Cung nghinh Đức Pháp chủ và phái đoàn GHPGVN quang lâm chùa Thánh Long, Thái Bình |
Cùng đi với Đức Pháp chủ có Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội; Hoà thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính T.Ư, cùng chư vị giáo phẩm Ban Hoằng pháp T.Ư, Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư, Ban Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ.
Tại chùa Thánh Long thuộc TP.Thái Bình - Trụ sở của Ban Trị sự tỉnh và là trường hạ an cư số 1 của Phật giáo tỉnh Thái Bình, Thượng tọa Thích Thanh Hòa, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự cùng chư Tăng Ni Ban Thường trực, Ban Trị sự các tỉnh thành lân cận, đông đảo Phật tử vân tập đón Đức Pháp chủ và phái đoàn chư vị giáo phẩm Hội đồng Trị sự.
Chư tôn đức và lãnh đạo tỉnh Thái Bình |
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Thái Bình Vũ Thanh Vân, cùng lãnh đạo UBND, các sở, ban ngành tỉnh Thái Bình, TP.Thái Bình và địa phương sở tại cũng đến đón, chào Đức Pháp chủ và các vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội.
Đại diện Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình, Thượng tọa Thích Thanh Hòa đã dâng lời khánh tuế nhị vị Trưởng lão Pháp chủ và Phó Pháp chủ; đồng thời báo trình về tình hình của Phật giáo tỉnh nhà.
Theo đó, mùa An cư năm nay, Tăng Ni các địa phương thuộc tỉnh Thái Bình đã trở về chùa Thánh Long tác pháp an cư, dưới sự chứng minh, sách tấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ GHPGVN, Đường chủ các trường hạ tại tỉnh Thái Bình.
Thượng tọa Thích Thanh Hòa, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình |
Tỉnh Thái Bình hiện có 877 ngôi tự viện, trong đó có 163 ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa (25 chùa được công nhận là Di tích Quốc gia và chùa Keo (Thần Quang tự) được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt); với 615 Tăng Ni và 19 vạn tín đồ Phật tử.
Cũng trong dịp này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành đã phát biểu chào mừng Đức Pháp chủ và chư vị lãnh đạo GHPGVN về thăm Thái Bình.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình phát biểu chào mừng Đức Pháp chủ và chư vị lãnh đạo GHPGVN về thăm tỉnh nhà |
Dịp này, ông Nguyễn Tiến Thành cũng thông báo về tình hình phát triển của tỉnh Thái Bình, đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của Tăng Ni, tín đồ Phật tử vào công cuộc phát triển chung của tỉnh nhà.
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm thay mặt chư tôn đức Ban Hoằng pháp T.Ư và Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư tác bạch cúng dường trường hạ tập trung của Ban Trị sự tỉnh Thái Bình trong niềm hoan hỷ chung của hội chúng.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và Thượng tọa Thích Thanh Phong |
Hòa thượng cũng cho biết, theo sự chỉ đạo của Đức Pháp chủ và Hội đồng Trị sự, trừ hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, còn lại hàng năm, Ban Hoằng pháp T.Ư đều tổ chức các đoàn đi thăm, cúng dường và thuyết giảng các trường hạ ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Ban Hoằng pháp T.Ư và Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư cúng dường đến trường hạ tập trung của Phật giáo tỉnh Thái Bình |
Đạo từ trước toàn thể, Đức Pháp chủ GHPGVN nói về ấn tượng của ngài trong các lần về thăm tỉnh Thái Bình.
Theo đó, ngài cho biết nhân duyên với Hòa thượng Thích Thanh Hiền (1918-2001) và được Hòa thượng hướng dẫn thăm chùa Keo, một công trình đặc sắc của tỉnh Thái Bình được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Với Phật giáo, giai đoạn sau khi đất nước thống nhất, số lượng Tăng Ni tại tỉnh nhà rất ít, chỉ vài vị.
Đức Pháp chủ GHPGVN ban đạo từ |
Lần thứ hai ngài đến Thái Bình, những ngày đầu Tỉnh hội Phật giáo Thái Bình thành lập, ngài đến thăm chùa Thánh Long và vẫn lưu trong ký ức của mình về một ngôi chùa hoang vắng, đường đi khó khăn, nhiều ao tù bao quanh. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Tăng Ni, Phật tử với truyền thống kiên cường của mình đã vượt qua tất cả.
Với lần này, trong mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2567, ngài đến tỉnh Thái Bình với nhiều niềm hoan hỷ trước sự đổi thay hoàn toàn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt với sự phát triển của Phật giáo, số lượng Tăng Ni tăng trưởng hơn 600 vị; đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tỉnh nhà như nhận định của lãnh đạo tỉnh chia sẻ với ngài.
“Tôi xin thay mặt GHPGVN biểu dương Tăng Ni, Phật tử tỉnh Thái Bình”, Đức Pháp chủ tán thán.
Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình |
Ngài cũng chia sẻ về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX với công cuộc chấn hưng đến khi GHPGVN thành lập (1981) cũng như vai trò quan trọng của GHPGVN trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Dịp này, Đức Pháp chủ cũng đã thăm hỏi và cúng dường đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chứng minh đạo sư của GHPGVN tỉnh, Đường chủ các trường hạ tập trung tại tỉnh Thái Bình.
Trước đó, ngày 11-8, Đức Pháp chủ và phái đoàn chư tôn đức lãnh đạo Hội đồng Trị sự, Ban Hoằng pháp T.Ư, Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư đã đến thăm Phật giáo tỉnh Thái Nguyên và thăm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng cũng như cúng dường các trường hạ tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Sau đây là những hình ảnh do PV Báo Giác Ngộ ghi nhận:
Quang cảnh buổi cung nghinh chư tôn Trưởng lão Hội đồng Chứng minh, quý giáo phẩm Hội đồng Trị sự tại chùa Thánh Long, tỉnh Thái Bình ngày 12-8-2023 |