Giác Ngộ là kênh truyền thông chánh niệm

Giác Ngộ là kênh truyền thông chánh niệm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 45 năm, Giác Ngộ cứ từng bước vững vàng mà bám rễ sâu trong lòng công chúng

GNO - 45 năm, Giác Ngộ cứ từng bước vững vàng mà bám rễ sâu trong lòng công chúng, gửi đi thông điệp từ bi trong dòng chảy sự kiện của kỷ nguyên thông tin bởi tinh thần thực hành hạnh lắng nghe không bám víu của Đức Quán Thế Âm và chọn theo con đường trung đạo để truyền thông…

Nhân dịp kỷ niệm cột mốc lớn 1-1-1976 – 1-1-2020, tôi có hai góc độ san sẻ với báo Giác Ngộ...

Từ góc nhìn của người trên con đường học Phật

Bài báo đầu tiên đăng trên Giác Ngộ của tôi là năm 2017 nhưng tôi biết đến Giác Ngộ khi còn nhỏ nhờ bà Tám hàng xóm ở quê nhà. Bà Tám là độc giả của báo và cho tôi mượn Tuần báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ để đọc.

Văn phong Giác Ngộ gần gũi, dễ cảm, khế lý khế cơ phục vụ được cho nhiều kiểu độc giả, từ người mới học Phật, muốn tìm hiểu về đạo, đọc báo vẫn cảm thấy dễ hiểu với các mục Tư vấn, Tuổi trẻ, Tâm linh màu nhiệm; đến người có thời gian sống, hành và nghiên cứu về đạo ngoài các bài chuyên sâu của Nguyệt san thì Tuần báo có các mục Phật học, Văn hoá và đặc biệt là những bài viết truyền tải kinh nghiệm hành đạo của Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng, Suy nghiệm lời Phật của Thầy Quảng Tánh; hay những ai muốn nhìn ra thế giới thì có mục Phật giáo nước ngoài rồi sống an khoẻ với các kiến thức y học và cách làm các món chay…

Ths.Trần Lê Hiếu Hạnh

Ths.Trần Lê Hiếu Hạnh

Là một độc giả, tôi cũng viết những câu chuyện học Phật quanh mình gửi báo và đón nhận niềm vui khi bài viết đầu tiên có Duyên với Giác Ngộ được đăng với bút danh Diệu Tâm có tên là “Thong dong đi chùa” (số 888), rồi sau đó là những bài viết cộng tác cho mục Tuổi trẻ với bút danh Mộc Mộc để chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống trong quá trình học Phật như “Người trẻ chúng tôi đang học cách mạnh mẽ” (số 910) cùng những chân dung các nhân vật truyền cảm hứng: “Chàng nghiên cứu sinh & con đường học Phật” (số 899), “Gieo nhân lành sẽ thành công và hạnh phúc” (số 915), Chữ “Duyên với nhà Phật của MC Lê Đỗ Quỳnh Hương” (số 961 đặc biệt) rồi niềm vui nho nhỏ khi có bài “Ngẫm về bố thí” (số 929) đăng trên mục Phật học.

Ngoài ra, còn có một bản tin “Mở lớp Thiền tại trường Đại học KHXH&NV TPHCM” đăng online trên trang Văn hoá (23-3-2019) rồi khi đăng trên trang Facebook Báo Giác Ngộ nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.

Trong một giai đoạn (2017 – 2019), Giác Ngộ trở thành trang Nhật ký Phật học ghi nhận tiến trình của tôi thông qua các bài viết quán chiếu về cuộc sống và bản thân. Đó cũng là quãng thời gian công tác với vị trí giảng viên ở Khoa Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM), mỗi tuần tôi đều được nhận báo biếu rồi có khi những món quà nho nhỏ nhưng mang giá trị kỷ niệm của quý báo như: Nón bảo hiểm in logo Giác Ngộ, lịch năm mới. Thật biết ơn!

Đến góc nhìn của người nghiên cứu

Từ ngày Giác Ngộ mở thêm “Truyền hình trực tuyến Giác Ngộ” mà kênh tự định danh mình là “Giác Ngộ TV”, trong khoảng 2 năm 7 tháng vừa qua (cột mốc video đầu tiên “Gần 1.000 giới tử tham gia khảo hạch Đại giới đàn Trí Tịnh” đăng ngày 2-5-2018), truyền hình trực truyến Giác Ngộ đã sản xuất 424 video phát trên kênh, mỗi tháng trung bình khoảng 13 – 14 video, mỗi tuần dao động 3 – 4 video. Trong thời gian ngắn để hoà vào dòng chảy chung của thời đại, Giác Ngộ đã “vươn lên chính mình” để cung cấp cho khán giả thông tin thời sự Phật giáo mới nhất của Giáo hội trên kênh Youtube (thể hiện cụ thể qua chuyên mục điểm tin hàng tuần) với mức độ hữu ích, đáng tin cậy, chính xác, được công chúng quan tâm.

Điểm qua các thành phẩm trên kênh Giác Ngộ TV có thể kể đến các video, phóng sự mang dấu ấn với lượt xem cao (tính vào thời điểm xem là 19h ngày 16-12-2020), như:

1. “Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức hiện ở đâu?” đăng tải ngày 1-6-2018 với 92.546 lượt xem. Cũng liên quan đề tài trên là phóng sự “Chiêm bái tôn tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức trong bảo tháp Việt Nam Quốc Tự” đăng ngày 12-5-2020 với 583.611 lượt xem càng cho thấy câu chuyện theo thời gian càng có sức hút với công chúng.

2. Loạt phóng sự về cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang nhận được sự quan tâm và hiểu biết của khán giả với các thông tin thời sự mang tính lịch sử Phật giáo: Phóng sự “Tang lễ Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang” đăng ngày 9-11-2019 với 92,634 lượt xem; “Di quan, trà-tỳ (hoả thiêu) Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang” đăng ngày 11-11-2019 với 123.978 lượt xem, đặc biệt phóng sự “Xá-lợi HT.Thích Trí Quang sau khi hoả thiêu được thờ ở đâu?” đăng ngày 22-11-2019 nhận được 592.770 lượt xem.

Qua việc phân tích các video có lượt xem cao để lại dấu ấn của Giác Ngộ truyền hình, tôi có gợi ý kênh nên phát triển các đề tài vừa biểu đạt được tính thời sự vừa có giá trị lịch sử, chân dung các vị Danh Tăng, không chỉ góp phần tăng lượt views mà còn cho đời những tác phẩm truyền hình có thông tin sâu sắc mang dấu ấn của thời đại.

Ngoài ra, còn có:

1. Ekip khai thác đề tài vừa kịp thời vừa hữu ích có tính chuyên sâu liên kết giữa đạo và đời như video phỏng vấn “Đại đức Thích Trí Minh, Bác sĩ Chuyên khoa cấp I nói về dịch bệnh do Virus Corona” đăng tải ngày 21-2-2020 với 153.329 lượt xem; “Vương quốc Phật giáo Bhutan - Nơi bình yên trong đại dịch Covid-19” phát ngày 5-4-2020 thu hút 169.096 lượt xem…

2. Phóng sự “Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Dấu ấn 35 năm hình thành và phát triển” đăng ngày 23-10-2018 với 157.887 lượt xem cho thấy sự quan tâm của Phật tử, công chúng với lĩnh vực giáo dục, thực tập Phật giáo, theo như Hoà thượng Thích Trí Quảng nhận định sự thiết yếu của Học viện là vì: “Nếu chỉ giáo dục thông thường thì Tăng Ni chỉ có kiến thức thôi, trở thành nhà nghiên cứu, học giả chứ không thể trở thành tu sĩ hay nhà truyền giáo…”.

Chúng ta nhìn thấy những đề tài thể hiện mối liên kết giữa đạo và đời, giữa tâm linh và khoa học cùng những ứng dụng Phật học để có cuộc sống an lạc (như vương quốc hạnh phúc Bhutan) thu hút được sự quan tâm của khán giả xem Giác Ngộ TV. Bên cạnh đó, chuyên mục “Đạo Phật và Đời sống” của Giác Ngộ TV giải đáp các vấn đề thắc mắc của Phật tử, những phong tục Phật giáo gắn kết trong đời sống dân gian (các video chia sẻ của HT.Thích Lệ Trang: Tại sao phải cúng cháo trắng loãng khi thí thực cô hồn?, Tại sao phải cúng giỗ cho người thân đã mất?, Phóng sinh sao cho đúng và lợi lạc?…).

Khi nghiên cứu nghi thức thờ cúng Phật tại gia, chúng tôi nhận thấy, người Việt có tập tục dù là Phật tử hay không thì trong nhà thường có bàn thờ Phật bên cạnh bàn thờ gia tiên (tiền Phật hậu Linh). Đạo Phật đã thấm vào đời sống thường nhật của người Việt đủ các thành phần trong xã hội, vì vậy càng cần những bài viết, video chia sẻ lời Phật dạy cùng ứng dụng Phật học trong đời sống để mọi người hiểu đúng con đường chư Phật đã đi, bài trừ mê tín dị đoan - xem Phật như vị Thần gieo phúc giáng hoạ trong phần đông tín ngưỡng dân chúng.

Từ khối lượng các đề tài đồ sộ và phong phú của Tuần báo, Nguyệt san và online, mảng truyền hình của Giác Ngộ có nhiều chủ đề để khai thác, bài toán lớn là nguồn nhân lực và nguồn tài lực thực hiện. Tôi dùng từ “truyền thông chánh niệm” (mindful communication) dành cho Giác Ngộ để nhắc đến cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, không chọn đi nhanh như các kênh báo chí đơn thuần khác mà chọn sự chắc chắn, tỉnh táo giữ vững được thế đứng của mình, ý thức trọng trách lịch sử đặt trên đôi vai chung cho cả đội ngũ xây dựng quý báo.

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 45 của quý báo, tôi kính chúc Giác Ngộ ngày càng vững vàng vươn lên theo ánh dương đúng như tên gọi và là sứ giả của Đức Như Lai gieo bình đẳng, hoà bình trong nhân sinh.

Bình Dương, 16-12-2020

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày