Đức Pháp chủ GHPGVN: “Làm mất tín tâm của Phật tử là phá hoại Đạo pháp”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong kỳ Bố-tát đầu tiên của mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2567, tại Việt Nam Quốc Tự, sáng 29 tháng Tư năm Quý Mão (16-6-2023), Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có lời giáo giới cho chư Tăng thuộc Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, TP.Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn Thành phố.

Sau khi nghe lại giới Tỳ-kheo và Bồ-tát, trước sự thỉnh cầu của Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, Đức Pháp chủ có lời huấn thị, hỏi ý kiến của Đại Tăng.

Đại chúng đã bày tỏ niềm hoan hỷ theo lời thỉnh cầu của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, mong Đức Pháp chủ vì chúng Tăng có lời giáo giới sau mỗi khi bố-tát chung tại Việt Nam Quốc Tự, nửa tháng một kỳ, trong mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2567.

Đức Pháp chủ GHPGVN nhắc nhở rằng thời gian chư Tăng tập trung cùng nhau nghe giới, chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hành đạo rất quý, đó là cơ hội để khích lệ, sách tấn nhau cùng đi trên con đường phụng sự, vẫn giữ được cốt cách của người xuất gia.

Ngài chia sẻ về những việc làm quan trọng của Hội đồng Chứng minh và chức năng của Văn phòng Đức Pháp chủ, Ban Giám luật được quy định và cụ thể hóa trong Hiến chương tu chỉnh lần thứ 7, Quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Giám luật tu chỉnh lần thứ nhất, sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX cuối năm 2022.

“Số lượng Tăng Ni thuộc GHPGVN ngày nay đã hơn 5 vạn người. Với số lượng tăng trưởng đông như vậy chắc chắn nhiều vấn đề cũng nảy sinh, kể cả tệ nạn, cho nên, cần điều chỉnh và xử lý để làm thanh tịnh đoàn thể xuất gia, giữ sự kỷ cương, góp phần trang nghiêm Giáo hội. Bởi nếu không, những trường hợp dù là cá nhân nhưng có thể làm tổn thất tín tâm của người Phật tử, gây hiểu lầm trong xã hội về Phật giáo, tổn hại là không nhỏ”, ngài nói.

Đức Pháp chủ cũng nhắc lại nguyên nhân chế luật thời Đức Phật tại thế, theo sự phát triển của Tăng đoàn về số lượng, với sự gia nhập của nhiều thành phần xã hội và trải rộng trên nhiều vùng văn hóa.

Một hành giả nếu an trú trong Chánh định, thì không cần câu chấp vào giới luật. “Chứng ngộ, đắc các quả vị thánh là cốt lõi trong sự nghiệp tu hành của người xuất gia. Tuy nhiên, tất cả chúng ta ở đây, kể cả tôi, đều chưa chứng đắc A-la-hán nên phải nhờ đến giới luật và nỗ lực giữ gìn tịnh giới để có thể đi trọn con đường tu hành, đạt đến chân linh thường hằng trong mỗi người; Giữ giới và trì luật, từ đó có oai nghi tế hạnh, trên cả hai phương diện giới tánh lẫn giới tướng, để vừa tu tập vừa phụng sự theo chức trách mà Giáo hội, Tăng đoàn giao phó”, Đức Pháp chủ GHPGVN huấn thị.

Ngài cũng dẫn dụ tấm gương các bậc tôn túc của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, như chư vị Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thanh Từ…, với sự tự ý thức về trách nhiệm của người Thầy tâm linh, hướng dẫn tín đồ tu học đúng tinh thần Chánh pháp, mang lại lợi lạc cho xã hội.

Ngài khuyến khích chư Tăng hiện diện, theo thời duyên, việc an cư không được cấm túc hoàn toàn mà còn phải thực hiện các Phật sự của Giáo hội và tự viện. Tuy nhiên, không vì thế mà xao lãng tinh thần an cư, phải xem việc giữ giới, thiền định và phát triển trí tuệ là sự nghiệp của mỗi Tăng Ni. “Nếu không có chất liệu của sự tu tập, không có oai nghi tế hạnh thì lấy gì để làm Phật sự, làm sao có thể hướng dẫn được cho tín đồ, người đến sau?”, Đức Pháp chủ chia sẻ nỗi trăn trở của ngài.

Vị giáo phẩm đứng đầu Hội đồng Chứng minh GHPGVN nhấn mạnh về tầm quan trọng pháp hành Tứ niệm xứ, vai trò của Tứ chánh cần trong sự thực hành Thiền định; đồng thời ngài cũng chia sẻ những kinh nghiệm điều thân qua việc tiết giảm ăn uống theo nếp thiểu dục tri túc của phương Đông nhằm vượt lên và vượt qua được các chướng duyên của đời người.

“Giáo hội chúng ta ngày nay có số lượng Tăng Ni rất đông, khi số lượng tăng trưởng nhanh thì theo đó cũng có các hệ lụy. Điều này không phải mới mẻ mà từng xảy ra trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Sự cám dỗ của lợi dưỡng, sự níu kéo của danh vọng, tiếng tăm… cùng với các phương tiện tiêu dùng của xã hội, phần nào đã tác động đến đời sống tôn giáo, ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của Tăng Ni. Nếu xa rời giới luật, không chú tâm thực hành thiền định và các pháp môn để nuôi dưỡng chân linh trong mỗi người, thiếu pháp hành mà nặng về kiến thức thì sớm hay muộn gì cũng dẫn tới sự nhầm lẫn tai hại, không phân biệt đâu là Phật giáo, cái gì là phi Phật pháp, nói bậy và làm càn, rất nguy hại!”, ngài căn dặn.

Đức Pháp chủ GHPGVN cũng cho biết, trong trường hợp đáng tiếc liên quan tới đạo hạnh và giới luật của người xuất gia, thì Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh sẽ phải xem xét, có những biện pháp xử lý. Đó là việc mà Hội đồng Giám luật, nay là Ban Giám luật cũng đã từng làm ở các mức độ khác nhau.

“Khi một vị Tăng hay Ni có suy nghĩ, lời nói và hành vi làm tổn thất niềm tin của tín đồ đối với Phật giáo thì đó là hành vi phá hoại Đạo pháp”, và với trường hợp đó, Đức Pháp chủ cho biết, Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh sẽ phải xử lý.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày