GN - Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khuya ngày 25-6 tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM) giữa xe taxi và xe máy, sau đó tài xế xe taxi đã bỏ mặc nạn nhân khiến một người tử vong và một người khác bị thương nặng làm cho dư luận xôn xao về đạo đức trong cuộc sống này.
Hai nạn nhân còn rất trẻ, cô gái mới 24 tuổi, mẹ của một đứa con nhỏ, và người thanh niên kia chưa tới 20. Truy xuất camera an ninh tại nơi xảy ra tai nạn, cho thấy người tài xế đã xuống nhìn, sau đó lên xe bỏ đi; hơn 50 lượt người đi qua nhưng không một ai dừng lại giúp đỡ, mặc dù người thanh niên kia cố gắng cầu cứu.
Phải chăng “xã hội đối mặt sự vô cảm đang lấn lướt?”, một số ý kiến phân tích về hiện tượng này đặt ra câu hỏi làm nhức nhối bao người.
Hiện trường vụ tai nạn khuya 25-6 được camera an ninh khu vực ghi lại
Trả lời báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nhận định: “Có thể đây là những tín hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đạo đức đang đến. Thật rủi ro khi các quy phạm đạo đức không còn bảo vệ được chúng ta khỏi sự tha hóa, sự xấu xa và sự vô cảm”.
Điều đó không phải là không có cơ sở khi gần đây nhiều cuộc bạo hành diễn ra, trong đó có những nạn nhân cũng như người gây bạo hành còn rất trẻ, đang là học sinh, trong khi một số bạn bè đồng trang lứa đã không ngăn cản mà lại bàng quan, thậm chí có hành vi cổ vũ, tán thưởng.
Trong tranh luận về hiện tượng đó, một số ý kiến được nêu lên sở dĩ phải làm ngơ vì sợ liên lụy, kiểu “làm ơn mắc họa”. Điều đáng nói là tâm lý đó dường như trở thành “mẹo” trong ứng xử xã hội, được truyền miệng, và hậu quả là sự vô cảm có đà lấn lướt.
Hiện tượng đó đang trở thành mối đe dọa cho những phẩm chất tốt đẹp của con người, như lời cảnh báo trong thông điệp nhân Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vừa rồi, người đứng đầu của tổ chức này - Tổng Thư ký António Guterres đã đề cập thực trạng sự độ lượng bị thu hẹp, là nguyên nhân gây nên những xung đột và các vấn nạn xã hội khác.
Với cái nhìn của người Phật tử, việc thờ ơ, bỏ mặc, dù lý do ngại liên lụy, sợ phiền phức chính là biểu hiện của lòng ích kỷ, hướng sống khiến cho tâm con người trở nên hoang vu, khô cằn.
Chúng ta thử nghĩ khi người thân hay chính mình không may bị gặp nạn như vậy, thì sẽ như thế nào?
Tuy nhiên, lòng trắc ẩn, trách nhiệm, tình người không phải chỉ là lý thuyết, với hệ quy chuẩn ứng xử hình thức và vô hồn, mà phải được xây dựng trên nền tảng của niềm tin nhân quả, điều đã được cha ông chúng ta cô kết trong nhiều câu ca dao tục ngữ, câu chuyện ngụ ngôn trong kho tàng dân gian phong phú, nhẹ nhàng qua lời ru êm dịu, lời ăn tiếng nói đi vào lòng người.
Chuyện còn lại là chúng ta cần có môi trường, mảnh đất cho những hạt giống ấy phát triển. Đó không gì khác chính là sự bảo hộ của pháp lý, sự tôn vinh của xã hội đối với hành động tốt đẹp và lên án với cái xấu, ác một cách phân minh.
Có như thế mới đẩy lùi sự hoài nghi - yếu tố dẫn tới các cuộc khủng hoảng, để những phẩm chất tốt đẹp được thực hiện trong niềm tin an toàn, tạo nền tảng cho mọi phát triển, bởi phát triển thực sự phải là sự song hành tỷ lệ thuận giữa vật chất và tinh thần, đạo đức lối sống.