GN - Trong suốt gần một tuần qua, người Phật tử khắp nơi trên thế giới hân hoan kính mừng Đại lễ Phật đản lần thứ 2.637 - PL.2557 (2013).
Tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 10 với chủ đề “Giáo dục và trách nhiệm công dân toàn cầu từ quan điểm Phật giáo”, quy tụ hơn 1.500 đại biểu Phật giáo của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại lễ Phật đản PL.2557 - DL.2013 được tổ chức
long trọng, thành kính tại Thái Lan - Ảnh: Hoàng Độ
Nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon; Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cùng nguyên thủ các quốc gia đã gởi nhiều bức thông điệp nhân ngày Vesak - ngày thế giới tôn vinh Đức Phật, với nhận thức sâu sắc rằng giáo lý và lối sống mà Đức Thế Tôn đã dạy là giải pháp cho những khủng hoảng của nhân loại hiện nay; và rằng, nền hòa bình, sự hạnh phúc và an lạc thực sự “đến từ bên trong, đừng mất công đi tìm kiếm bên ngoài”.
Ở trong nước, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thông điệp gởi đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Theo đó, Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ đã kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tinh tấn, nỗ lực tu tập để xứng đáng là gương mẫu trong xã hội. Đó là “tâm hương” để cúng dường lên Đức Phật nhân kỷ niệm ngày Đản sanh của Ngài.
Rõ ràng, giá trị lời dạy của Đức Phật ngày càng được xác tín mạnh mẽ trên thế giới, là giải pháp cho nhiều vấn đề mà nhân loại đã và đang gặp phải, là lối sống chắc chắn đem đến hòa bình, hạnh phúc và an lạc thực sự.
Cuộc đời của Đức Phật, từ lúc là Bồ-tát ở Đâu-suất thiên, giáng sanh vào đời, rồi rời bỏ cung vàng điện ngọc, vinh hoa phú quý và quyền lực của một đấng quân vương để xuất gia, dấn thân thực nghiệm thiền định, thành đạo, giáo hóa chúng sanh không mệt mỏi và thị hiện nhập Niết-bàn… tất cả vì lòng thương tưởng chúng sanh. Chính cuộc đời Ngài là một thông điệp sống động về tình thương rộng lớn, trí tuệ sáng suốt và tinh thần dũng mãnh vô bờ của bậc Thầy của Trời Người.
Là đệ tử Phật, để có thể báo đáp ơn sâu trong muôn một của Ngài, những đệ tử xuất gia và tại gia chúng ta noi gương và tu tập theo hạnh nguyện từ bi; giữ gìn giới luật, thực hành thiền định để có được trí tuệ sáng suốt; tinh tấn dũng mãnh trên con đường hành đạo, tích cực góp phần xây dựng quê hương xứ sở theo hướng thiện lành. Đó là cách báo đáp ân sâu của Đức Thế Tôn một cách thiết thực và hiệu quả nhất, chính là “tâm hương” để cúng dường lên Đức Phật, như lời của Đức Pháp chủ đã kêu gọi trong thông điệp Phật đản năm nay.
Nói cách khác, để xứng đáng là sứ giả Như Lai, tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự, chúng ta luôn noi gương Đức Phật nỗ lực tu tập, tăng trưởng tâm từ bi, trí tuệ và sự dũng mãnh trong đời sống hàng ngày, trong suy nghĩ, lời nói và cả hành động.
Tinh thần Bi - Trí - Dũng như ba chân của một chiếc kiềng, tạo nền tảng vững chắc cho chúng ta tự tin trên mọi nẻo đường, trong mọi hoàn cảnh, hòa đồng vào xã hội mà không bị những tà nghiệp tham-sân-si, các dục vọng tham lam của ác ma mê hoặc, chi phối định hướng trên con đường tu tập. Mong rằng ý lực Bi - Trí - Dũng thể hiện tính ưu thời mẫn thế của Đức Từ phụ luôn hiện hữu nơi mỗi chúng ta.