Giác Ngộ online (GNO) tuần qua (từ ngày 1 đến 8-7)

Giác Ngộ - Độc giả GNO tiếp tục quan tâm đến nhiều vấn đề như tiếp sức mùa thi, như “tượng táng”, chỗ trọ cho Tăng Ni sinh và việc nộp hồ sơ tuyển sinh vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM…

Vấn đề “tượng táng” mà tác giả Minh Thạnh viết trong Câu chuyện trong tuần (GN 595) đã được bạn đọc Hồng Nhung (hothihongnhung@...) chia sẻ: Rất cảm ơn bài viết và đưa ra khái niệm “toàn thân xá lợi”. Rất mong cụm tôn từ này từ nay sẽ được phổ biến, phổ thống hóa và dùng chính thức trong các bài viết về “toàn thân xá lợi” của các vị Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu), Thiền sư Như Trí (chùa Tiêu Sơn)”.

39344027.jpg

Toàn thân xá lợi của Thiền sư chùa Đậu

Tin TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm GĐPT Việt Nam được Phật tử Quảng Giới đề nghị: nên làm tin đầy đủ hơn, đăng hình ảnh nhiều lên… Và tòa soạn online ngay sau đó đã giới thiệu chùm ảnh của buổi lễ này của tác giả Nguyên Phát.

Việc tuyển sinh khóa VIII Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM có nhiều bạn đọc bày tỏ lo lắng “đến hẹn lại lên, sẽ có nhiều Tăng Ni sinh không có chùa để ở, lại phải “gian nan trọ học” như Giác Ngộ đã phản ánh.

Ngoài ra, chương trình Tiếp sức mùa thi của Giác Ngộ nhận được nhiều lời cảm ơn và sự hoan hỷ của phụ huynh, thí sinh, Phật tử… Trong đó, Báo Tuổi Trẻ cũng đã cử người đi làm phóng sự truyền hình về đề tài này.

Bài viết Xót xa ngôi chùa tháp cao nhất Việt Nam thành 'chùa hoang' được Giác Ngộ online đăng lại từ trang Bưu Điện Việt Nam đã nhận được phản hồi từ bạn đọc Nguyễn Văn Dũng (sông Lô, Vĩnh Phúc):

“Không biết tác giả nào nói bài viết này mà chưa rõ sự tình, phản ánh tiêu cực quá. Chùa quê tôi mà đọc cứ ngỡ là chùa nào. Tuy hiện giờ tôi sống và làm việc tại Hà Nội nhưng đó là ngôi chùa tôi luôn về thăm khi có dịp và biết rất rõ sự tình.

Nếu cách đây 7 năm chưa có sư thầy trụ trì thì nói bỏ hoang nghe có lý, vì lúc đó chỉ là nơi thả trâu bò của người dân và cỏ mọc không có lối vào để mà chiêm ngưỡng tháp như bây giờ.

Sau khi có sư thầy về ngôi chùa được khang trang lên rất nhiều, xây dãy nhà khách to đẹp gần tháp, sao không thấy tác giả nói tới để khen? Còn chân tháp do là di tích quốc gia không được sửa sang nên đang phải trồng hoa cho thêm đẹp, còn dãy nhà tác giả chụp hoang là nhà bếp hiện nay (mà nhà quê dân cư nghèo thì như thế cũng không đến nỗi nào).

Cái chính là chánh điện bên trong đã xuống cấp trầm trọng (không thấy được chụp đến) nên Nhà nước mới hỗ trợ kinh phí giao cho nhà đầu tư (là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên) xây dựng lại, nhưng chẳng hiểu sao công trình bị ngưng lại hơn một năm nay mà không có lý do. Cái đáng buồn là không được các cấp lãnh đạo quan tâm nên sự dang dở vẫn bỏ ngỏ cho tới hôm nay.  

Nếu không có sư trụ trì về thì ngôi chùa không được khang trang như hiện nay đâu. Thật đáng khâm phục khi sư trụ trì về ở nơi này và xây dựng được như hôm nay dù tuổi đời còn trẻ nhưng tâm đạo thật lớn, và tâm Bồ đề thật vững với phương châm hoằng pháp độ sinh mới chịu bao vất vả, khổ cực để lo cho ngôi chùa được như ngày nay. Mong tác giả nên tìm hiểu kỹ trước khi viết bài, đừng chỉ nhìn mặt còn tồn tại mà nói”.

Bạn đọc có thể cung cấp thêm hình ảnh về ngôi chùa này qua e-mail: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày