Đừng đợi có tiền mới tu!

GN - Một số người nghĩ rằng, mình phải kiếm thật nhiều tiền để làm việc thiện, và phải có nhiều tiền mới có thể làm từ thiện, giúp đời, giúp người. Suy nghĩ đó đã bó hẹp phạm vi thiện nguyện của người ấy lại, làm cho họ bỏ qua rất nhiều cơ hội để hiến tặng an vui, kiến tạo những giá trị thiện lành cho mình và người.

Làm việc thiện hay gieo nhân lành thực ra không khó và cũng không phải chỉ có tiền mới có thể làm được, tất nhiên, nếu có điều kiện vật chất, tiền bạc thì dễ dàng thực hiện hơn, nhất là trong những thiện sự cần tiền.

cung duong.jpg

Thành tâm cúng dường - Ảnh minh họa

Không khó để gieo nhân thiện, đó là khi ta khởi lên một nếp nghĩ, một cái nhìn từ ái dành cho những người bất hạnh mà ta vẫn gặp hàng ngày trong ngồn ngộn mưu sinh hay trên một bộ phim truyền hình nào đó. Một ánh mắt cảm thông với cô gái bán hoa thay vì cười cợt, chê bai cũng là một ý niệm thiện mà ta (lắm lúc) đã ác rất nhiều lần.

Một câu nói trung dung đủ để người kia bình an, còn người này bớt những sân si thay vì “châm dầu vào lửa” cũng là từ thiện, cũng là đã tạo ra một nhân tốt đẹp rồi. Cuộc sống đó, lắm khi chỉ vì một câu nói không thiệt bụng, khi thì lời khen tới đỉnh hoặc lời chê đến mức mạt sát người ta cũng có thể làm hư một con người. Cái hư của tự huyễn và cái hư của tự ti chung quy cũng vì một lời nói không xuất phát từ tâm chơn thật, là ta đã “giết chết” một cuộc đời.

Do vậy, thiện hay ác, là bởi tâm niệm ban đầu mình khởi lên, cái ý niệm mang ý đồ (tốt/xấu) ấy chính là nguồn cơn của tội lỗi hay không của ta. Chính vì thế mà ông bà mình thường bảo “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” - để chỉ cho hành động tưởng chừng như ác (roi vọt, lạnh lùng) ấy có khi lại xuất phát từ trái tim quảng đại, nghĩ sâu, nghĩ xa cho người.

Chuyện tu cũng như chuyện ở đời, ứng xử trong tư thế làm người, tuy gọi tên ngôn từ thì có khác nhưng không hai. Người tu mà không kiểm chứng bởi những oai nghi, tế hạnh, ứng xử nơi cuộc đời thì làm sao biết được đã “chứng” chưa. Do vậy mà “Phật pháp bất ly thế gian giác” là ở chỗ này. Mình ngồi trên pháp tòa, mình chơi với bạn đạo dễ thương... thì mình nói lời từ ái, nghe dễ ợt, vì có ai chống báng mình đâu? Cái khó là đi ra chợ, lội vào những khúc quanh co của cuộc sống, người ta nói này, nói nọ mà mình vẫn bình tâm được thì mới hay, mới thiệt là chứng.

Cái đó, nói thì vậy đó, chứ thử rồi mới biết, hàng hàng lớp lớp sân si, tham giận vẫn đang kề bên mình, núp ở phía sau lớp lang tử tế mà mình nghĩ là mình đã “ra ngô ra khoai” với nó rồi. Nghĩ thế, để mà thương, mà cẩn trọng, mà nhắc mình làm được gì thì làm, đừng có chê việc lành nhỏ rồi bỏ qua, như là tác ý mong cho ai đó bớt khổ (dù mình chưa có của giúp) thì cứ ráng mà cầu nguyện. Cũng như, đừng có nghĩ việc nói xỏ xiên ai đó không ăn thua gì rồi mặc tình sấn tới, có khi sẽ tạo ra khẩu nghiệp trùng trùng, mà “họa tùng khẩu xuất” nên việc ác mà miệng tạo dễ vô cùng, chỉ vì một câu nói nặng, đe nẹt người đã có thể xóa trắng tình bạn, tình thâm không chừng...

Trở lại chuyện giàu có mới làm thiện, đợi biết bao giờ? Xưa có người gặp hội đúc chuông, thấy trong người có cái cúc áo bằng đồng là quý đã nguyện cúng, ai dè đó là điều kiện để chuông kêu, vang thánh thót. Tâm thành tất chứng, như chuyện nhóm trẻ chơi đồ hàng dâng cúng Tăng đoàn Đức Thế Tôn “phẩm vật” là đất cát trò chơi, ấy vậy mà được thụ ký phước báo vô lượng. Miễn là bằng lòng thành, không tính toán, bằng phương tiện là ba nghiệp ý-khẩu-thân mà nghĩ, nói, làm thì thành tựu mọi thiện sự từ đó, rồi dần dần “vườn tâm gieo hạt giống tốt”, thì tâm ấy sẽ nở hoa tươi mát thay vì cỏ cây, gai góc um tùm trước đây!

Cứ thế mà quán chiếu, mà nghĩ suy thì sẽ thấy đường đi từ đó mà ra, và mình cứ đi như thế, thật thong dong, rồi cũng tới bãi, tới bờ thôi... 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày