Có lần khi tôi còn là một thiếu niên, cha tôi và tôi đứng xếp hàng để mua vé vào xem xiếc. Cuối cùng chỉ còn một gia đình đứng sắp hàng giữa chúng tôi và người bán vé. Gia đình này đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Gia đình đó có 8 người con, tất cả đều nhỏ tuổi. Nhìn quần áo họ mặc ta có thể nói là họ không có nhiều tiền. Bọn trẻ ngoan ngoãn, tất cả đều đứng xếp hàng phía sau bố mẹ chúng, từng hai đứa một nắm tay nhau.
Chúng nói một cách liến thoắng về các chú hề, những con voi và những tiết mục khác mà chúng sẽ xem đêm nay. Người ta có cảm giác là trước đó chúng chưa xem xiếc bao giờ. Việc được đi xem xiếc có vẻ như là một nét nổi bật nhất trong cuộc đời trẻ thơ của chúng. Người cha và người mẹ của lũ trẻ này trông hết sức tự hào.
Cô bán vé hỏi người cha muốn mua bao nhiêu vé. Ông hãnh diện trả lời: “Cô làm ơn bán cho tôi 8 vé trẻ em và 2 vé người lớn để tôi có thể đem cả gia đình vào xem xiếc”. Cô bán vé nói giá tiền. Bà vợ rút bàn tay của mình ra khỏi tay chồng, đầu bà cúi xuống, môi người đàn ông bắt đầu run run. Người cha nghiêng người hơi sát hơn vào cô bán vé và hỏi: “Cô nói bao nhiêu tiền?”.
Biết mình không có đủ tiền, ông phải quay lại để nói với tám người con rằng ông không đủ tiền để đưa chúng vào xem xiếc chăng? Nhìn thấy việc đang diễn ra, cha tôi đút tay vào túi quần rút ra một tờ 20 đồng và đánh rơi tờ giấy bạc xuống đất. (Chúng tôi thật sự chẳng giàu có gì!). Cha tôi cúi xuống nhặt tờ giấy bạc lên, vỗ vào vai người đàn ông và nói: “Xin lỗi ông! Tờ giấy bạc này ở túi ông rơi ra”.
Người đàn ông biết việc gì đang xảy ra. Ông ấy không xin của bố thí nhưng chắc chắn là trân trọng sự giúp đỡ này trong một tình huống tuyệt vọng, đau lòng và bối rối. Ông nhìn thẳng vào mắt cha tôi, nắm lấy tay cha tôi trong cả hai bàn tay ông ấy, siết chặt và môi run run, ông ấy nói: “Cám ơn! Cám ơn ông! Số tiền này thực sự rất có ý nghĩa đối với tôi và gia đình tôi lúc này”.
Cha tôi cùng với tôi trở ra và lái xe về nhà. Đêm đó chúng tôi không vào xem xiếc, nhưng không phải chúng tôi không vào xem vì không có tiền.(Theo Học làm người)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Đọc vài lần câu chuyện trên, chúng ta không khỏi ngậm ngùi thương cho người cha đáng yêu của một gia đình nghèo gồm vợ và tám người con đang khát khao được một lần xem xiếc. Việc xem xiếc đối với những gia đình khác là chuyện bình thường nhưng đối với gia đình này là một ước mơ thật lớn lao. Người cha có kế hoạch để dành tiền mua vé từ rất nhiều tháng tiết kiệm. Đến khi đủ tiền, cả nhà đã sẵn sàng xếp hàng trước quầy bán vé với một tâm trạng nôn nao hạnh phúc không thể tả hết. Chỉ vài bước chân nữa thôi là cả gia đình sẽ bước chân vào rạp xiếc, đối với họ như thể sắp đặt chân vào vườn địa đàng.
Người cha cứ đinh ninh giá vé từ năm trước đến bây giờ vẫn thế. Ông đâu có biết rằng giá cả thị trường biến động. Mọi thứ đều tăng giá và giá vé xem xiếc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tất cả mộng ước sắp sửa thành hiện thực bỗng dưng sụp đổ khi biết giá vé đã thay đổi. Người cha đã chắc chắn mình đã chuẩn bị đủ tiền rồi kia mà, lúc ấy ông mới nhận ra rằng: Có một điều chắc chắn là không có gì chắc chắn cả!
May sao, có hai cha con gia đình khác đã chứng kiến hết tất cả những gì đang xảy ra, khiến họ rất cảm động và thương cho người cha kia đang lâm vào một tình trạng hết sức tuyệt vọng, và đã đưa ra một cách cứu giúp cho gia đình người cha kia thực hiện được ước mơ xem xiếc. Cách cho tiền của ông này khiến ta liên tưởng đến lời một người thầy đã dạy học trò của mình về cách bố thí thi ân: “Khi con đem cho ai một thứ gì, con hãy đưa như thế nào để bàn tay trái không biết gì về việc làm của bàn tay mặt”.
Đôi khi chúng ta nên giảm bớt một vài lần vui chơi giải trí như xem phim, ca nhạc…, hay nghỉ một buổi xem xiếc như hai cha con trong câu chuyện trên để dành 20 đồng vé xem xiếc trao tặng, chia sẻ chút niềm vui, chút hạnh phúc cho người thiếu may mắn. Bởi đối với người khá giả, một vé xem xiếc chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ” nhưng đối với người nghèo thì thật lớn và có ý nghĩa biết bao!