Đức Phật - vị vua hòa bình

Đức Phật - vị vua hòa bình

Từ khi giáo pháp Đức Phật ra đời thì xã hội Ấn Độ không còn nhiều những cảnh tế lễ bằng súc vật và giết người sống để tế lễ vốn là truyền thống tín ngưỡng thần linh lâu đời của dân Ấn. Đức Phật phản đối việc cúng kiếng tế lễ bằng máu thịt theo kinh điển Veda (Vệ-đà), Ngài cho rằng đó là việc làm chẳng những không lợi ích mà còn có hại vì làm tổn thương đạo đức và làm giảm thiểu phước báu của những người có niềm tin sai lầm đó, nghiệp báo của việc sát hại sinh linh có thể khiến cho họ rơi vào đọa xứ, địa ngục. Hơn nữa, không sát sinh còn thể hiện tinh thần từ bi, bình đẳng, tôn trọng sự sống của muôn loài. Trong Tương ưng bộ kinh III có ghi lại, Đức Phật đã can ngăn vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala (Kiều-tát-la) khi vị vua này tổ chức một đại tế đàn có đến 500 con bò mộng, 500 con bò cái, 500 con dê, 500 con cừu… Ngài tâu với vua rằng, không có tế lễ bằng người hay vật nào đem lại lợi ích. Bậc trí tránh xa các đại tế đàn có chúng sinh bị giết. Trái lại, các tế đàn không đẫm máu, không tổn hại chúng sinh và không hao tốn nhiều sẽ có ích cho người cúng tế và làm vui lòng chư Thiên. Trong Trường bộ kinh, Đức Phật cũng khuyên can một người Bà-la-môn giàu có tên là Kùtadanta khi ông ta định tế lễ 700 súc vật mỗi loại. Đức Phật nói rằng, cúng dường các sa-môn, xây tịnh xá, thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành thiền, tu học Chánh pháp là những cách tế lễ đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Ngài dạy: “Người nào cầu an vui cho mình mà lại dùng dao gậy não hại kẻ khác thì sẽ không được an vui”(PC.131), “Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng sợ chết, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết” (PC.129). Giới luật Phật chế dù của hàng đệ tử xuất gia hay tại gia, từ hàng Bồ-tát, Nhị thừa trở xuống cho đến Nhân thừa đều nghiêm cấm sát sinh. Tinh thần từ bi, bình đẳng, tôn trọng quyền sống và niềm an vui hạnh phúc của kẻ khác luôn xây dựng con đường hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho nhân loại, chúng sinh dù ở bất cứ thời đại nào nếu như tinh thần ấy được thực thi triệt để.

Một lần, vua Ba-tư-nặc xứ Kiều-tát-la đem quân đánh nhau với vua Ajatasattu (A-xà-thế) xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) và bị bại trận. Đức Phật hay tin đã dạy các thầy Tỳ-kheo rằng: “Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù, kẻ thất bại sống trong khốn khổ. Những ai từ bỏ ý niệm chiến thắng và chiến bại, sẽ sống thanh bình an lạc” (Tương ưng bộ kinh).

Khi vua Pasenadi tái chiến với vua Ajatasattu và chiến thắng bắt được vua Ajatasattu cùng thâu đoạt toàn bộ binh mã, Đức Phật đã dạy như sau: “Vì nghĩ đến tư lợi, hận thù nên mới cướp của người, hại người. Rồi bị người cướp lại, hại lại. Và cướp bóc, chiếm đoạt trở đi trở lại không ngừng. Ngày nào quả xấu chưa đủ duyên để trổ, người cuồng si nghĩ rằng: “Đây là một dịp may”. Nhưng khi quả trổ, người kia phải chịu khốn khổ. Người sát nhân gặp kẻ sát nhân, người xâm lăng bị chinh phục, kẻ hỗn hào bị chửi mắng, người ưa quấy rầy bị phiền nhiễu. Theo tiến trình diễn biến của hành vi, kẻ cướp ắt bị cướp” (Tương ưng bộ kinh).

Trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu (Yamakavagga), Đức Phật đã dạy về tinh thần từ bi, hỷ xả, bất bạo động, chủ trương hòa bình vô điều kiện, đây là cách chấm dứt chiến tranh, chấm dứt hận thù, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột ngay từ trong bản chất, đây là con đường chấm dứt sự sinh khởi của những nghiệp duyên bất thiện, những nguồn gốc khổ đau. Đức Phật dạy:

“Nó làm nhục tôi, tấn công tôi!

Nó chiến thắng tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt của tôi!”

Ai chứa trong lòng tư tưởng ấy,

Thì sự oán thù không thể nguôi.

Nó làm nhục tôi, tấn công tôi!

Nó chiến thắng tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt của tôi!”

Không chứa trong lòng tư tưởng ấy,

Hận thù, oán hận sẽ dần nguôi”.

(PC.3-4)

“Các mối hận thù trên thế gian

Chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân

Từ bi trừ khử niềm sân hận

Định luật muôn đời của cổ nhân”.

(PC.5)

Đức Phật từng dạy Sa-di Ràhula (La-hầu-la) cũng như các đệ tử khác như sau: “Bất luận điều gì con muốn làm, phải suy xét thế này: “Điều mà ta muốn thực hiện có hại cho ta, hay có hại cho kẻ khác, hoặc có hại cho ta và cho kẻ khác không?” Nếu có, vậy thì hành động này là bất thiện, hành động này đem lại phiền não và đau khổ. Hành động như vậy, con phải tránh, không nên làm. Nhưng nếu khi suy xét con nhận định rằng: Hành động mà ta muốn thực hiện sẽ không có hại cho ta, không có hại cho ai khác, cũng không có hại cho cả ta và kẻ khác. Như vậy, đó là hành động thiện, sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Hành động như thế con nên làm” (Trung bộ kinh).

Trong vòng luân hồi sinh tử, nhiều đời nhiều kiếp chúng sinh đã từng làm ông bà, cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cái của nhau, vì thế mà Đức Phật dạy phải đối xử với nhau bằng tình thương, tình thân ái, sống hòa đồng không phân biệt màu da sắc tộc, không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng… Và trên tinh thần bình đẳng tánh, Đức Phật cho biết mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, Ngài là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành, do đó mỗi người cần phải học hạnh của Thường Bất Khinh Bồ-tát như kinh Pháp hoa đã dạy. Sự làm tổn hại chúng sinh khác chẳng khác nào làm tổn hại ông bà cha mẹ nhiều đời của mình (Kinh Phạm võng Bồ-tát giới), hơn thế nữa là làm tổn hại một vị Phật tương lai (Kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát).

Trong hệ thống giáo lý của Đức Phật có Lục hòa kỉnh pháp là giáo lý giúp xây dựng đời sống hòa bình, an lạc cho tập thể, cộng đồng xã hội, cho quốc gia, cho thế giới. Nội dung giáo lý Lục hòa gồm 6 nguyên tắc sống hòa hợp trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên tinh thần từ bi và trí tuệ hay tình thương và hiểu biết:

1. Thân hòa đồng trú: Cùng sống trong một gia đình, trong một cộng đồng xã hội, một đất nước, cùng sống trên hành tinh xanh này phải biết tôn trọng, thương yêu nhau, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, không tranh chấp, làm hại lẫn nhau. Nếu thực thi nguyên tắc này thì thế giới sẽ không còn bạo lực, chiến tranh, không còn khủng bố, nhân loại sẽ không còn những bất an vì những mâu thuẫn, xung đột, bất hòa.

2. Khẩu hòa vô tránh: Không dùng lời lẽ phê phán, chỉ trích, kích bác, buộc tội, không dùng lời khiêu khích, gây hấn, không dùng lời chia rẽ, ly gián... Tôn trọng nguyên tắc này là không dùng lời nói gây mâu thuẫn, xung đột, hiềm khích, biết dùng lời từ ái, có thiện chí, tôn trọng nhau, trọng lẽ phải. Trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, dùng biện pháp thương lượng, hòa đàm.

3. Ý hòa đồng duyệt: Tư tưởng không bất đồng, chống trái. Thống nhất tư tưởng theo chí hướng hòa bình, từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha.

4. Giới hòa đồng tu: Cùng nhau thực hiện tinh thần đạo đức vì lý tưởng cao đẹp, vì lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, của nhân loại, chúng sinh, vì hòa bình, an lạc.

5. Kiến hòa đồng giải: Hoà hợp trong nhận thức, kiến giải. Cùng giao lưu, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, những thành tựu văn hóa, khoa học, những giá trị tinh thần…

6. Lợi hòa đồng quân: Tôn trọng sự bình đẳng về quyền lợi giữa các cá nhân, trong quan hệ giữa các tổ chức, quốc gia trên thế giới. Không tham lam, tư lợi, không vơ vét, chiếm đoạt, biển thủ, không tranh chấp, lấn lướt, tôn trọng quyền được sinh tồn, quyền sống, quyền tự do, quyền thụ hưởng thành quả xã hội v.v...

Có thể nói, giáo lý Lục hòa của Đức Phật mang tư tưởng hết sức tiến bộ mà xã hội hiện đại chúng ta cần phải học tập và ứng dụng để giải quyết một cách sáng suốt những mâu thuẫn, xung đột, tình trạng chiến tranh trên thế giới mà từ xưa cho đến nay luôn xem là một vấn nạn lớn.   

Chân lý về Duyên sinh Vô ngã mà Đức Phật đã chứng ngộ và chỉ dạy, một giáo lý nòng cốt, quan trọng bậc nhất trong hệ thống giáo lý đạo Phật cho biết rằng, không có sự tồn tại độc lập của một chúng sinh mà không có mối quan hệ với những chúng sinh khác. Tất cả sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà tồn tại, cái này có mặt dẫn đến sự có mặt của những cái khác, cái này thay đổi, biến hoại dẫn đến sự thay đổi, biến hoại của những cái khác v.v... Sự làm tổn hại chúng sinh khác cũng chẳng khác làm tổn hại chính mình; sự tác động vào thế giới luôn tạo ra những phản ứng tiêu cực hoặc tích cực được xem là hậu quả theo con đường nhân-duyên-quả tất yếu. Đó là quy luật của vạn hữu. Không có sự tách biệt giữa con người và thế giới, giữa các cá thể; không có một thực thể có chủ tể tồn tại độc lập, mà tất cả chỉ là điều kiện của nhau. Khi anh tàn phá, hủy diệt tôi cũng chính là anh đang tàn phá, hủy diệt chính mình. Nếu mọi người đều ý thức được điều này, cùng chung tay xây dựng hòa bình bằng tinh thần tương thân tương ái, bình đẳng, vô ngã, vị tha, xóa bỏ sự phân chia giới tuyến, sự phân biệt kỳ thị, tỵ hiềm, sự bảo thủ, cố chấp, xóa bỏ cái tôi ích kỷ, tham lam, đố kỵ, hận thù… thì thế giới sẽ không còn họa chiến tranh, đây đó không còn cảnh nhà tan cửa nát, máu đổ thịt rơi, đau thương tang tóc. 

Có thể nói Đức Phật là vua hòa bình và giáo lý của Ngài là con đường hòa bình đích thực. Bởi tinh thần hòa bình của Đức Phật không giới hạn trong phạm vi một dân tộc, một quốc gia, một khu vực; không giới hạn trong phạm vi nhân loại, mà nó trải rộng khắp tất cả chúng sinh, từ con người cho đến muôn loài vạn vật. Nó được nuôi dưỡng bằng lòng từ bi chứ không bằng tình yêu vị kỷ, tình yêu có hạn lượng, có bến bờ, tình yêu có điều kiện. Con đường hòa bình của Đức Phật không xây dựng bằng chiến tranh, bằng hận thù, bằng quyền lực và sức mạnh, mà được xây dựng từ trong bản chất của mỗi con người bằng những chất liệu từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày