Giá trị tư tưởng Thiền học trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú - Phần 1: Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Giác Ngộ - Trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Đại Việt, Thiền phái Trúc Lâm đã gắn chặt với tâm tư tình cảm nhân dân, thể hiện đạo lý tình người và tạo ra sức mạnh toàn dân chiến thắng quân thù. Quan trọng hơn, tư tưởng Thiền phái không chỉ dừng lại ở giá trị đó mà còn để lại cho hậu thế một giá trị văn hoá tư tưởng đi sâu vào triết lý, đạo đức nhân sinh của dân tộc.

Một trong những đại biểu khai sáng và định hình tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm là Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã để lại một dấu ấn giá trị tâm linh thiền đạo qua sự nghiệp sáng tác văn chương khá đồ sộ, có nhiều đóng góp cho văn học trung đại nói chung, văn học Phật giáo Thiền tông nói riêng.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh tư liệu

Việc nghiên cứu giá trị tư tưởng Thiền học trong tác phẩm Cư Trần lạc Đạo Phú của Trần Nhân Tông sẽ cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn về tư tưởng Thiền học được phản ánh qua sinh hoạt Thiền phái và ý thức tự chủ của dân tộc Đại Việt qua văn hoá, văn học, ngôn ngữ chữ Nôm và những xúc cảm chân thành trước quê hương đất nước.

1. Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Không phải ngẫu nhiên lịch sử tôn vinh Trần Nhân Tông là vị anh hùng, là nhà văn hoá của dân tộc. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại Việt hào hùng vào những năm tháng cha ông đã làm nên những chiến công lẫy lừng, đánh Tống bình Nguyên. Là con đầu của Trần Thánh Tông, sinh ngày 11 tháng mười một năm Mậu Ngọ (1258), làm vua từ năm Kỷ Mão (1279), đến năm 1293 thì nhường ngôi cho con, và nghiên cứu Phật học. Nhưng mãi đến 1298, ông mới thật sự khoác áo cà sa thuyết pháp độ sinh khắp nơi, làm Tổ Trúc Lâm và được nhân dân tôn vinh là Phật Điều Ngự Giác Hoàng. Ta thấy tên tuổi ông gắn liền hai cuộc chiến tranh thần thánh chống quân Nguyên Mông chỉ có ở Việt Nam . Ông là một vị vua, đồng thời là Thiền sư – Thi sĩ, với một tâm hồn chân chất của nông dân thực thụ quả là độc nhất vô nhị.

Thơ Văn Lý Trần, tập II ghi nhận Ông là “nhà văn hoá, nhà thơ xuất sắc ở thế kỷ XIII. Ông đã sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm ở Việt Nam, đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Đại Việt có quy mô bề thế, có văn hoá độc lập, chống lại những ngoại lai, phi dân tộc” [1].

Sau khi nhường ngôi cho con, Trần Nhân Tông làm Thái Thượng Hoàng và làm Tổ Trúc Lâm hoằng pháp độ sinh. Điều này sách Tam Tổ Thực Lục nói “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập Thiện” [2]. Cũng chính con người với nhiều trọng trách như thế nên sự nghiệp sáng tác của ông khá phong phú. Những tác phẩm đó đã phản ánh đúng tư tưởng của Trần Nhân Tông như: Trần Nhân Tông thi tập, Tăng già toái sự, Đại Hương hải ấn thi tập, Thạch thất mỵ ngữ…. Đáng chú ý nhất là hai tác phẩm chữ Nôm Cư Trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca không chỉ có giá trị về mặt nội dung tư tưởng Thiền học mà còn góp phần nắm cái mốc cho sự phát triển tiếng việt trong lịch sử văn học dân tộc.

Là một áng văn Nôm được viết theo tểh phú gồm 10 hội, viết về tư tưởng Thiền: ở đời mà vui với đạo có tên chính thức Cư Trần lạc đạo phú. Có thể nói tác phẩm này là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối toàn bộ tư tưởng, cuộc sống người dân lúc bấy giờ. Nó cũng là một trong những tác phẩm được giới nghiên cứu Phật giáo và văn hoá dân tộc Việt Nam quan tâm khá đặc biệt, được trích dẫn đích danh khi Thiền sư Chân Nguyên trình bày cho vua Lê Chính Hoà vào khoảng những năm 1692 trong Kiến tính thành Phật lục [3]. Chính vì thế, nó góp phần tác động vào sự tồn tịa và ảnh hưởng của nó trong quá trình truyền đạt tư tưởng Thiền học Việt Nam .

Theo Lê Mạnh Thát [4], bản in xưa nhất của tác phẩm này là vào năm 1745 do Sa Di Ni Diệu Liên vâng lệnh thầy mình in lại và bản gỗ lưu lại ở chùa Liên Hoa – Thăng Long. Nó được in kèm theo Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang và Ngộ đạo nhân duyên kệ của Chân Nguyên. Việc in kèm như thế, chứng tỏ văn bản mà Ni cô Diệu Liên dùng để in phải đến từ một truyền bản của Chân Nguyên, tức là bản thân của nửa cuối thế kỷ thứ XVII. Từ đây, vấn đề truyền bản của Cư Trần lạc đạo phú khá rõ ràng. Trong lời dẫn bản in 1930 trong Thiền tông bản hạnh, Thiền sư Thanh Hanh (1840 – 1936) cho biết vào năm Gia Long thứ 12 (1814) bản Thiền Tông bản hạnh đã được in lại và cùng với nó chắc chắn phải có Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Hơn nữa, khi lập bản mục lục các kinh sách Phật giáo trong Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 5aa, An Thiên có ghi tên một tác phẩm Trần Triều thập hội lục. Rõ ràng, Thập hội lục của triều Trần chính là 10 hội của Cư trần lạc đạo phú.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày