GNO - Đêm giao thừa, trẻ nhỏ có em thích được đi xem bắn pháo bông, có em thích đi chơi, có em thích ở nhà đón giao thừa cùng gia đình. Bên cạnh đó, có không ít em tìm đến chùa lễ Phật đầu năm, cùng anh chị xuống đường phát quà, chia sẻ Tết yêu thương với người vô gia cư trên nẻo đường thành phố.
Hồn nhiên, dễ thương, đầy tình cảm - đó là lời nhận xét mà cô bác Phật tử dành cho các em bằng cả tình thương và niềm vui, hoan hỷ.
Gác lại chuyện đi chơi, các em đến chùa tụng kinh nguyện cầu điều tốt đẹp nhất đến trong năm mới
Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng 20g đêm giao thừa, các em nhỏ sinh hoạt gia đình Phật tử chùa Thiên Chánh (Q.Tân Phú) tập trung về chùa để làm lễ xuất phát, tặng quà cho người vô gia cư đón Tết.
Trong phần quà các em chở đi tặng cho mọi người, có tiền các em đóng góp, có sự chung sức của các cô, bác Phật tử thế nên các em rất trân trọng và trao quà bằng cả tình yêu thương. Mỗi phần quà được trao, các em đều kèm theo câu chào, câu chúc và trao quà bằng 2 tay với tất cả sự kính trọng.
Các em gọi việc làm này của mình là chia sẻ yêu thương với người kém may mắn hơn mình và gieo phước lành nhân dịp đầu năm mới. Còn các bác Phật tử đi dọc đường thấy các em tặng quà thì bảo “tụi nhỏ sống tình cảm quá, được giáo dục tử tế quá”.
22g30 phút, chùa Huê Lâm bắt đầu tụng kinh đón chào năm mới nhưng chưa đến giờ, các em đã tập trung, có mặt trên chánh điện chùa chờ quý Ni trưởng, Ni sư khai kinh vì sợ “lỡ giờ”.
Trong thời kinh 45 phút, mặc dù không ai nhắc nhở nhưng các em ý thức ngồi ngay ngắn và tụng rõ từng câu kinh. Và dĩ nhiên, gác lại chuyện đi chơi và lựa chọn đến chùa tụng kinh trong thời khắc đầu năm mới như thế này, các em đều có lý do, ý niệm riêng biệt. Có em tụng kinh để cầu nguyện cho cái chân bà nội hết đau; có em tụng kinh hồi hướng cho ba mẹ sống an vui, hạnh phúc; có em thành tâm tụng kinh gieo duyên lành với Bụt để được thông minh, học giỏi… đó là những lời cầu nguyện chính đáng, đầy tình thương.
Đặc biệt, có em, gác lại chuyện đi chơi, đến chùa tụng kinh không cầu nguyện bất cứ điều gì cho riêng mình mà dành lời cầu chúc tốt đẹp đến mọi người.
Nghe em Huỳnh Giao chia sẻ: “Có nhiều chùa tụng kinh lắm nhưng con chọn đến đây tụng kinh là vì tụng kinh cùng sư bà (Ni trường Như Châu) và quý sư cô đạo cao, đức trọng sẽ giúp phước báu được nhiều. Con muốn hồi hướng công đức này cho người nghèo để mọi người có cơm ăn, có tiền chữa bệnh”, các cô Phật tử ai cũng cười hoan hỷ.
Vì chùa Tuyền Lâm (Q.6) ở gần khu vực bắn pháo hoa, từ chánh điện chùa có thể nhìn thấy pháo bông được bắn ra từ Đầm Sen nên bé Hùng xin bố, mẹ cùng bạn bè đến chùa để xem pháo hoa. Thế nhưng, khi quý thầy khai kinh đón giao thừa, tham gia cùng mọi người tụng chú Đại Bi, em quên luôn cả việc pháo bông ngoài kia đang bừng sáng.
Khi những đứa bạn nói với em, “đừng tụng nữa, ra xem pháo hoa đang bắn”, em lắc đầu rồi ngồi tiếp tục tụng kinh cùng cô bác Phật tử. Khi thời kinh kết thúc, cô Phật tử ngồi kế bên hỏi: “Sao con không xem bắn pháo hoa”, em bảo “để lát về con mở mạng ra xem lại cũng được. Con muốn tụng kinh đầu năm để hồi hướng cho bố mẹ nhiều sức khỏe”. Nghe em nói, cô Phật tử đứng bên cạnh bảo em ngoan; có người bảo em sao mà dễ thương quá.
Trong thời gian chờ đợi đồng hồ điểm 24g, các em nhỏ
chạy nhảy quanh quý thầy, nô đùa khắp chánh điện tận hưởng niềm vui ngày Tết
Đến chùa lễ Phật đầu năm, em dâng lên Phật những ước nguyện thiện lành
Tại chùa Liên Hoa (Q.11), từ 11g là các cô bác Phật tử hướng dẫn, đưa các em nhỏ về chùa để đón mừng năm mới và tụng kinh cầu phước đầu năm. Đợi chờ giây phút thiêng liêng tại chánh điện chùa, bác A Tài cho biết: “Năm nào cũng đi chùa đầu năm, truyền thống này có từ đời ông cố, bà cố tui rồi. Với gia đình chúng tôi, đầu năm không gì quan trọng bằng việc đi chùa đón giao thừa. Chúng tôi dẫn con cháu theo để chúng được phước lành từ chư Phật và sư phụ”.
Trong thời gian chờ đợi đồng hồ điểm 24g, các em hồn nhiên chạy nhảy quanh các thầy, nô đùa khắp chánh điện. Nhìn các em đùa giỡn, nói cười vui vẻ, quý sư ai cũng hoan hỷ.
Bài, ảnh: Khánh Vy