Giác Ngộ số 852: Thấy pháp là thấy Như Lai

GNO - Giác Ngộ số 852, ra ngày 24-6 với nhiều nội dung hay, tin tức thời sự phong phú phục vụ bạn đọc.

Nhân mùa “sôi sục” với bóng đá, trên trang Xã luận số này, tác giả Phước Ngôn viết Mạng người treo trên trái bóng để cảnh báo vấn nạn đang diễn ra hàng ngày trong mùa này mà nếu không tỉnh thức, chúng ta có thể trở thành nạn nhân. Tác giả viết “… Tuy vậy, tinh thần thể thao tốt đẹp của bộ môn này ít nhiều bị vấy bẩn bởi sự cay cú, hơn thua, đặc biệt là bởi đồng tiền, mà trong đó cá độ là một vấn nạn. Nếu không “tỉnh giác”, hoặc tham lam, chỉ cần gõ thêm một con số là “con bạc” có thể tán gia bại sản, thậm chí cùng đường tự vẫn. Tham là cái gốc của khổ. Tuy thế, rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống ngày nay tồn tại dựa trên lòng tham của con người. Lòng tham là không đáy, nên hiểm họa cũng khôn lường…”.

Trên Văn nghệ số này cũng đăng truyện ngắn hay Lăn theo quả bóng của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhân, kính mời bạn đọc đón đọc thêm.

b1.jpg

Bìa Giác Ngộ số 852 - Mỹ thuật: HS.Nhuận Thường

Trên Phật học số này: Thấy nhân duyên là thấy pháp - Thấy pháp là thấy Như Lai, bài giảng của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM tại trường hạ tổ đình Kim Cang - Long An vừa qua đã đúc kết nhiều kinh nghiệm tu tập quý báu mà Hòa thượng muốn truyền đến hành giả trong mùa an cư này. Hòa thượng chân tình chia sẻ: “Kinh nghiệm tu của tôi, phải giữ mình trong ba tháng an cư được Phật quy định. Thầy nào, chùa nào giữ đúng luật này, thì Phật nói có Thiên long giữ gìn. Tụng kinh Pháp hoa, thấy rõ điều này. Phật khẳng định rằng người nào tuân thủ pháp này, Ngài khiến Bát bộ Thiên long giữ gìn, người nào sống trong Thiền định, Ngài sai hóa nhân cúng dường đầy đủ và được thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp. Đó là lộ trình mà Phật đã vẽ ra cho chúng ta. Còn đi hay không là ở ta” - Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử đón đọc để biết thêm những chia sẻ tâm huyết của Hòa thượng.

Tác giả khẳng định trên Phật học "Chánh định có nghĩa là sự chuyển đổi của tâm thức vì lúc đó ta không còn kết nối với cái biết bình thường, tương đối. Khi đã có thể chuyển đổi đường hướng của tâm, chúng ta không còn chìm đắm trong những vấn đề tầm thường, mà biết rằng còn có nhiều thứ hơn thế nữa" - đọc thêm để hiểu về thiền định với mục đích Khai mở tâm thức của tác giả - Ni sư Ayya Khema.

Làm thế nào để đánh thức tiềm năng du lịch vừa giữ gìn, bảo tồn được di tích cổ tự, phóng viên Giao Hảo trong bài viết của mình Phát huy giá trị di tích chùa cổ bằng du lịch trên Văn hóa đã nêu lên thực trạng đáng buồn. “Khi thực tế cho thấy, các di sản di tích đang bị thương mại hóa quá mức khi du lịch đề cao lợi nhuận, gây nên sự hư hại cho các giá trị văn hóa. Thay vì đánh thức tiềm năng du lịch tâm linh để phát huy giá trị di tích chùa cổ, thì nhiều nơi lại đề cao lợi nhuận hơn, từ đó đặt sự “hiện đại hóa” di tích chùa cổ làm mục tiêu phát triển cho du lịch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngôi cổ tự trở thành “tân tự”, đồng nghĩa với việc chúng ta đang mất dần đi những giá trị văn hóa - lịch sử được nhìn nhận là bản sắc riêng của cả một dân tộc” - tác giả viết.

Bia online.jpg
Ảnh bìa: Cung rước chư tôn giáo phẩm quang lâm Đại Giới trường Đại Giới đàn Đồng Huy

“Định hướng các đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam là điều cần thiết” trong bài trả lời phỏng vấn với phóng viên Bảo Thiên, TT.Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư, chủ nhiệm 4 đề án chiến lược cho biết, những nội dung của đề án là mối ưu tư lớn của chư Tăng Ni, Phật tử cả nước chứ không còn là việc làm riêng của ngành văn hóa Phật giáo.

Đây thực sự là một nhiệm vụ cấp bách, cần thiết trong quá trình định hình và thống nhất lại những quy chuẩn riêng về nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại Việt Nam bao gồm pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản. Kính mời bạn đọc đón đọc thêm.

BTS PG tỉnh Long An có cách quản lý và Bồi dưỡng đạo lực cho Tăng Ni trong mùa An cư (ghi nhận của phóng viên Hạnh Ý) có sự khác biệt. Theo đó, tại mỗi hạ trường, thời khóa tu học ghi rõ “Hạ trường là nơi tu học của Tăng, Ni chúng, môi trường phát huy giới hạnh và trí tuệ, hình tướng trang nghiêm, thanh tịnh của một đoàn thể Tăng-già giải thoát, là tấm gương tốt cho hậu thế, cũng là ngọn đuốc soi sáng khắp muôn phương. Người xuất gia nếu thể hiện trọn vẹn nếp sống hòa hợp trang nghiêm giới luật là đã duy trì mạng mạch Chánh pháp được tồn tại...” để nhắc nhớ hành giả an cư.

Thời gian tu tập Bát quan trai, Vì sao ban đêm không nên rửa chén bát? Là hai câu hỏi bạn đọc gởi về Giác Ngộ được Tổ Tư vấn trả lời trên số này.

Ngoài ra, Giác Ngộ số 852 còn nhiều chuyên mục với các bài viết hay, tin tức thời sự trong và ngoài nước…

Kính mời bạn đọc đón đọc!

Liên hệ mua và đặt báo: Phòng Phát hành Báo Giác Ngộ, 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - ĐT: (08) 393 00675 - 393 06982 - DĐ: 0932059528.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày