xuất gia”, gia nhập Tăng đoàn nhưng không vì mục tiêu giải thoát và giác ngộ mà vì lợi dưỡng.

“Từ đó đến nay, đã trải qua hơn 2.500 năm, lịch sử nhân loại cũng phát triển. Ngày nay, Giáo hội chúng ta tổ chức triển khai Giới luật của Đức Phật thì cũng cần kết hợp với Luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chúng ta hiện tại, để làm sao sống hài hòa, làm lợi ích được cho đất nước, cho dân tộc. Nếu còn làm lợi ích cho đất nước và dân tộc này thì đạo Phật chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển trên đất nước này.”, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN nói.

Theo ngài, đó là cơ sở để Giới luật trở thành đạo đức của người tu trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Nội dung thứ hai, Đức Pháp chủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc học, hiểu giáo lý một cách căn bản, có sự tham cứ các kiến thức xã hội, trong đó có cơ sở pháp lý, lịch sử… mới đủ điều kiện kết hợp một cách hài hòa để phát triển.

Điều quan trọng thứ ba, ngài nhấn mạnh đến việc Giới luật đặt trên lợi ích căn bản của số đông. “Tôn giáo mà không vì lợi ích cho số đông thì chúng ta không xứng đáng để tồn tại trên trái đất này.”, Đức Pháp chủ GHPGVN khẳng định.

Từ cơ sở đó, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ mong mỏi chư tôn đức tham dự Khóa bồi dưỡng liên quan Giới luật do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức kỳ này chia sẻ những sự bất cập, dị đồng một cách cụ thể xảy ra ở địa phương mình, để Ban Tăng sự T.Ư có cơ sở nhận định nhằm đề xuất thiết định các quy định tạo nền tảng vững chắc cho Phật giáo phù hợp với thời đại, bối cảnh hiện nay của đất nước.

Đức Pháp chủ chia sẻ sự quan tâm và ý chí thống nhất của chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh về việc cần thiết định lại một cách căn bản điều kiện độ người xuất gia, truyền thọ giới pháp trong thẩm quyền của GHPGVN

Đức Pháp chủ chia sẻ sự quan tâm và ý chí thống nhất của chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh về việc cần thiết định lại một cách căn bản điều kiện độ người xuất gia, truyền thọ giới pháp trong thẩm quyền của GHPGVN

Dịp này, Đức Pháp chủ nhắc lại những phân tích, nhận định và thống nhất ý chí của chư tôn Trưởng lão Ban Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh trước và trong Đại nghị lần thứ nhất vào tháng 11-2023, tập trung vào thực trạng và giải pháp liên quan tới Giới luật của người xuất gia, trong đó vấn đề quan trọng là vấn đề Hội đồng Trị sự đứng ra tổ chức Đại giới đàn, chính thức tuyển chọn người tu.

“Với những người không đủ phẩm chất người xuất gia, thì Giáo hội ở các tỉnh thành không thể dễ dãi cho họ thọ giới.”, ngài nhắc lại sự thống nhất ý chí của chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh, đồng thời lưu ý các điều kiện cần thiết để quyết định tiếp nhận Tăng, Ni; trách nhiệm của bổn sư, y chỉ sư đối với đệ tử của mình theo truyền thống thử thách của thiền môn.

Đó cũng là cơ sở để Hội đồng Chứng minh khuyến nghị Hội đồng Trị sự, cụ thể là Ban Tăng sự T.Ư trách nhiệm việc tổ chức Đại giới đàn mà không để các tỉnh thành tự tổ chức như lâu nay.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Trưởng ban Tổ chức thay mặt hội chúng thành kính đón nhận lời đạo từ của Đức Pháp chủ và hứa sẽ triển khai theo huấn thị của ngài cũng như Đại nghị lần thứ nhất của Hội đồng Chứng minh GHPGVN

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Trưởng ban Tổ chức thay mặt hội chúng thành kính đón nhận lời đạo từ của Đức Pháp chủ và hứa sẽ triển khai theo huấn thị của ngài cũng như Đại nghị lần thứ nhất của Hội đồng Chứng minh GHPGVN

“Việc tổ chức Đại giới đàn do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức, kết hợp với các tỉnh thành, mới tạo được sự công tâm, có giá trị đồng bộ ở tất cả các địa phương. Vì nếu giao cho các tỉnh thành tổ chức, có nơi thì làm tốt nhưng cũng có tỉnh thành tổ chức chưa tốt được. Vì vậy, Hội đồng Chứng minh yêu cầu Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự T.Ư trách nhiệm tổ chức Đại giới đàn cho từng khu vực để thống nhất về chất lượng.”, Đức Pháp chủ chia sẻ.

Ngài cũng yêu cầu chư Tăng Ni lãnh đạo Ban Trị sự, Ban Tăng sự T.Ư và các tỉnh thành tham dự khóa bồi dưỡng cần ghi nhớ để thảo luận, trao đổi, góp ý và thống nhất các nguyên tắc căn bản như điều kiện người xuất gia, thọ giới, để đào tạo trở thành các bậc giới phẩm.

“Nếu chúng ta thống nhất được điều này thì chúng ta mới xây dựng được Giáo hội trên tinh thần Giới luật ở trong giai đoạn mới; được như thế, chắc chắn Phật giáo chúng ta còn có thể đóng góp nhiều cho đất nước này và cho dân tộc này. Như vậy, chúng ta mới xứng đáng tiếp nối sự nghiệp của tiền nhân để lại.”, ngài huấn thị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sách "Nhà sư và khu vườn" (Hyunjin - Hồng Hà dịch) - Ảnh: N.Danh

“Lắng nghe giáo lý loài hoa”

GNO - Bốn mùa - xuân, hạ, thu, đông nơi khu vườn chùa, như một kiếp nhân sinh biểu hiện sinh động qua quyển sách Nhà sư và khu vườn của tác giả Hyunjin.

Thông tin hàng ngày