Đức Từ Phụ

Đức Từ Phụ

          Mùa sen nở

          Tháng tư

          Trăng mùa hạ.

         
          Dạ vui mừng

          Đức Từ Phụ

          Chào đời.

                                                     (Mùa sen nở - Tâm Đạo)

Đọc hai câu thơ trên, tôi cũng thấy dạ nôn nao, lòng vui khấp khởi như nhà thơ Tâm Đạo. Vui là vui như thể Đức Từ Phụ vừa mới được sinh ra, thân thể là một hài nhi tướng mạo khác thường, bước bảy bước vững chải trên bảy đài sen.

Đức Phật là Đức Từ Phụ, là Đấng Cha Lành. Đức Phật có rất nhiều tên gọi và danh hiệu tôn kính khác. Riêng cái tên gần gũi nhất “Đức Từ Phụ” đã được nhà thơ Tâm Đạo gọi một cách cung kính yêu thương như thể gọi thân mật người cha trong gia đình, nhưng là người cha lớn trong một gia đình đạo thiêng bao trùm khắp chúng sanh muôn loại.

Có lẽ nhà thơ Tâm Đạo đã mượn ba chữ “Đức Từ Phụ” (Tứ sanh chi Từ phụ) trong bài kệ Tán Phật, bài mở đầu trong mỗi thời kinh để tán thán công đức vô lượng của Phật, mà mỗi Phật tử chúng ta không ai là không thuộc lòng:

           Đấng Pháp Vương vô thượng

           Ba cõi chẳng ai bằng

           Thầy dạy khắp trời người

           Cha lành chung bốn loại         

           Quy y tròn một niệm

           Dứt sạch nghiệp ba kỳ

           Xưng dương cùng tán thán

           Ức kiếp không cùng tận.

Và có lẽ, nhạc sĩ Phật tử lão thành Hằng Vang, trong bài hát quen thuộc Ánh đạo vàng được đông đảo Phật tử yêu thích, đã mượn hai tiếng “Cha lành” trong bài kệ này vào câu hát: “Ngài là Đấng Cha lành cứu độ nhân loại…”.

Hiểu một cách nôm na, hai chữ “Từ phụ” là cha lành hay cha hiền, cách gọi nào cũng rất hay! Chữ từ trong Từ phụ chính là từ bi. Người Phật tử học hạnh từ bi mà Cha lành đã trao truyền để luôn có tấm lòng nhân ái.

Khi người con Phật nhận được tình thương lớn từ Đấng Cha lành thì cũng phải biết đem tấm lòng từ của mình ra chia sẻ với người khác. Có như vậy cái chất từ bi trong ta mới thực sự có ý nghĩa và chất liệu từ bi đó ngày càng giàu có thêm.

Tôi tin vào những người con Phật thuần thành đều không bó hẹp từ bi của mình trong cái bản ngã hẹp hòi mà luôn dạt dào yêu thương hết muôn loại. Bởi từ khi còn bé thơ Oanh Vũ, các em đoàn sinh Phật tử đã được dạy yêu thương mỗi chiều chủ nhật trong lời nguyện sau thời kinh Sám hối: “Em thương người và vật”.

Hôm nay, mùa Phật đản sinh lại về, con xin kính lễ Ngài. Kính cẩn thắp một nén nhang trầm thơm ngát nói lên nỗi niềm hân hoan trong sự xúc động nghẹn ngào:

     Đức Từ Phụ hơn hai ngàn sáu trăm tuổi

     Con-lục tuần được phép gọi tiếng Cha.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày